Tìm hiểu nguyên thủ quốc gia Việt Nam

Nguyên thủ quốc gia là gì? Nguyên thủ quốc gia Việt Nam là người đứng đầu một quốc gia, đại diện cho đất nước trong các công việc đối nội và đối ngoại. Nguyên thủ quốc gia nắm giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thể hiện vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Chính vì vậy, chế định nguyên thủ quốc gia là một trong những chế định quan trọng trong thể chế chính trị ở mọi quốc gia. Mỗi quốc gia, nguyên thủ quốc gia lại có tên gọi, chức năng, quyền hạn khác nhau. Bài viết dưới đây của Luật Hùng Sơn sẽ giới thiệu khái niệm nguyên thủ quốc gia là gì và quy định về nguyên thủ quốc gia ở Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới.

Nguyên thủ quốc gia là gì?

Ở các quốc gia khác nhau, nguyên thủ quốc gia tồn tại dưới nhiều tên gọi khác nhau, như Chủ tịch nước, Tổng thống, Vua, Nữ hoàng, Quốc vương,… Ở Việt Nam, Nguyên thủ quốc gia của chúng ta là Chủ tịch nước.

Trong tiếng Anh, Nguyên thủ quốc gia là President. Trong tiếng Pháp, Nguyên thủ quốc gia là Président.

Điều 86, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.” Theo đó, ở Việt Nam, nguyên thủ quốc gia là Chủ tịch nước.

Như đã đề cập ở trên, Nguyên thủ quốc gia có nhiều cách gọi, đặt tên. Đồng nghĩa với giữa các quốc gia, nguyên thủ quốc gia có tên gọi khác nhau do có sự khác nhau về hình thức chính thể quốc gia. Chẳng hạn:

– Đối với quốc gia có hình thức chính thể quân chủ (Bao gồm hai hình thức: Quân chủ chuyên chế và Quân chủ lập hiến). Nguyên thủ quốc gia có tên gọi là “Vua”. Một số quốc gia theo hình thức chính thể quân chủ như như Brunei, Thái Lan… Đối với mô hình nguyên thủ quân chủ tuyệt đối và mô hình nguyên thủ quân chủ nhị nguyên, “Quốc vương” là người có quyền lực tối cao, nắm trong tay quyền hành pháp, lập pháp và có quyền can thiệp vào tư pháp. Đối với mô hình nguyên thủ quân chủ đại nghị, Quyền hạn của Vua bị hạn chế bởi Hiến pháp, Vua có rất ít quyền lực và chỉ mang tính hình thức và gần như là biểu tượng tinh thần của người dân.

– Một trường hợp đặc biệt là Thành quốc Vatican. Ở Vatican, “Giáo hoàng” là nguyên thủ quốc gia đồng thời là nhà lãnh đạo Chính phủ, và cũng chính là Giám mục Giáo phận Roma, là nhà lãnh đạo Tòa thánh và Giáo hội Công giáo Roma;

– Hình thức chính thể cộng hòa, (Bao gồm cộng hòa đại nghị, cộng hòa hỗn hợp, cộng hòa tổng thống) Nguyên thủ quốc gia là tổng thống, (ví dụ như Hoa Kỳ, Pháp,…).

Với hình thức chính thể cộng hòa đại nghị, nguyên thủ quốc gia như một biểu tượng cho Nhà nước, đại diện cho quốc gia về các hoạt động đối nội, đối ngoại.

Với hình thức chính thể cộng hòa tổng thống, nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu bộ máy hành pháp và đứng đầu Nhà nước. Ở hình thức chính thể này, tổng thống có quyền hạn rất lớn.

Với hình thức chính thể cộng hòa hỗn hợp, nguyên thủ quốc gia có nhiều quyền hạn và được xác định là trung tâm của bộ máy quyền lực.

Với hình thức chính thể cộng hòa hỗn hợp, nguyên thủ quốc gia đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại, có một phần quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp

– Trước đây, Khi chưa tồn tại Hiến pháp thì nguyên thủ quốc gia là cá nhân có quyền lực vô hạn. Ở nước ta, Hiến pháp năm 1980 từng quy định nguyên thủ quốc gia là nguyên thủ tập thể – đó là Hội đồng nhà nước.

Nguyên thủ quốc gia trong tiếng anh là gì?

Trong tiếng Anh, nguyên thủ quốc gia là “Head of state”.

Một số khái niệm tiếng Anh về chức danh trong bộ máy chính trị ở Việt Nam:

Chủ tịch nước: President

Phó Chủ tịch nước: Vice President

Chính phủ: Government

Nhiệm vụ và quyền hạn của nguyên thủ quốc gia ở Việt Nam

Ở Việt Nam, thuật ngữ nguyên thủ quốc gia chưa được đề cập hay định nghĩa. Tuy nhiên, kể từ Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến nay, “nguyên thủ quốc gia” đều được đề cập với ý nghĩa là người đứng dầu Nhà nước về hoạt động đối nội và đối ngoại.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Nguyên thủ quốc gia là một trong những nội dung quan trọng xây dựng nên vị trí pháp lý của nguyên thủ quốc gia.

Nguyên thủ quốc gia ở Việt Nam là chủ tịch nước, giống với một số nước như Lào, Trung Quốc, Cu Ba, Triều Tiên. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước được quy định rõ ràng tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Chương VI. Quyền hạn và trách nhiệm của nguyên thủ quốc gia có thể chia thành các lĩnh vực: Hành pháp, lập pháp và tư pháp.

– Vị trí, vai trò: Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về hoạt động đối nội và hoạt động đối ngoại.

– Con đường hình thành: Chủ tịch nước được bầu bởi Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội. Do đó, Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.

– Nhiệm kỳ: Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước tại kỳ họp gần nhất.

Chủ tịch nước có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

+ Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày; Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC; Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án TANDTC, Thẩm phán các Tòa án khác, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá

+ Quyết định tặng thưởng huân huy chương, các giải thưởng, danh hiệu vinh dự nhà nước; Quyết định việc cho nhập/thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam

+ Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước cũng là người giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; Dựa trên nghị quyết Quốc hội/UBTVQH, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; Quyết định phong/thăng/giáng/tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Dựa vào nghị quyết của UBTVQH, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ; Công bố tình trạng khẩn cấp, Bãi bỏ tình trạng khẩn cấp…

+ Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; Căn cứ nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để bổ nhiệm, miễn nhiệm; cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cấp đại sứ, phong hàm; quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Quốc gia; trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quy định tại khoản 14 Điều 70; quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước.

Để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn, Chủ tịch nước ban hành lệnh, quyết định

– Quyền của Chủ tịch nước: Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của UBTVQH, phiên họp của Chính phủ. Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp về vấn đề mà xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.

– Mối quan hệ giữa Cơ quan lập pháp và Chủ tịch nước: Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị UBTVQH xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày,…

– Mối quan hệ giữa Cơ quan hành pháp và Chủ tịch nước: Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ,…

– Mối quan hệ giữa Cơ quan tư pháp và Chủ tịch nước: Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án TANDTC, Thẩm phán các Tòa án khác, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá,…

Trên đây là bài viết “Nguyên thủ quốc gia là gì” và nhiệm vụ, quyền hạn của Nguyên thủ quốc gia ở Việt Nam của Luật Hùng Sơn. Nếu quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc gì cần được giải đáp, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua Hotline 0964 509 555 hoặc đặt lịch ở văn phòng để được các chuyên viên tư vấn trả lời một cách nhanh gọn và chính xác nhất. Cảm ơn quý khách đã theo dõi bài viết. Trân trọng!