Giá trị văn hóa Việt Nam nhìn từ các chiều cạnh giá trị quốc gia, vùng, miền, tộc người – Media story – Tạp chí Cộng sản

Giá trị là hệ thống những đánh giá mang tính chủ quan của con người về tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những cái gì là cần, là tốt, là hay, là đẹp; nói cách khác, đó chính là những cái được con người cho là chân, thiện, mỹ. Do vậy, giá trị văn hóa là một hình thức của giá trị xã hội, gắn bó mật thiết với hoạt động sống của con người, sự tồn tại và phát triển của mỗi xã hội.

Giá trị văn hóa (cultural value) do con người ở mỗi xã hội nhất định sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, nhưng một khi hệ giá trị văn hóa đã hình thành thì nó lại có vai trò định hướng cho các mục tiêu, phương thức và hành động của con người trong các xã hội ấy. Nó cũng chính là một thứ vốn xã hội (social capital)(1). Khi đó, giá trị kết nối con người với nhau thông qua việc cùng chia sẻ giá trị, tạo nên tình đoàn kết và sức mạnh; đồng thời, cũng có thể tạo nên những biểu tượng thể hiện những giá trị đó. Những nhân vật lịch sử, như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung… không chỉ là những con người cụ thể, mà quan trọng hơn, đại diện cho những giá trị mà dân tộc tôn vinh. Như thế, khi nói bản chất của giá trị hay nói tới vai trò định hướng, chi phối, điều tiết của hệ giá trị thì về thực chất chúng ta đang nói tới mối quan hệ đa chiều của con người. Cũng như văn hóa, giá trị được sản sinh từ các mối quan hệ con người với tự nhiên, với xã hội, với chính cả con người.

Giá trị văn hóa của mỗi cộng đồng (tộc người, quốc gia…) bao giờ cũng tạo nên một hệ thống, với ý nghĩa là các giá trị ấy nảy sinh, tồn tại trong mối quan hệ, tác động hữu cơ với nhau; giá trị này liên hệ, bổ trợ giá trị kia. Chúng ta nói hệ giá trị (value system) hay bảng giá trị văn hóa của mỗi cộng đồng thì thường hàm hai ý nghĩa: Một là, các giá trị riêng lẻ liên kết nhau tạo nên một hệ thống các giá trị; hai là, có sự sắp đặt trước sau, độ nhấn về tầm quan trọng của từng nhân tố giá trị trong một bảng giá trị. Ví dụ, với người Việt Nam thì chủ nghĩa yêu nước là nhân tố hàng đầu trong bảng (hệ) giá trị dân tộc, nhưng với người Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản hay một số dân tộc khác thì có thể chủ nghĩa yêu nước lại được xếp ở các vị trí khác… Thường thì nhiều dân tộc đều có chung những giá trị, như yêu nước, cần cù, tính cộng đồng…, tuy nhiên, trong mỗi dân tộc thì việc xếp đặt thứ tự ưu tiên của từng giá trị ấy trong bảng giá trị có thể khác nhau, tùy vào những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã đưa ra một định nghĩa về văn hóa: “Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và các cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ, cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình”(2).