ĐỀ CƯƠNG TRIẾT HỌC MÁC-LÊNIN – Nguồn gốc, bản chất và kết cấu của ý thức

frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video nguồn gốc tự nhiên của ý thức là

ĐỀ CƯƠNG TRIẾT HỌC MÁC-LÊNIN – Nguồn gốc, bản chất và kết cấu của ý thức

2. Nguồn gốc, bản chất và kết cấu của ý thức

a. Nguồn gốc của ý thức

(1) Quan điểm của chủ nghĩa duy tâm

Các nhà triết học duy tâm cho rằng, ý thức là nguyên thể đầu tiên, tồn tại vĩnh viễn, là nguyên nhân sinh thành, chi phối sự tồn tại, biến đổi của toàn bộ thế giới vật chất.

– Chủ nghĩa duy tâm khách quan: đã tuyệt đối hoá vai trò của lý tính, khẳng định thế giới “ý niệm”, hay “ý niệm tuyệt đối” là bản thể, sinh ra toàn bộ thế giới hiện thực. Ý thức của con người chỉ là sự “hồi tưởng” về “ý niệm”, hay “tự ý thức” lại “ý niệm tuyệt đối”. Đại biểu: Platôn, G. Hêghen

– Chủ nghĩa duy tâm chủ quan: tuyệt đối hoá vai trò của cảm giác, coi cảm giác là tồn tại duy nhất, sản sinh ra thế giới vật chất. Ý thức của con người là do cảm giác sinh ra, nhưng cảm giác theo quan niệm của họ không phải là sự phản ánh thế giới khách quan mà chỉ là cái vốn có của mỗi cá nhân tồn tại tách rời, biệt lập với thế giới bên ngoài.

Đó là những quan niệm hết sức phiến diện, sai lầm, của chủ nghĩa duy tâm, cơ sở lý luận của tôn giáo.

(2) Quan điểm của chủ nghĩa duy vật siêu hình: Các nhà duy vật siêu hình đã đồng nhất ý thức với vật chất. Họ coi ý thức cũng chỉ là một dạng vật chất đặc biệt, do vật chất sản sinh ra.

Những sai lầm, hạn chế của chủ nghĩa duy tâm, duy vật siêu hình trong quan niệm về ý thức đã được các giai cấp bóc lột, thống trị triệt để lợi dụng, lấy đó làm cơ sở lý luận, công cụ để nô dịch tinh thần quần chúng lao động.

(3) Quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng

  • Nguồn gốc tự nhiên

+ Bộ óc người: Ý thức là thuộc tính của một dạng vật chất có tổ chức cao là bộ óc người, là chức năng của bộ óc, là kết quả hoạt động sinh lý thần kinh của bộ óc.

+ Ý thức là chức năng của bộ óc người hoạt động bình thường. Sinh lý và ý thức là hai mặt của một quá trình – quá trình sinh lý thần kinh trong bộ óc người mang nội dung ý thức, cũng giống như tín hiệu vật chất mang nội dung thông tin.

+ Khái niệm phản ánh: Phản ánh là thuộc tính phổ biến của mọi dạng vật chất, được biểu hiện trong sự liên hệ, tác động qua lại giữa các đối tượng vật chất với nhau. Đó là sự tái tạo những đặc điểm của một hệ thống vật chất này ở một hệ thống vật chất khác trong quá trình tác động qua lại của chúng.

Sự phản ánh phụ thuộc vào vật tác động và vật nhận tác động; đồng thời luôn mang nội dung thông tin của vật tác động. Các kết cấu vật chất càng phát triển, hoàn thiện thì năng lực phản ánh của nó càng cao. Những đặc trưng cơ bản vừa nêu trên đây có giá trị khoa học, cung cấp cơ sở để làm sáng tỏ nguồn gốc tự nhiên của ý thức.

* Các hình thức của phản ánh

Phản ánh vật lý, phản ánh hóa học là hình thức phản ánh thấp nhất, đặc trưng cho thế giới vô sinh, mang tính thụ động, không có định hướng, lựa chọn.

Phản ánh sinh học là hình thức phản ánh cao hơn, đặc trưng cho giới hữu sinh, thực hiện theo cơ chế phản xạ không điều kiện có tính định hướng, lựa chọn, giúp cho các cơ thê sống thích nghi với môi trường để tồn tại.

Phản ánh tâm lý là phản ánh của động vật có hệ thần kinh trung ương được thực hiện thông qua cơ chế phản xạ không điều kiện và có điều kiện.

Phản ánh năng động sáng tạo là hình thức phản ánh cao nhất trong các hình thức phản ánh, chỉ có ở con người được thực hiện thông qua quá trình hoạt động sinh lý thần kinh của bộ não người khi thế giới khách quan tác động lên các giác quan của con người. Sự phản ánh năng động sáng tạo này được gọi là ý thức.

+ Ý thức là hình thức phản ánh đặc trưng chỉ có ở con người và là hình thức phản ánh cao nhất của thế giới vật chất. Ý thức là sự phản ánh thế giới hiện thực bởi bộ óc con người. Như vậy, sự xuất hiện con người và hình thành bộ óc của con người có năng lực phản ánh hiện thực khách quan là nguồn gốc tự nhiên của ý thức.

  • Nguồn gốc xã hội

+ Lao động

* Khái niệm: Lao động là quá trình con người tác động vào giới tự nhiên nhằm tạo ra sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tồn tại và phát triển của mình.

* Vai trò

Thứ nhất, nhờ có lao động con người tách ra khỏi giới động vật. Con vật chỉ biết sử dụng những sản phẩm sẵn có trong giới tự nhiên, còn con người thì nhờ lao động bắt giới tự nhiên phục vụ mục đích của mình, thay đổi nó, bắt nó phục tùng những nhu cầu của mình.

Thứ hai, nhờ có lao động con người tác động vào thế giới khách quan, bắt thế giới bộc lộ những thuộc tính, những kết cấu, những quy luật vận động của mình thành những hiện tượng nhất định và các hiện tượng ấy tác động vào bộ óc con người, hình thành dần những tri thức nói riêng và ý thức nói chung. Lao động là phương thức tồn tại cơ bản của con người, lao động mang tính xã hội đã làm nảy sinh nhu cầu giao tiếp, trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên trong xã hội. Từ nhu cầu đó, bộ máy phát âm, trung tâm ngôn ngữ trong bộ óc con người được hình thành và hoàn thiện dần.

Thứ ba, thông qua lao động con người cũng làm biến đổi cấu trúc của cơ thể người.

+ Ngôn ngữ

* Khái niệm: Là hệ thống tín hiệu vật chất mang nội dung ý thức. Nó xuất hiện trở thành “vỏ vật chất” của tư duy; là hiện thực trực tiếp của ý thức; là phương thức để ý thức tồn tại với tư cách là sản phẩm xã hội – lịch sử.

* Vai trò:

Thứ nhất, ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết) vừa là phương tiện giao tiếp, đồng thời vừa là công cụ của tư duy.

Thứ hai, nhờ ngôn ngữ con người có thể khái quát, trừu tượng hoá, suy nghĩ độc lập, tách khỏi sự vật cảm tính.

Thứ ba, con người có thể giao tiếp trao đổi tư tưởng, lưu giữ, kế thừa những tri thức, kinh nghiệm phong phú của xã hội đã tích luỹ được qua các thế hệ, thời kỳ lịch sử.

Ý thức là một hiện tượng có tính xã hội, do đó không có phương tiện trao đổi xã hội về mặt ngôn ngữ thì ý thức không thể hình thành và phát triển được.

Lao động và ngôn ngữ là hai sức kích thích chủ yếu làm chuyển biến dần bộ óc của loài vượn người thành bộ óc con người và tâm lý động vật thành ý thức con người. Ý thức là sự phản ánh hiện thực khách quan bởi bộ óc của con người. Ý thức là sản phẩm xã hội, một hiện tượng xã hội đặc trưng của loài người.

b. Bản chất của ý thức

Bản chất ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, là quá trình phản ánh tích cực, sáng tạo hiện thực khách quan của óc người1.

– Ý thức là cái phản ánh thế giới khách quan, ý thức không phải là sự vật, mà chỉ là “hình ảnh” của sự vật ở trong óc người. Ý thức tồn tại phi cảm tính, đối lập với các đối tượng vật chất mà nó phản ánh luôn tồn tại cảm tính. Thế giới khách quan là nguyên bản, là tính thứ nhất. Còn ý thức chỉ là bản sao, là “hình ảnh” về thế giới đó, là tính thứ hai.

– Ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan.Về nội dung mà ý thức phản ánh là khách quan, còn hình thức phản ánh là chủ quan. Ý thức là cái vật chất ở bên ngoài “di chuyển” vào trong đầu óc của con người và được cải biến đi ở trong đó.

– Ý thức có đặc tính tích cực, sáng tạo gắn bó chặt chẽ với thực tiễn xã hội. Đây là một đặc tính căn bản để phân biệt trình độ phản ánh ý thức người với trình độ phản ánh tâm lý động vật. Ý thức không phải là kết quả của sự phản ánh ngẫu nhiên, đơn lẻ, thụ động thế giới khách quan. Trái lại, đó là kết quả của quá trình phản ánh có định hướng, có mục đích rõ rệt. Là hiện tượng xã hội, ý thức hình thành, phát triển gắn liền với hoạt động thực tiễn xã hội. Sáng tạo là đặc trưng bản chất nhất của ý thức. Ý thức phản ánh hiện thực khách quan vào bộ óc người, song đây là sự phản ánh đặc biệt, gắn liền với thực tiễn sinh động cải tạo thế giới khách quan theo nhu cầu của con người.

– Sự phản ánh ý thức là quá trình thống nhất của ba mặt:

Một là, trao đổi thông tin giữa chủ thể và đối tượng phản ánh. Đây là quá trình mang tính hai chiều, có định hướng và chọn lọc các thông tin cần thiết.

Hai là, mô hình hoá đối tượng trong tư duy dưới dạng hình ảnh tinh thần. Thực chất đây là quá trình “sáng tạo lại” hiện thực của ý thức theo nghĩa: mã hoá các đối tượng vật chất thành các ý tưởng tinh thần phi vật chất.

Ba là,chuyển hoá mô hình từ tư duy ra hiện thực khách quan, tức quá trình hiện thực hoá tư tưởng, thông qua hoạt động thực tiễn biến cái quan niệm thành cái thực tại, biến các ý tưởng phi vật chất trong tư duy thành các dạng vật chất ngoài hiện thực.

  • Ý thức là hình thức phản ánh cao nhất riêng có của óc người về hiện thực khách quan trên cơ sở thực tiễn xã hội – lịch sử.

c. Kết cấu của ý thức

  • Khi xem xét ý thức với các yếu tố hợp thành các quá trình tâm lý tích cực đem lại sự hiểu biết của con người về thế giới khách quan, ta có: tri thức, tình cảm, niềm tin, ý chí…

+ Tri thức là nhân tố cơ bản, cốt lõi nhất. Muốn cải tạo được sự vật, trước hết con người phải có sự hiểu biết sâu sắc về sự vật đó. Do đó, nội dung và phương thức tồn tại cơ bản của ý thức phải là tri thức.

Tri thức có nhiều lĩnh vực khác nhau như:­ tri thức về tự nhiên, xã hội, con người; và có nhiều cấp độ khác nhau như: tri thức cảm tính và tri thức lý tính; tri thức kinh nghiệm và tri thức lý luận; tri thức tiền khoa học và tri thức khoa học v.v..

+ Tình cảm là một hình thái đặc biệt của sự phản ánh tồn tại, nó phản ánh quan hệ giữa người với người và quan hệ giữa người với thế giới khách quan. Tình cảm tham gia và trở thành một trong những động lực quan trọng của hoạt động con người.

+ Niềm tin là sự hoà quyện giữa tri thức với tình cảm và trải nghiệm thực tiễn đã tạo nên tính bền vững của niềm tin thôi thúc con người hoạt động vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

+ Ý chí là những cố gắng, nỗ lực, khả năng huy động mọi tiềm năng trong mỗi con người vào hoạt động để có thể vượt qua mọi trở ngại đạt mục đích đề ra.

  • Khi xem xét ý thức theo chiều sâu của thế giới nội tâm con người, cần nhận thức được các yếu tố: tự ý thức, tiềm thức, vô thức…

+ Tự ý thức là ý thức hướng về nhận thức bản thân mình trong mối quan hệ với ý thức về thế giới bên ngoài.

Tự ý thức không chỉ là tự ý thức của cá nhân, mà còn là tự ý thức của các nhóm xã hội khác nhau (như: một tập thể, một giai cấp, một dân tộc, thậm chí cả xã hội) về địa vị của họ trong hệ thống quan hệ sản xuất, về lợi ích và lý tưởng của mình.

+ Tiềm thức là những hoạt động tâm lý diễn ra bên ngoài sự kiểm soát của ý thức. Về thực chất, tiềm thức là những tri thức mà chủ thể đã có được từ trước nhưng đã gần như thành bản năng, thành kỹ năng nằm trong tầng sâu ý thức của chủ thể, là ý thức dưới dạng tiềm tàng.

+ Vô thức là những hiện tượng tâm lý không phải do lý trí điều khiển, nằm ngoài phạm vi của lý trí mà ý thức không kiểm soát được trong một lúc nào đó. Chúng điều khiển những hành vi thuộc về bản năng, thói quen… trong con người thông qua phản xạ không điều kiện.

Vô thức là hoạt động tầng sâu của tâm lý – ý thức, có vai trò to lớn trong đời sống và hoạt động của con người.

* Vấn đề “trí tuệ nhân tạo”.

– Ngày nay, khoa học và công nghệ hiện đại đã sản xuất ra nhiều loại máy móc không những có khả năng thay thế lao động cơ bắp, mà còn có thể thay thế cho một phần lao động trí óc của con người. Hệ thống thao tác của nó đã được con người lập trình phỏng theo một số thao tác của tư duy con người. Máy móc chỉ là những kết cấu kỹ thuật do con người sáng tạo ra. Còn con người là một thực thể xã hội năng động được hình thành trong tiến trình lịch sử tiến hoá lâu dài của giới tự nhiên và thực tiễn xã hội. Máy không thể sáng tạo lại hiện thực dưới dạng tinh thần trong bản thân nó. Năng lực đó chỉ có con người có ý thức mới thực hiện được và qua đó lập trình cho máy móc thực hiện. Ý thức mang bản chất xã hội. Do vậy, dù máy móc có hiện đại đến đâu chăng nữa cũng không thể hoàn thiện được như­ bộ óc con người.

– Ý thức là hình thức phản ánh cao nhất chỉ có ở óc người về hiện thực khách quan trên cơ sở thực tiễn xã hội – lịch sử. Ý thức nhân đôi thế giới trong tinh thần, nhờ đó con người sáng tạo ra “giới tự nhiên thứ hai” in đậm dấu ấn của con người. Một trong những sáng tạo đó là con người ngày càng sáng tạo ra các thế hệ “người máy thông minh” cao cấp hơn giúp cho con người khắc phục được nhiều mặt hạn chế của mình.

– Con người là một thực thể tự nhiên – xã hội có ý thức, chủ thể sáng tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội.