Nội dung chính bài Hoàng Lê nhất thống chí

[toc:ul]

A. Ngắn gọn những nội dung chính

1. Giới thiệu chung

  • Tác giả: Ngô Gia Văn Phái: một nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì, ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), trong đó hai tác giả chính là Ngô Thì Chí (1753 – 1788), làm quan tới thời Lê Chiêu Thống, và Ngô Thì Du (1772 – 1840), làm quan dưới triều nhà Nguyễn.
  • Tác phẩm: là một tác phẩm viết bằng chữ Hán ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê. Tác phẩm không chỉ dừng lại ở sự thống nhất của vương triều nhà Lê mà còn được viết tiếp, tái hiện một giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam vào 30 năm cuối thế kỉ 18 và mấy năm đầu thế kỉ 19.

2. Phân tích tác phẩm

a. Hình ảnh người anh hùng Nguyễn Huệ và sức mạnh dân tộc trong cuộc chiến đấu chống xâm lược Thanh

+) Một người hành động mạnh mẽ, quyết đoán

  • Nhận được tin quân Thanh chiếm Thăng Long Nguyễn Huệ rất tức giận, không hề nao núng: “định thân chinh cầm quân đi ngay”.
  • Trong vòng một tháng (24/11 đến 29/12/1788) ông làm được rất nhiều việc lớn: làm lễ lên ngôi; đốc xuất đại binh ra Bắc; gặp La Sơn phu tử NguyễnThiếp; tuyển quân ở Nghệ An; phủ dụ tướng sĩ; định kế hoạch hành quân,đánh giặc và kế hoạch đối phó với nhà Thanh sau khi chiến thắng.

=> Người bình tĩnh, hành động nhanh ,kịp thời, mạnh mẽ, quyết đoán trước những biến cố lớn.

+) Một con người có trí tuệ sáng suốt và nhạy bén

  • Trí tuệ sáng suốt và nhạy bén trong việc nhận định tình hình địch và ta: Ở Nghệ An → gặp gỡ người cống sĩ tham khảo ý kiến; kén lính “ba suất đinh thì lấy một người”
  • Ông rất nhạy bén trong việc dụ binh, thu phục lòng quân: bài hịch “đất nào sao ấy” ngắn gọn, hào hùng, khích lệ lòng yêu nước và truyền thống quật cường dân tộc.
  • Nguyễn Huệ sáng suốt trong việc lựa chọn tướng tài. Hiểu tường tận năng lực của tướng sĩ, khen chê đúng người đúng việc.

+) Một con người có tầm nhìn xa trông rộng và tài thao lược hơn người

Tầm nhìn xa trông rộng thể hiện ở:

  • Mới khởi binh những đã khẳng định “phương lược tiến đánh đã tính sẵn”
  • Đang ngồi trên lưng ngựa mà đã nói với Nhậm về quyết sánh ngọa giao và kế hoạch 10 năm tới ta hòa bình

Tài thao lược hơn người:

  • Chiến dịch hành quân thần tốc ngày 25 rời Phú Xuân – Huế → ngày29 đến Nghệ An, ngày 30 bắt đầu xuất quân ở Nghệ An, dự định ngày 7 tháng giêng(7 ngày) sẽ ăn tết ở Thăng Long (đoạn đường khoảng 650 km → 10 ngày đi bộ)
  • Thực tế: ngày 5 tết đã đến Thăng Long

→ đến nơi đội ngũ vẫn tinh nhuệ đánh cho quân Thanh tan tác → tài tổ chức cầm quân.

+) Hình tượng vua Quang Trung trong chiến trận:

  • Tài tổ chức của người cầm quân.
  • Tiên đoán chính xác
  • Kì tài trong việc dùng binh: Vừa vạch ra phương lược, vừa trực tiếp chỉ huy một mũi tấn công, xông pha tên đạn.
  • Oai phong, lẫm liệt trong chiến trận: Vua QT cưỡi voi thân chinh cầm quân- một tổng chỉ huy chiến dịch: vừa hoạch định phương lược tiến đánh vừa chỉ huy quân sỹ, thống lĩnh một mũi tiên phong

b. Hình ảnh bọn cướp nước và bán nước:

* Quân Thanh:

  • Tôn Sĩ Nghị:
    • Chủ quan, kiêu căng, tự mãn
    • Khi thua trận thì sợ hãi bỏ chạy trước

=> Là 1 tên tướng bất tài, hèn nhát

  • Quân: hoảng loạn, tan tác, thất bại thảm hại

=> Đội quân bất tài, vô tổ chức

=> Thất bại nhục nhã và thảm hại.

* Số phận của vua tôi Lê Chiêu Thống:

  • “Cõng rắn cắn gà nhà
  • Sang Trung Quốc, vua phải cạo đầu, tết tóc, ăn mặc giống người Mãn Thanh và cuối cùng gửi gắm xương tàn nơi đất khách

=> Là bọn đớn hèn, nhục nhã, số phận gắn chặt với bọn giặc xâm lược, mù quáng, từ bỏ dân tộc, phản dân hại nước.

B. Phân tích chi tiết nội dung bài học

1. Hình ảnh người anh hùng Nguyễn Huệ và sức mạnh dân tộc trong cuộc chiến đấu chống xâm lược Thanh

  • Một con người có hành động mạnh mẽ và quyết đoán: Từ đầu đến cuối đoạn trích, Nguyễn Huệ luôn luôn là người hành động một cách xông xáo mạnh mẽ, nhanh gọn, có chủ đích và rất quả quyết. Nghe tin giặc đã chiếm thành Thăng Long, mất cả một vùng đất đai rộng mà ông không hề nao núng, “định thân chinh cầm quân đi ngay”. Rồi trong vòng chỉ một tháng, Nguyễn Huệ đã làm bao nhiêu việc lớn: “Tế cáo trời đất”, “lên ngôi hoàng đế”, “ đốc suất đại binh’’ ra Bắc gặp gỡ “người cống sĩ ở huyện La Sơn”, tuyển mộ quân lính và mở các cuộc duyệt binh lớn ở Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch hành quân, đánh giặc và kế hoạch đối phó với nhà Thanh sau chiến thắng.
  • Ông còn có một trí tuệ sáng suốt, nhạy bén khi đưa ra những phân tích đúng đắn trước tình hình thời cuộc gấp rút và nhận biết được thế tương quan chiến lược giữa ta và địch. Đưa ra lời phủ dụ có thể coi như bài hịch ngắn mà ý tứ thật phong phú, sâu xa, có tác động kích thích lòng người yêu nước và truyền thống quật cường của dân tộc thông qua việc vạch rõ âm mưu và tội ác của kẻ thù xâm lược đối với nước ta: “mấy phen cướp bọc nước ta, giết dân ta, vơ vét của cải”..
  • Sáng suốt nhạy bén trong việc xét đoán và dùng người, thể hiện qua cách xử trí với các tướng sĩ tại Tam Điệp, khi Sở và Lân mang gươm trên lưng chịu tội. Ông rất hiểu sở trường sở đoản của các tướng sĩ, khen chê đều đúng người đúng việc,….
  • Tài dùng binh như thần khi chỉ huy một cuộc hành binh thần tốc. Ngày 25 tháng chạp bắt đầu xuất binh ở phú xuân (Huế), một tuần lễ sau đã ra tận Tam Điệp cách Huế 500km. Vậy mà đến đêm 30 tháng chạp hành quân ra Bắc vừa đi vừa đánh giặc vậy mà ông hoạch định là mùng 7 tháng giêng sẽ vào ăn tết ở Thăng Long, trong thực tế đã vượt mức hai ngày. Hành quân xa và đầy gian khổ như vậy nhưng cờ nào đội ấy vẫn chỉnh tề, răm rắp nghe theo chỉ huy.
  • Chiến đấu kiên cường vì tổ quốc: Hình ảnh Quang Trung lẫm liệt trong chiến trận, đánh giặc không phải chỉ trên danh nghĩa. Ông là một tổng chỉ huy chiến dịch thật sự hoạch định phương lược tiến đánh, tổ chức quân sĩ, tự mình thống lĩnh mũi tên tiến công, cưỡi voi đi đốc thúc, xông pha trước hòn tên mũi đạn, bày mưu tính kế…

2. Hình ảnh bọn cướp nước và bán nước.

Bè lũ cướp nước:

  • Quân tướng nhà Thanh lúc ra đi thì “binh hùng tướng mạnh”. Số quân Thanh đông hơn rất nhiều so với quân Tây Sơn (hai mươi vạn), vậy mà chưa đánh trận đã tan tác, hỗn loạn, nhục nhã trở về nước trước sức mạnh như vũ bão của quân Tây Sơn:
    • Quân lính: “ai nấy rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng”; quân Thanh ở đồn Ngọc Hồi thì “bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết”, quân sĩ “đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều. Lát sau cầu lại bị đứt, quân lính đều rơi xuống nước, đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa ”,…
    • Tôn Sĩ Nghị bất tài, hèn nhát, “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, dẫn bọn lính kị mã của minh chuồn trước qua cầu phao, rồi nhăm hướng bắc mà chạy”, sầm Nghi Đống thì thắt cổ chết,…

Bè lũ bán nước:

  • Cõng rắn cắn gà nhà, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc để rồi đau đớn hèn, nhục nhã trước quân Thanh
  • Tháo chạy thục mạng, cướp cả thuyền của dân mà qua sông, khi đuổi kịp Tôn Sĩ Nghị thì “nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt”, rồi chấp nhận phận vong quốc, sau này phải cạo đầu tết tóc như người Mãn Thanh…

3. Tổng kết:

Nội dung: Hình ảnh người anh hùng Nguyễn Huệ: văn võ song toàn với chiến công đại phá 20 vạn quân Thanh. Tình cảnh thất bại ê chề, nhục nhã của bọn vua quan bán nước, cướp nước.

Nghệ thuật:

  • Lựa chọn trình tự kể theo diễn biến các sự kiện lịch sử
  • Khắc họa các nhân vật lịch sử.
  • Ngôn ngữ kể, tả chân thật, sinh động.
  • Giọng điệu trần thuật thể hiện thái độ của tác giả.

Ý nghĩa:

  • Văn bản ghi lại hiện thực lịch sử hào hùng của dân tộc ta và hình ảnh người anh hùng Nguyễn Huệ trong chiến thắng mùa xuân năm Kỉ Dậu ( 1789)