frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video những gia tộc giàu nhất việt nam

Nếu như trên thế giới, nhiều tập đoàn gia đình thống trị trên nhiều lĩnh vực như gia tộc Bernard Arnault (đế chế LVMH), gia tộc Lee Byung-chull (Samsung),… thì ở Việt Nam, nền kinh tế tư nhân cũng đóng vai trò quan trọng cho đất nước. Theo VCCI, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất tại Việt Nam đã đóng góp khoảng 1/4 GDP của cả nước. Dưới đây là danh sách 9 gia tộc giàu có lâu đời thuộc nhiều lĩnh vực như bất động sản, tiêu dùng, xây dựng.

1. Gia tộc Sơn Kim

Sơn Kim Group hiện có khoảng 11 công ty tập trung vào 4 lĩnh vực kinh doanh chính như: Bất động sản, Bán lẻ trên truyền hình, Thời trang và khai thác phim trường. Tính đến cuối năm 2019, tài sản của tập đoàn đạt 7,600 tỷ đồng với thu nhập bình quân hàng năm là 800 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Sơn – người sáng lập Sơn Kim Group là một trong những doanh nhân nổi bật tại thị trường Việt Nam. Bà từng đảm nhiệm vị trí quản lý Công ty may mặc quốc doanh Legamex và từng bước đưa doanh nghiệp đến đỉnh cao thành công. Từ đó, Legamex trở thành công ty may mặc lớn nhất Việt Nam. Đến năm 1975, sau khi rời vị trí chru chốt tại Legamex, bà thành lập Hợp tác xã Đại Thành (tiền thân của tập đoàn Sơn Kim) phát triển đa ngành nghề từ thời trang, kinh doanh và bất động sản.

Cả 5 người con của bà cũng đều trở thành doanh nhân hàng đầu Việt Nam và kế thừa sản nghiệp.

2. Gia tộc Lý Quí

Gia tộc Lý Quí nổi tiếng là một tập đoàn ẩm thực gia đình với chuỗi nhà hàng, quán cà phê lâu đời như Ciao, Terrace, Ibox, Goody, Paris Deli, Fly Cupcake Garden, Maxim’s Nam An, An Viên, Thanh Niên, Gloria Jean’s, Breadtalk,…

Đặc biệt, gia tộc Lý Quí xây dựng sự nghiệp dựa trên nền tảng tri thức từ thế hệ nhà báo Chánh Trinh và bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga – sở hữu nhà hàng Thanh Niên ở trung tâm quận 1. Người khiến gia tộc trở nên có sức ảnh hưởng và được biết đến rộng rãi là người con đầu – doanh nhân Lý Quí Trung khi thành lập nên tập đoàn An Nam Group, bắt đầu giấc mộng kinh doanh ẩm thực. Ông cũng là người đầu tiên tại Việt Nam đưa món phở vào hệ thống khách sạn, nhà hàng 5 sao với Phở 24. Đến nay, Phở 24 đã có hơn 60 cửa hàng tại TP.HCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang, Bình Dương, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Úc, Singapore, Campuchia,…

Thuộc thế hệ thứ 3 của gia tộc, NTK Lý Quí Khánh không kế thừa sản nghiệp mà phát triển theo con đường thiết kế thời trang, đồng thời anh cũng kinh doanh nhà hàng riêng.

Theo nhiều nguồn tin, gia tộc Lý Quí sở hữu nhiều khối bất động sản sang trọng và đắt đỏ ở trung tâm thành phố, mỗi thành viên đều sống ở những penthouse, biệt thự bề thế.

3. Gia tộc Johnathan Hạnh Nguyễn

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn có 2 đời vợ và 8 người con. Vợ đầu của ông là Cristina Serrano, hai người có với nhau 6 đứa con (3 trai, 3 gái). Con đầu là Henry Nguyễn, sau đó là Louis Nguyễn – chồng Hà Tăng, em trai Phillip Nguyễn và ba cô con gái là Stephanie Nguyễn, Anj Nguyễn và Jennifer Nguyễn.

Henry Nguyễn đã lập gia đình, đang kinh doanh ở Manila, Philippines. Còn Louis Nguyễn và Phillip Nguyễn thì phát triển sự nghiệp ở Việt Nam. Trong đó, Louis Nguyễn được chú ý hơn cả sau khi kết hôn với “ngọc nữ” Tăng Thanh Hà. Thời điểm cặp đôi vừa cưới xong, số tiền 3 tỷ đồng mừng cưới của họ được dành để làm từ thiện.

Vợ hai của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là diễn viên Thủy Tiên. Họ có với nhau 2 người con là Tiên Nguyễn và Hiếu Nguyễn. Mặc dù không ở gần nhau nhưng gia đình họ thường hay tổ chức gặp gỡ, đi du lịch chung. Các thành viên trong nhà đều rất thân thiết và yêu thương nhau.

Ít người biết rằng, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn có 2 người chị em gái rất tài ba. Đó là bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – bà chủ siêu thị Citimart và bà Nguyễn Ánh Hồng – bà chủ siêu thị Maximark. Theo người trong cuộc tiết lộ, ba anh em ông thừa hưởng gen kinh doanh từ cha, một thương nhân có tiếng tại Nha Trang trước và sau năm 1975.

4. Gia tộc Phạm Nhật Vượng

Tỷ phú Phạm Nhật Vương là một trong số 6 tỷ phú đô la đầu tiên tại Việt Nam. Theo Forbes, tháng 4/2021, ông Phạm Nhật Vượng xếp thứ 344 trong danh sách những người giàu nhất thế giới với khối tài sản ước tính 7,4 tỷ USD.

Năm 1993, sau khi tốt nghiệp đại học MGRI-RSGPU, ông kết hôn với bà Phạm Thu Hương và chuyển về Kharkov, Ukraine sinh sống. Cũng trong thời gian này, ông đã thành lập Technocom và bắt đầu sản xuất mì ăn liền “Mivina”. Đến năm 2004, Mivina phát triển nhanh chóng và chiếm tới 97% thị phần đồ ăn liền tại Ukraine. Sau khi doanh thu bị sụt giảm, năm 2010, ông Vượng nhượng lại thương hiệu cho Nestle với mức giá 150 triệu USD và trở về Việt Nam thành lập Vincom và Vinpearl.

Kể từ năm 2009, ông Vượng đổi tên Tập đoàn Technocom thành tập đoàn Vingroup, chuyển trụ sở từ Kharkov về Hà Nội; kể từ đó tập trung toàn lực đầu tư cho các dự án Việt Nam. Tính đến hiện tại, ông đã cho ra mắt nhiều thương hiệu và công ty trực thuộc tập đoàn như: Vincom, Vinhomes, Vinpearl, Vinmec, Vinschool, Vinfast, Vin Eco.

Ngoài Phạm Nhật Vượng, gia đình ông còn có 2 người em là ông Phạm Nhật Vũ – người đứng đầu tập đoàn AVGroup và bà Phạm Thị Lan Anh đang là thành viên của tập đoàn Vingroup. Ngoài ra, bà cũng sở hữu 3 công ty riêng hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thông tin dịch vụ.

Hiện ông Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thu Hương có 3 người con là Phạm Nhật Minh Hoàng, Phạm Nhật Quân Anh, Phạm Nhật Minh Anh.

5. Gia tộc Vưu Khải Thành

Biti’s được gia đình doanh nhân gốc Hoa Vưu Khải Thành thành lập từ những năm đầu thập niên 80. Đầu thập niên 1990, Biti’s chuyển hướng tập trung sang thị trường nội địa và gây được thiện cảm của người tiêu dùng Việt nhờ câu “Nâng niu bàn chân Việt”.

Thế kỷ XX qua đi, nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đời sống người dân cải thiện, những sản phẩm có phần lỗi thời của Bitis dần bị đào thải. Nhưng nhờ sự lột xác khi đem đến dòng sản phẩm Bitis Hunter với mức giá hợp lý cùng chiến dịch truyền thông hiệu quả đã giúp Bitis vực dậy sau chuỗi ngày bết bát.

Tính đến tháng 8/2018, giá trị vốn góp Công ty TNHH Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên đạt 436,86 tỷ đồng. Trong đó: ông Vưu Khải Thành, bà Lai Khiêm là các cổ đông lớn nhất khi nắm lần lượt 29,650% và 27,250%. Ngoài ra, ba người con của ông Vưu Khải Thành gồm Vương Lệ Quyên, Vưu Lệ Minh và Vưu Tuấn Kiệt cùng sở hữu 10% vốn doanh nghiệp.

6. Gia tộc họ Đỗ

Đỗ Phú là một trong những gia tộc giàu có nổi tiếng ở Việt Nam với truyền thống 3 đời kinh doanh, thế hệ đầu tiên là ông Đỗ Thế Sử. Tất cả những người con của ông đều là những doanh nhân lẫy lừng trong đó có người là giáo sư tiến sĩ hàng đầu của nền y khoa, giáo dục.

Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến ông Đỗ Minh Phú (con trai thứ 3) hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI và Chủ tịch HĐQT TPBank. Ông Đỗ Anh Tú là Phó chủ tịch HĐQT TPBank và Tổng Giám đốc Công ty CP Diana. Ông Đỗ Quốc Bình, con trai thứ tư là Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội; ông Đỗ Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty FTD…

Những người con gái của ông cũng đều giữ các chức vụ cao tại một số công ty như bà Đỗ Xuân Mai, điều hành Công ty Green Global; bà Đỗ Kim Dung, Giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các công ty sữa…

7. Gia tộc Nguyễn Lân

Gia đình của cố giáo sư – nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân có tất cả 8 người con đều giữ chức vụ quan trọng trong sự nghiệp giáo dục như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ,…

Giáo sư Nguyễn Lân (1906 -2003) là nhà giáo và nhà biên soạn từ điển người Việt Nam. Ông đã cống hiến trọn đời mình cho nền giáo dục Việt Nam và là người có công trong việc xây dựng bộ môn và khoa tâm lí học, giáo dục học của hệ thống các trường sư phạm ở Việt Nam.

Dù theo đuổi các chuyên ngành khác nhau nhưng các thành viên trong gia tộc nhà giáo Nguyễn Lân đều chọn làm các nghề “cao quý” như thầy giáo và thầy thuốc.

8. Gia tộc doanh nhân Đặng Văn Thành

Tập đoàn Thành Thành Công hiện nắm cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp mía đường lớn bậc nhất cả nước là CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT), CTCP Đường Biên Hòa (BHS), CTCP Đầu tư Thành Thành Công (TTC).

Gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành – Huỳnh Bích Ngọc cùng 4 người con gồm: Đặng Hồng Anh, Đặng Huỳnh Ức My, Đặng Huỳnh Anh Tuấn và Đặng Huỳnh Thái Sơn.

Trong đó, bà Huỳnh Bích Ngọc là Chủ tịch HĐQT tại SBT, Phó Chủ tịch HĐQT tại TTC. “Công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My hiện là Chủ tịch HĐQT tại TTC và Phó Chủ tịch HĐQT tại SBT.

Hiện ông Đặng Văn Thành không trực tiếp điều hành các doanh nghiệp kể trên, nhưng cá nhân ông đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu SBT và GEG của CTCP Điện Gia Lai. Các thành viên trong gia đình ông sở hữu lượng lớn cổ phần tại những doanh nghiệp này và Sacomreal, Tổng Công ty Tín Nghĩa với tổng giá trị tài sản khoảng 7.000 tỷ đồng.

9. Gia tộc “vua gốm sứ” Lý Ngọc Minh

Doanh nhân Lý Ngọc Minh có nguyên quán tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) nhưng sinh ra tại Bình Dương. Ông trưởng thành trong gia đình có truyền thống ba đời làm gốm, từ đó ông nuôi dưỡng niềm đam mê với gốm sứ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Đến năm 1970, ông đã thành lập công ty Gốm sứ Minh Long I tại Bình Dương (Việt Nam), một thời gian sau đó, ông tập trung xuất khẩu đồ gốm mỹ nghệ đứng đầu tại thị trường Pháp. Trải qua gần một nửa thế kỷ xây dựng và phát triển thương hiệu gốm sứ Việt hàng đầu, doanh nhân từng đưa ra nhiều quyết định mang tính bước ngoặt.

Ông không phải là người duy nhất trong gia đình theo đuổi nghiệp gốm sứ, những người em của ông cùng con cái cũng nối nghiệp. Lý Ngọc Minh có 4 người con bao gồm Lý Huy Sáng, Lý Huy Đạt, Lý Kha Trân, Lý Huy Bửu đều tham gia vào các hoạt động điều hành của Minh Long.