NGUỒN GỐC CỦA NHÀ NƯỚC

“Nguồn gốc của nhà nước” được hiểu như sau:

Nguyên nhân và điều kiện dẫn đến sự ra đời của Nhà nước.

Có nhiều quan điểm, học thuyết khác nhau về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến sự ra đời của nhà nước như Học thuyết bạo lực cho rằng chiến tranh giữa các bộ lạc, sự chinh phục của bộ lạc này đối với bộ lạc khác chính là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Nhà nước; Học thuyết tôn giáo (Thiên Chúa giáo, Nho giáo, Hồi giáo…) giải thích nguồn gốc siêu nhiên của nhà nước. Họ cho rằng Nhà nước ra đời là do ý muốn của thượng đế. Người làm vua của một nước là người do thượng đế lựa chọn, là người “thế thiên hành đạo, trị quốc an bang”; Học thuyết gia trưởng cho rằng nhà nước ra đời là do sự hình thành và phát triển của gia đình. Mỗi gia đình có một người đứng đầu – người đó là gia trưởng, mỗi dòng tộc có một người đứng đầu – người đó là tộc trưởng. Nhà nước cũng như gia đình, dòng tộc cần có một người đứng đầu để lãnh đạo, cai quản – người đó là hoàng đế; Học thuyết “Khế ước xã hội” của Rousseau (Jean Jacques Rousseau) thì xem Nhà nước là sản phẩm của sự thỏa thuận của các thành viên trong xã hội về việc thành lập một tổ chức điều hòa các mối quan hệ xã hội vì lợi ích của tất cả cộng đồng. Học thuyết “Khế Ước xã hội” có những hạt nhân hợp lý và là học thuyết phổ biến ở các nhà nước tư sản về nguồn gốc nhà nước. Các học thuyết trên đây hoặc là sai lầm hoặc là xem xét chưa thật đầy đủ, toàn diện nguyên nhân, điều kiện ra đời của Nhà nước.

Học thuyết Mác – Lênin xem xét nguồn gốc ra đời của nhà nước gắn liền với sự phát triển của kinh tế, xã hội. Trong xã hội cộng sản nguyên thủy, do công cụ lao động thô sơ, năng suất lao động thấp nên con người không tạo ra được của cải dư thừa, không có sở hữu tư nhân. Khi con người biết chế tạo ra các công cụ lao động bằng đồng, bằng sắt, năng suất lao động cao hơn, xuất hiện của cải dư thừa, sở hữu tư nhân xuất hiện. Dần dần có sự phân công lao động trong xã hội, xuất hiện giai cấp và đấu tranh giai cấp, xuất hiện người bóc lột và người bị bóc lột. Các xung đột trong xã hội ngày càng gay gắt và quyết liệt hơn. Tổ chức thị tộc, bộ lạc không còn phù hợp để quản lý xã hội. Xã hội cần có một tổ chức quyền lực đặc biệt đủ sức mạnh để điều hòa các mối quan hệ trong xã hội. Tổ chức đó ra đời chính là nhà nước. Như vậy, nhà nước ra đời do hai nguyên nhân: 1) Nguyên nhân kinh tế là sự xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất; và 2) Nguyên nhân xã hội là sự ra đời các giai cấp đối kháng cũng như sự mâu thuẫn giữa chúng phát triển đến mức không thể điều hòa được một cách tự nhiên mà cần có một bộ máy đặc biệt có sức mạnh cưỡng chế, bộ máy đó chính là Nhà nước.