Nhà máy điện giữ 3 kỷ lục "khổng lồ": Vốn lớn nhất, công suất cao nhất, sản lượng nhiều nhất Việt Nam

frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video nhà máy thủy điện lớn nhất việt nam

Trái tim của dãy núi Tây Bắc, nơi sông Đà chảy qua, nơi tọa lạc của “ngôi sao sáng” trên bản đồ năng lượng tái tạo của Việt Nam – Nhà máy Thủy điện Sơn La. Dự án trọng điểm quốc gia này được khởi công vào ngày 2 tháng 12 năm 2005, sau 7 năm miệt mài xây dựng, nhà máy đã chính thức khánh thành vào ngày 23 tháng 12 năm 2012. Ở thời điểm đó, dự án này trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.

Sau khi hoàn thành năm 2012, Nhà máy Thủy điện Sơn La trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á ở thời điểm đó. (Ảnh: Trường Đại học Thủy lợi)

Theo trang web của Công ty Cổ phần Sông Đà 9, Nhà máy Thủy điện Sơn La nằm trên Sông Đà tại xã Ít Ong, huyện Mường La, Sơn La.

Theo báo VTC News, để xây dựng công trình Thủy điện Sơn La, 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phải di chuyển hơn 20.000 hộ dân; trong đó tỉnh Sơn La di chuyển hơn 12.500 hộ. Theo quyết quyết định của Thủ tướng năm 2012 về việc tạm phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh thì dự án Thủy điện Sơn La có chi phí gần 60.200 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách gần 16.900 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ di dân tái định cư, giao cho các địa phương thực hiện. Còn lại, số vốn hơn 43.000 tỷ đồng là vốn góp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); trong đó, kinh phí để xây dựng nhà máy thủy điện là hơn 34.800 tỷ đồng; và một phần cho giải phóng mặt bằng.

So với mức vốn dự kiến ban đầu trong khoảng 31.000 – 37.000 tỷ đồng, tổng mức vốn đầu tư cho Nhà máy Thủy điện Sơn La đến thời điểm hoàn thành đã lên tới 58.483,412 tỷ đồng, tăng gần 60%.

Với tổng vốn đầu tư cao như vậy, Nhà máy Thủy điện Sơn La đã trở thành dự án thủy điện có vốn đầu tư lớn nhất ở Việt Nam.

Nhà máy Thủy điện Sơn La đã trở thành dự án thủy điện có vốn đầu tư lớn nhất ở Việt Nam. (Ảnh: Cục Điều tiết Điện lực)

Theo trang web của Khoa Công trình thuộc Trường Đại học Thủy lợi, công trình thủy điện Sơn La được thiết kế và thi công theo công nghệ mới – Bê tông đầm lăn với nhiều ưu điểm về khống chế ứng suất nhiệt trong bê tông khối lớn và đẩy nhanh tiến độ thi công.

Nhà máy này khai thác thủy năng sông Đà để cung cấp điện năng lên lưới điện Quốc gia với 6 tổ máy, công suất lên tới 2.400 MW. Hồ chứa nước của Nhà máy Thủy điện Sơn La rộng 224 km², lớn hơn hồ chứa nước của Nhà máy thủy điện Hòa Bình (208 km²). Tuy nhiên, dung tích của hồ chứa nước Sơn La lại nhỏ hơn, chỉ đạt 9,26 tỷ mét khối, so với 9,45 tỷ mét khối của hồ Hòa Bình. Dù dung tích nhỏ hơn nhưng với công suất 2.400 MW, công trình thủy điện Sơn La đang là nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất ở Việt Nam.

Hình ảnh bên trong Nhà máy Thủy điện Sơn La. (Ảnh: Trường Đại học Thủy lợi)

Điện lượng trung bình hàng năm của Nhà máy Thủy điện Sơn La đạt 10.246 GWh. Giả sử mỗi hộ gia đình tiêu thụ khoảng 3.600 kWh/năm thì với con số trên Nhà máy Thủy điện Sơn La có thể cung cấp điện cho khoảng 2.846.111 hộ gia đình Việt Nam mỗi năm. Đây là sản lượng điện nhiều nhất mà một nhà máy điện ở Việt Nam có thể sản xuất.

Ngoài ra, hồ thủy điện Sơn La có đập chính ngăn sông Đà cao 138,1 m; chiều dài đỉnh đập 961,6 m, cao gần 90m, sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn hiện đại nhất thời bấy giờ. Đập thủy điện Sơn La là đập bê tông đầm lăn cao nhất Việt Nam và đứng thứ 9 trong top những đập cao nhất thế giới, bên cạnh những công trình của Trung Quốc, Nga, Paraguay, Mỹ, Venezuela.

Đập thủy điện Sơn La đứng thứ 9 trong top những đập cao nhất thế giới. (Ảnh: VTC News)

Nhà máy Thủy điện Sơn La được thiết kế và thi công bởi các kỹ sư và công nhân Việt Nam, các chuyên gia nước ngoài chỉ đóng vai trò giám sát.

Từ những kỷ lục của Nhà máy Thủy điện Sơn La đã minh chứng cho sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp nước ta mà còn khẳng định được bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Hy vọng trong tương lai, nhà máy này sẽ viết nên những trang sử mới cho ngành năng lượng tái tạo Việt Nam.