Sổ hồng đồng sở hữu là gì? Có được tách thành Sổ hồng riêng không?

Chào anh, Ban biên tâp xin giải đáp như sau:

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì giấy chứng nhận gồm một tờ có 04 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen. Theo đó người dân thường hay gọi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là sổ hồng vì màu sắc đặc trưng và tầm quan trọng của sổ.

Sổ hồng được cấp theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

1. Sổ hồng đồng sỡ hữu là gì?

Căn cứ vào tiêu chí về số lượng chủ thể có thể chia thành sổ hồng một chủ sỡ hữu và sổ hồng nhiều chủ sở hữu hay còn gọi là sổ hồng đồng chủ sỡ hữu.

Theo đó, sổ hồng đồng sở hữu là một loại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và các tài sản liên quan đến đất đai, trong đó có ít nhất từ 02 chủ sở hữu trở lên. Sổ hồng đồng sỡ hữu thường được gọi là sổ chung, dưới thuật ngữ pháp lý thì vẫn được gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

2. Trường hợp nào đất được cấp sổ hồng đồng sỡ hữu?

Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013, quy định về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất như sau:

Điều 98. Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

2. Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.

Như vậy, chỉ khi các chủ sở hữu quyền sử dụng đất yêu cầu cấp chung giấy chứng nhận, văn phòng đăng ký đất đai mới tiến hành cấp một giấy chứng nhận chung và giao cho một người đại diện. Trong trường hợp không có yêu cầu, mỗi người sở hữu sẽ nhận một giấy chứng nhận riêng về quyền sử dụng đất.

3. Sổ hồng đồng sở hữu có được tách thành sổ riêng không?

Theo đó, tại điểm b khoản 2 Điều 167 Luật Đất đai 2013 thì để có thể thực hiện được quyền định đoạt đối với phần đất mình đang sử dụng, các đồng sở hữu, đồng sử dụng có thể tiến hành tách thửa đối với phần đất, tài sản của mình nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

– Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai 2013.

– Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất.

Như vậy, trường hợp quyền sử dụng đất có thể phân chia được theo phần thì các đồng sở hữu mới có thể thực hiện việc tách thửa đối với phần đất, tài sản thuộc quyền của mình. Trường hợp quyền sử dụng đất không thể phân chia rõ ràng là thuộc quyền của đồng sở hữu nào thì không thể thực hiện việc tách thửa.

Có thể thấy, tách sổ hồng đồng sở hữu thành sổ riêng là được phép thực hiện, tuy nhiên cần phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định pháp luật về đất đai, cụ thể như sau:

Theo Điều 188 Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thì để được tách sổ đỏ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Có Giất chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trừ trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 và khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai 2013;

– Đất không có tranh chấp;

– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án;

– Trong thời hạn sử dụng đất.

– Đáp ứng diện tích tổi thiểu để tách thửa theo quy định tại khoản 2 Điều 143 và khoản 4 Điều 144 Luật Đất đai 2013. Diện tích tối thiểu để tách thửa sẽ do UBND các tỉnh quy định chi tiết.

Tuy nhiên, nhìn chung diện tích tối thiểu để tách thửa như sau:

+ Diện tích tối thiểu để tách thửa là diện tích tối thiểu của thửa đất mới được hình thành từ việc tách và/hoặc diện tích tối thiểu của thửa đất còn lại sau khi bị tách;

+ Trường hợp diện tích thửa đất mới được hình thành nhỏ hơn diện tích tối thiểu nhưng xin được hợp nhất với một thửa đất khác để tạo nên một thửa đất có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu thì vẫn được phép tách thửa. (Theo khoản 3 Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).

Như vậy, sau khi đáp ứng đủ các điều kiện trên thì các chủ sỡ hữu chung của đất mới có thể tiến thủ tục tách thửa quyền sử dụng đất thuộc quyền định đạt của mình, đồng thời tiến hành đăng ký biến động đất đai theo quy định tại điểm i khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013.

Trân trọng!