Vietnam Report công bố Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2023

Top 10 NHTM Việt Nam uy tín được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các ngân hàng được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding – mã hóa các bài viết về ngân hàng trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; Khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 6/2023.

Theo đó, Danh sách Top 10 NHTM Việt Nam uy tín năm 2023 bao gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng TMCP Quân đội; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng; Ngân hàng TMCP Á Châu; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; Ngân hàng TMCP Tiên Phong; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam.

top-10.png

Top 10 NHTM cổ phần tư nhân uy tín năm 2023 bao gồm: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng; Ngân hàng TMCP Á Châu; Ngân hàng TMCP Tiên Phong; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam; Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín; Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội; Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam; Ngân hàng TMCP Đông Nam Á.

Dự báo triển vọng toàn ngành sẽ ở trạng thái ổn định

Cùng với công bố danh sách Top 10 ngân hàng thương mại uy tín, Vietnam Report cũng công bố khảo sát các đối tượng liên quan. Trong đó kết quả khảo sát có đề cập đến vấn đề đáng chú ý như: So sánh kết quả khảo sát các ngân hàng của Vietnam Report 4 năm trở lại đây, trong năm 2020 và 2021, dù chiếm tỷ lệ không cao song kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ vẫn được ghi nhận (5,9% vào năm 2021 và 9,1% vào năm 2022).

Tuy nhiên, kết quả khảo sát năm 2023 cho thấy không xuất hiện kỳ vọng vào tăng trưởng đột phá ở 6 tháng tới so với cùng kỳ năm trước. Thay vào đó, phần lớn các ngân hàng cho rằng vào nửa còn lại của năm, toàn ngành sẽ ở trạng thái ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng (+44,2% và +42,0% so với kết quả khảo sát năm 2022 và 2021).

Tỷ lệ ngân hàng dự báo tăng trưởng ngành thấp hơn một chút tăng nhẹ so với năm ngoái, trong khi tỷ lệ các ngân hàng tin vào kịch bản tăng trưởng khả quan/ tốt hơn một chút so với cùng kỳ năm 2021 vẫn có nhưng thu hẹp lại còn 14,3%.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, nhiều ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 một cách thận trọng. Đáng chú ý, tất cả các ngân hàng đều điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trong năm nay. Điều này cho thấy 2023 được giới ngân hàng nhìn nhận là năm nhiều thử thách khi phải tiếp tục san sẻ nguồn lực, chia khó với doanh nghiệp giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, trong khi những vấn đề như mặt bằng lãi suất, nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, thị trường bất động sản và trái phiếu đóng băng chưa được phản ánh đầy đủ trong kết quả kinh doanh năm ngoái sẽ để lại tác động đáng kể đến hoạt động của ngân hàng trong năm nay.

Mục tiêu các ngân hàng hướng tới là tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, ưu tiên quản trị rủi ro và cân bằng chất lượng tài sản

Dựa trên kết quả khảo sát của Vietnam Report, Top 7 thách thức lớn của ngành Ngân hàng trong năm 2023 được chỉ ra là: nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống; nguy cơ rủi ro lạm phát; nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu; tác động từ sự suy yếu của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu; áp lực tăng vốn gia tăng; sự xuất hiện của các công ty Fintech; và rủi ro công nghệ, tội phạm tài chính gia tăng.

Trong đó, nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống được các ngân hàng nhận diện là thách thức lớn nhất phải đối diện trong thời gian tới (tăng 9,1% so với thời điểm một năm trước). Thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ GDP/tín dụng ở mức rất cao, thu nhập từ lãi của hoạt động cho vay là một thu nhập trọng yếu và kèm theo đó, rủi ro của hệ thống ngân hàng cũng không nhỏ.

Quý I cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu (NPL) đã tăng mạnh trở lại, đạt mức 1,93% – cao hơn so với giai đoạn trước dịch. Rủi ro đặc biệt hiện hữu và tăng lên xuất phát từ sự đóng băng của thị trường bất động sản – lĩnh vực đóng góp tới 21% dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, chưa tính đến khoảng 4% dư nợ trái phiếu sở hữu ngoài hệ thống tín dụng.

Do đó, mục tiêu các ngân hàng hướng tới trong năm nay không đơn thuần là tăng trưởng tín dụng, mà là tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, ưu tiên quản trị rủi ro và cân bằng chất lượng tài sản.

Tình trạng thách thức từ nợ xấu đặt ra yêu cầu các ngân hàng cải thiện bộ đệm dự phòng, cho phép các ngân hàng này có nguồn lực vững chắc để chống chọi với rủi ro tín dụng.

Theo khảo sát của Vietnam Report, 71,4% số ngân hàng dự kiến sẽ tăng trích lập dự phòng trong năm 2023 (+25,9% so với kết quả khảo sát năm 2022), với kỳ vọng việc chủ động tăng cường trích lập dự phòng sớm sẽ giúp ngân hàng ở một vị thế tốt để đương đầu với rủi ro nợ xấu tăng….

Khảo sát cũng đề cập tới Top 5 cơ hội cho sự tăng trưởng của ngành năm nay bao gồm: các ngân hàng tăng cường đầu tư công nghệ số; những chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước; kỳ vọng từ các gói kích thích kinh tế; các ngân hàng đang chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu hoạt động; và triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

Trong đó, cơ hội từ những chính sách mới của NHNN là yếu tố quan trọng nâng đỡ ngành tăng mạnh nhất so với thời điểm khảo sát một năm trước (+58,4%). Từ đầu năm đến nay, NHNN đã ban hành một loạt chính sách mới nhằm tăng thanh khoản cho thị trường tài chính, hỗ trợ thị trường khó khăn có rủi ro nợ xấu cao… Những động thái điều hành lãi suất linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước của NHNN mang lại động lực lớn cho các ngân hàng vượt sóng vươn lên.

Các ngân hàng kỳ vọng thông qua việc lãi suất cho vay đang hạ nhiệt cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các nút thắt trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp được triển khai, áp lực chi phí huy động của các ngân hàng sẽ giảm bớt, cầu tín dụng có thể tăng trở lại, từ đó kết quả kinh doanh sẽ khởi sắc hơn.