“Chanson không chỉ là một dòng nhạc, đó còn là một hệ tư tưởng” – tác giả David Looseley đã viết như vậy trong cuốn sách “Imagining the popular in contemporary French culture” được xuất bản năm 2012. Từ “Chanson” được ông nhắc đến ở đây chính là chanson française, thể loại âm nhạc mang đậm bản sắc Pháp tới mức thể hiện ngay ở tên gọi: Khúc ca của Pháp.
1. Lịch sử vắn tắt
Kể từ thế kỷ 17, Pháp đã được biết đến như cái nôi của văn hóa nghệ thuật thế giới. Văn hóa Pháp có tầm ảnh hưởng rất lớn trong quá trình hình thành nghệ thuật, văn hóa và khoa học thế giới, bao gồm cả âm nhạc.
Chanson françaisecó nguồn gốc từ những người hát rong và các nhà thơ trữ tình Pháp ở thế kỷ 12 và 13, cụ thể là François Villon. Khi ấy, các bài thơ trữ tình thường được đặt lời theo giai điệu các bài hát dân gian phổ biến. Đây là một trong những hình thức sáng tác đặc trưng của âm nhạc Pháp thời kì ấy, cũng là khởi nguồn cho dòng nhạc chanson française. Dù có lịch sử lâu đời như vậy nhưng phải tới chiến tranh thế giới thứ I, thể loại này mới phát triển tới độ cực thịnh.
Trong những năm đầu tiên của thế kỷ 20, Paris là thủ đô văn hóa của châu Âu. Thành phố này khi ấy là nơi hội tụ của những họa sĩ theo trường phái ấn tượng, các nhà thơ, các tiểu thuyết gia, các nhà làm phim và các ca sĩ, nhạc sĩ.
Tất cả đã tạo ra một thế giới đầy màu sắc mà đỉnh cao là thời kỳ “Belle Epoque” – “Thời kỳ tươi đẹp”và trào lưu “Boheme”. Khái niệm chanson française cũng lần đầu được gọi tên vào thời kì này (1893) với những đêm nhạc tại Le Chat Noir, một quán bar nổi tiếng ở quận Montmartre, Paris.
1.1. Giai đoạn 1930s – 1950s
Vào thập niên 1930s- 1940s, các nghệ sĩ như Charles Trenet và Édith Piaf đã đem chanson française chinh phục cả thế giới. Tinh thần chủ đạo của âm nhạc Pháp thời kì ấy là joie de vivre – niềm vui sống. Khi ấy, cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất diễn ra, “ Piaf đã xoa dịu bầu không khí bằng tinh thần tương thân tương ái mang tầm quốc tế ” – Looseley nhận xét. Nhiều bài hát như “La vie en rose”, “Hymne à l’amour”, “La Bohème”,… đã được xếp vào hạng kinh điển, trở thành biểu tượng cho một thời kỳ.
1.2. Giai đoạn 1960s – 1980s
Nếu như những năm 1930s-1940s, âm nhạc thế giới chịu ảnh hưởng của jazz và nhạc khiêu vũ thì 1950s-1960s là thời gian rock’n’roll thống trị.
Đó là thời kỳ những The Beatles, Elvis Presley, Marvin Gaye,.. đang làm mưa làm gió. Trong khi John Lennon hát “She love you, yeah, yeah, yeah” trên sóng radio Anh, phần còn lại của châu Âu cũng đang hình thành nên những trào lưu âm nhạc của riêng mình.
Người Pháp gọi đó là Yé-Yé, xuất phát từ câu “yeah” trong những bài hát của Anh và Mỹ. Yé-Yé Pop đã mang lại một làn gió mới cho âm nhạc thập niên 1960 với những cái tên như Françoise Hardy, France Gall, Serge Gainsbourg, Jane Birkin,…
Không giống cuộc tiến công của nam giới trong phần còn lại của âm nhạc thế giới khi ấy, Yé-Yé là cơ hội cho nhiều giọng ca nữ mang giọng hát của mình đến gần hơn với thế giới.
1.3. Giai đoạn 1990s đến nay
Tới thập niên 90, tốc độ phát triển chóng mặt của hiphop ở miền Nam nước Pháp đã khiến sự mở rộng của định nghĩa chanson française là không thể tránh khỏi.Những điều luật phát thanh năm 1994 ở Pháp đã loại bỏ sự cạnh tranh từ nhạc pop Mỹ, tạo điều kiện cho các tài năng cây nhà lá vườn được phát triển.
Xem thêm : Cật heo là gì? Cách chọn mua cật heo tươi ngon
Nouvelle chanson française là thuật ngữ để nói về nhạc Pháp từ những năm 1990. Những người trẻ khi ấy có hứng thú với các thể loại như Indie Pop và Alternative Rock. Để thích nghi với thời đại, một nhóm nghệ sĩ mới đã xuất hiện, bắt đầu những cuộc thử nghiệm giữa các thể loại nói trên với chanson truyền thống, chào đón những giá trị thẩm mỹ mới và có phần khác thường.
Các nghệ sĩ nouvelle chanson chủ yếu tập trung sáng tác cả một LP (các album có thời lượng dài) thay vì các singles (các đĩa đơn/ các bài hát nổi bật được phát hành trước khi ra mắt album) như thời kì trước.
Lời bài hát cũng ẩn dụ và trừu tượng hơn, tuy nhiên vẫn tập trung vào các chủ đề có tính thời sự và giữ nguyên cả phong cách hát “talk-over” (ảnh hưởng từ các tiền bối Serge Gainsbourg, Joe Dassin,..)
Họ cũng có xu hướng bẻ cong các quy tắc âm nhạc phổ biến thông thường bằng cách kết hợp các cấu trúc bài hát ít truyền thống, các vòng hòa thanh cũng được dụng ý nhiều hơn (lấy cảm hứng từ âm nhạc những năm 1960), hoặc ngược lại, áp dụng phần đệm rất tối giản và thưa thớt. Mục đích chính của những thay đổi này là cân bằng sự chú ý người nghe dành cho phần giai điệu và lời
2. Đặc trưng chanson française
Đối với chanson française, phần lời có khi quan trọng hơn nhiều so với giai điệu, bởi đó là thứ chứa đựng ý nghĩa một ca khúc. Trước khi là một bài hát, chanson là một áng văn, một áng thơ. Đặt vào tiếng Pháp – thứ ngôn ngữ tinh tế, sống động, giàu âm điệu và gợi cảm; mỗi bài hát có thể là cả một câu chuyện mà tác giả và ca sĩ muốn gửi gắm.
Tôn vinh niềm vui cá nhân và đồng cảm với những nỗi niềm tập thể, đó là điểm đặc trưng khác của âm nhạc Pháp. Các nhạc sĩ cũng chịu ảnh hưởng bởi các nhà thơ và nhà viết kịch, một yếu tố nữa dẫn đến sự gia tăng những suy tưởng trong các bài hát. Chính trị, nghệ thuật và xã hội cùng tồn tại trong những bản nhạc.
Được truyền cảm hứng từ những chủ đề đời thường, chanson là một lăng kính, một cuốn biên niên sử. Nó thô mộc và chân thực, phản ảnh những khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Charles Aznavour, một huyền thoại nhạc Pháp từng nhận định: “Chansons đại diện cho tất cả chúng ta.”
3. Các nghệ sĩ làm nên tên tuổi
3.1. Édit Piaf
Gần 60 năm kể từ khi qua đời, “Chim sẻ” (Piaf tiếng Pháp là chim sẻ) vẫn mãi là một tượng đài của âm nhạc Pháp. Édith Piaf không có một kĩ thuật xử lý bài hát quá nổi bật; thế mạnh của bà nằm ở giọng hát cảm xúc, lôi cuốn và đầy nội lực, trái ngược hẳn với vóc dáng mảnh mai và có phần bé nhỏ.
Édith có một cuộc đời sóng gió. Bà sinh ra là một đứa trẻ bụi đời và ra đi như một ngôi sao quốc tế. Giữa hai cột mốc ấy, bà đã mất đi đứa con duy nhất, kiếm sống bằng việc hát rong trên khắp đất Pháp từ khi còn là một đứa bé, bị phụ thuộc vào chất kích thích và trải qua ba vụ tai nạn ô tô. Có lẽ đó là lý do những ca khúc thành công nhất của nữ danh ca thường có màu sắc u ám, ảm đạm; viết về những bi kịch, nghèo đói và đời sống đường phố.
Dù có nhiều người đàn ông sóng đôi, tình yêu duy nhất ở lại đến cuối đời cùng Édith Piaf vẫn chỉ có âm nhạc. Trong cuộc đời mình, bà đã viết lời cho khoảng 80 bản nhạc, đóng nhiều phim và kịch. Nhiều ca khúc trong đó đã trở thành những tác phẩm để đời như “L’Hymne à l’amour”, “Mon Dieu”, “Non je regrette rien”, trong đó không thể không nhắc tới “La Vie en Rose”. Cho đến nay, hơn 30 nghệ sĩ lừng danh thế giới từng thể hiện lại ca khúc này.
3.2. Charles Aznavour
Được biết đến như Frank Sinatra của làng nhạc Pháp, Charles Aznavour đã dành cả cuộc đời để cống hiến cho chanson française. Qua đời năm 94 tuổi với gần 70 năm tuổi nghề, ông đã để lại 60 bộ phim và 1.400 nhạc phẩm cho hậu thế. Những năm cuối đời, Charles vẫn ra mắt sản phẩm âm nhạc hay tham gia vào những chuyến lưu diễn trên thế giới.
Xem thêm : Các loại phương tiện giao thông thường gặp tại Việt Nam
Trước khi trở thành một ca sĩ, chàng trai người Armenia-Pháp này đã gây dựng được cho mình mối quan hệ với những tên tuổi lớn âm nhạc Pháp bấy giờ như Charles Trenet, Édith Piaf,.. thông qua việc sáng tác. Phải tới giữa thập niên 1950, tên tuổi Charles Azvanour mới được công chúng biết đến rộng rãi.
“La Bohème”, “Emmenez-moi”,“Sur ma vie”, … là một vài ca khúc đã làm nên tên tuổi Aznavour nhưng nổi bật nhất là She, sáng tác năm 1974. Vào thời điểm ra đời, She đứng đầu các bảng xếp hạng Anh suốt bốn tuần, sau đó được dịch ra và thu âm bằng các thứ tiếng khác như: Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha.
3.3. Françoise Hardy
Nếu phải chọn một gương mặt tiêu biểu cho thời kỳ Yé-Yé Pop, có lẽ FrançoiseHardy sẽ là lựa chọn đầu tiên. Bởi không chỉ là một ca sĩ/ nhạc sĩ, bà còn được biết đến như một biểu tượng thời trang và phong cách sống của thập niên 1960.
Bắt đầu sự nghiệp ca hát từ rất sớm, Françoise đã có bản hít đầu tiên từ năm 19 tuổi. Dù thành danh từ sớm nhưng Hardy nổi tiếng vì thái độ khắt khe đối với âm nhạc của mình. Giữa những năm 60s, Hardy quyết định thu âm album mới ở London vì không hài lòng với chất lượng các phòng thu ở Pháp. Sau này, khi đang ở đỉnh cao danh tiếng, Hardy cũng chấp nhận hy sinh một phần sự tập trung và thời gian của mình để lui về chăm sóc cho tổ ấm của mình.
Nhắc đến Hardy là nhắc đến những “Le temps de l’amour”, “Tous les garçons et les filles”, “Comment te dire adieu” ,.. Dù từng hát qua nhiều thể loại, Hardy vẫn có một âm hưởng đặc trưng kể từ khi bắt đầu sự nghiệp với giọng nữ cao cùng niềm yêu thích dành những bản nhạc u buồn.
Bản thân nữ ca sĩ cũng từng tuyên bố vào năm 2012: “Trong âm nhạc, tôi thích nhất những giai điệu buồn, chậm rãi, như mũi dao khẽ lách vào vết thương. Đó là sự thăng hoa của cảm xúc. Cảm giác thật tuyệt khi nỗi đau có thể trở thành một thứ gì đó đẹp đẽ hơn: một câu văn hay, một giai điệu đẹp.”
3.4. Jean-Jacques Goldman
Jean-Jacques Goldman là một trường hợp độc nhất vô nhị trong âm nhạc Pháp; ông được biết đến với những ca khúc tự sáng tác có phần giai điệu bắt tai. Các MV của ông cũng được đầu tư về hình ảnh, như “C’est ta chance” được thực hiện như một bộ phim hoạt ảnh. Ông là nghệ sĩ pop rock Pháp còn sống có doanh thu cao nhất.
Goldman chính thức gây được tiếng vang khi bắt đầu sự nghiệp solo vào những năm 1980. Thay vì tập trung vào tình ca như những người đồng nghiệp đương thời, Goldman đề cập đến nhiều chủ đề trong các ca khúc của mình, bao gồm cả chính trị. Ông được biết đến qua những ca khúc như “Ensemble”, “Rouge”, “Né en 17 à Leidenstadt”, “Comme toi”,..
JJG được lòng công chúng bởi những sản phẩm âm nhạc giàu suy tư, thấu cảm cùng lối sống giản dị. Hình ảnh chàng ca sĩ nổi tiếng bắt metro (tàu điện ngầm) đến các show diễn đã trở nên quen thuộc trong lòng người hâm mộ.
Dù đã thông báo “nghỉ hưu” từ 2002 và chuyển đến sống ở Anh, theo cuộc điều tra từ Le journal du Dimanche, Jean-Jacques Goldman đã giữ vị trí người đàn ông Pháp được yêu thích nhất 5 năm liên tục, từ 2016 đến nay. Dường như sự vắng mặt ở Pháp chỉ làm tăng thêm tình yêu, sự ngưỡng mộ và tôn trọng dành cho nam danh ca.
Theo dõi JPF để cập nhập thêm những bài viết mới nhất về văn hóa Pháp nhé!
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp