Tuyên ngôn Độc lập:

Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng một chân lý vĩnh cửu và phổ biến “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sưởng và quyền tự do”, “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Tiếp đó, Tuyên ngôn Độc lập tố cáo và lên án những tội ác của thực dân Pháp. Chúng đã “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”, thực hiện một chính sách cực kỳ phản động trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Mùa thu năm 1940, phát-xít Nhật xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp đã quỳ gối đầu hàng, không “bảo hộ” cho ta mà “bán” nước ta cho Nhật. Từ đó, dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó, dân ta càng cực khổ nghèo nàn. Sau ngày 9/3/1945, thực dân Pháp thua chạy, dã man và hèn hạ hơn nữa, “chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”. Tuyên ngôn Độc lập nêu cao tinh thần khoan hồng và nhân đạo của nhân dân ta, giương cao ngọn cờ chính nghĩa và chính sách đúng đắn của Mặt trận Việt Minh như cứu người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ… sau ngày 9/3/1945. Sau khi phân tích tình hình nước ta từ mùa thu năm 1940 đến khi nhân dân ta nổi dậy giành chính quyền, bản Tuyên ngôn Độc lập nhấn mạnh: “Sự thực là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam tự tay Nhật, chứ không phải tự tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”. Bản Tuyên ngôn Độc lập trịnh trọng tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; thủ tiêu hoàn toàn chính quyền thực dân, phong kiến, khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam trước toàn thể nhân dân Việt Nam với toàn thế giới. “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”.

Tuyên ngôn Độc lập khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Sau lễ tuyên thệ của Chính phủ lâm thời trước Tổ quốc và nhân dân, đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo về tình hình trong nước và chính sách của Chính phủ; đồng chí Trần Huy Liệu tường trình về sứ mệnh của đoàn đại biểu Chính phủ vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại; đồng chí Nguyễn Lương Bằng kêu gọi toàn dân thông nhất, đoàn kết, ủng hộ Chính phủ. Đến 15 giờ 30 phút, toàn thể nhân dân tuyên thệ kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ dân chủ cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng Chính phủ giữ quyền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù có chết cũng cam lòng nếu thực dân Pháp đến xâm lược lần nữa thì kiên quyết không đi lính cho Pháp, không làm cho Pháp, không bán lương thực cho Pháp, không đưa đường cho Pháp.

Sau khi quốc dân tuyên thệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói thêm với đồng bào, độc lập, tự do là của báu, quý giả vô ngần, nay ta đã khổ sở, đau đớn trong bao nhiều năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ. Cuộc mít-tinh kết thúc. Cuộc biểu tình vĩ đại của hàng chục vạn quần chúng bắt đầu. Các đoàn thể lần lượt diễu quanh lễ đài rồi chia làm ba đường diễu hành qua các phố. Ngày độc lập, mùng 2/9/1945 là ngày hội lớn của dân tộc ta, ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày Hà Nội trở thành Thủ đô của cả nước; một ngày có “ý nghĩa cực kỳ trọng đại trong đời sống chính trị, tinh thần của dân tộc”. (Trích Võ Nguyên Giáp: Những năm tháng không thể nào quên, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970, trang 29).