Kết quả tổ hợp từ tất cả các mô hình cho thấy, nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng trên toàn quốc, với mức tăng lớn hơn khu vực phía Bắc so với khu vực phía Nam, tăng nhiều nhất trong mùa hè và tăng ít nhất trong mùa đông. Theo kịch bản trung bình, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta vào giữa thế kỷ tăng phổ biến từ 1,3 đến 1,7oC. Đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm tăng chủ yếu từ 1,9-2,4oC ở phía Bắc và từ 1,7-1,9oC ở phía Nam.

Theo kịch bản cao, vào giữa thế kỷ, nhiệt độ trung bình năm ở phía Bắc tăng chủ yếu từ 1,9-2,3oC và ở phía Nam từ 1,8-1,9oC. Đến cuối thế kỷ, mức tăng của nhiệt độ trung bình năm là từ 3,3-4oC ở phía Bắc và từ 3-3,5oC ở phía Nam so với thời kỳ cơ sở.

Cũng theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2015, lượng mưa trung bình năm có xu thế tăng trong tương lại. Theo kịch bản trung bình, vào giữa thế kỷ 21, lượng mưa trung bình năm tăng trên cả nước với mức tăng từ 0-30%. Mức tăng thấp nhất ở Nam Tây Nguyên, cao nhất ở Đông Bắc và phần Trung bộ từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, phố biến từ 10-30%. Đến cuối thế kỷ,mức biến đổi của lượng mưa trung bình năm có phân bố tương tự với giữa thế kỷ, tuy nhiên, mức tăng cao hơn khoảng 5%.

Theo kịch bản cao, vào giữa thế kỷ 21, lượng mưa trung bình năm tăng trên toàn bộ lãnh thổ, phổ biến ở mức 10-35%. Đến cuối thế kỷ, lượng mưa trung bình năm vẫn có phân bố tương tự với giữa thế kỷ, tuy nhiên, mức tăng dao động từ 5-45%. Đông Bắc và đồng bằng Bắc bộ có mức tăng cao nhất cả nước, từ 20-45%.

Mực nước biển có xu thế tăng trên toàn biển Đông, dọc ven biển Việt Nam giá trị mực nước biển dâng tăng dần từ bắc vào nam.

Theo kịch bản trung bình: Vào cuối thế kỷ 21, mực nước biển dâng cao nhất ở khu vực quần đảo Trường Sa với giá trị khoảng 58 cm (36 cm-80 cm); thấp nhất ở khu vực Móng Cái đến Hòn Dấu, với giá trị khoảng 53 cm.

Theo kịch bản cao: Vào cuối thế kỷ 21, mực nước biển dâng cao nhất ở khu vực quần đảo Trường Sa với giá trị khoảng 78 cm (52 cm-107 cm); thấp nhất ở khu vực Móng Cái đến Hòn Dấu, với giá trị khoảng 72 cm (49 cm-101 cm).

N.B