Lá mơ trị bệnh gì?

frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video nước dừa với lá mơ chữa bệnh gì

Lá mơ thường dùng như loại rau sống ăn kèm với các loại rau khác. Lá mơ còn là một vị thuốc khá độc đáo. Vậy, lá mơ trị bệnh gì?

Tác dụng của lá mơ

Bài viết của Lương y Phan Thị Thạnh trên Báo Sức khỏe & Đời sống chỉ ra những tác dụng của lá mơ như sau:

Lá mơ lông ăn với thịt chó cũng như đúc trứng là món ăn phối hợp hai tác dụng lá mơ là vị công, trứng cũng như thịt chó là vị bổ (vừa công vừa bổ), vừa phù chính vừa khu tà. Đây là sự kết hợp khoa học khi ăn uống cũng như phối hợp sử dụng bài thuốc để chữa bệnh.

Theo y học cổ truyền, mơ lông vị đắng mát. Tác dụng kiện tỳ, hóa thấp thanh nhiệt, sát trùng, tiêu viêm, hoá đàm, khu phong. Theo Sách Dược tính chỉ nam, lá mơ lông: Vị ngọt bùi, hơi cay không độc, công hiệu bổ được hư lao, bổ trung ích khí, ích tinh, sát trùng, ích vị, bền chắc ruột già. Công dụng: Chữa chứng đau bụng đi ngoài rất hay, dùng nước cốt bôi đắp chỗ sưng đau, hoặc chỗ sâu bọ cắn đều tốt.

Ngoài ra, mơ lông còn hỗ trợ chữa chứng kiết lỵ, đi ngoài ra máu mủ, các chứng trẻ em cam tích, bụng đầy tiêu hóa kém, viêm gan, viêm ruột, phong thấp, đau khớp, ho đàm, viêm phế quản, dùng dưới dạng hái lá ăn sống hoặc ăn kèm thịt cá, thái nhỏ đúc trứng gà ăn.

Kinh nghiệm cho thấy ăn lá mơ ích tỳ thận, chữa chứng mập phì, bụng lớn, tiểu không tự chủ, lưng gối yếu, sinh lý yếu, các chứng do tỳ thận khí hư, ứ trệ.

Lá mơ trị bệnh gì là băn khoăn của nhiều người

Lá mơ trị bệnh gì?

Dưới đây là những bài thuốc trị bệnh có lá mơ được đăng trên website Bệnh viện Hồng Ngọc:

Trị kiết lị giai đoạn khởi phát: khi bị lỵ, người bệnh đi đại tiện nhiều lần, phân lẫn máu và chất nhầy. Nếu kèm sốt thì lấy một nắm lá mơ thái nhỏ, đập một quả trứng gà, trộn đều. Bọc hỗn hợp này bằng lá chuối, đem nướng chín. Ăn ngày ba lần, liên tục vài ngày sẽ khỏi.

Trị lị do đại tràng tích nhiệt: lá mơ 20g, lá phèn đen 20g, rửa sạch, dội qua nước sôi để ráo, giã nát, vắt lấy nước cốt uống 2 – 3 lần.

Trị chứng sôi bụng, ăn khó tiêu: lấy một nắm lá mơ tươi, rửa sạch, ăn kèm với cơm như rau hoặc giã nát lấy nước uống. Ăn, uống liền trong 2 – 3 ngày sẽ có kết quả.

Trị tiêu chảy do nóng: khi bị tiêu chảy do nhiệt với các biểu hiện phân khẳm, nước tiểu vàng, bụng quặn đau, đầy hơi, khát nước nhiều, hậu môn nóng rát, dùng 16g lá mơ, 8g nụ sim sắc với 500ml nước lấy 200ml. Chia uống hai lần trong ngày.

Trị đau dạ dày: lấy 20 – 30g lá mơ rửa sạch, giã nát lấy nước uống mỗi ngày một lần. Kiên trì dùng sẽ có hiệu quả chữa đau dạ dày rất tốt.

Trị đại tiện thất thường, tiêu chảy phân lổn nhổn: lá mơ lông (30g) thái nhuyễn, trộn với một quả trứng gà, thêm vài hạt muối, đánh đều, dàn mỏng trên lá chuối, gói lại rồi lót thêm một lần lá chuối, đặt trên chảo, rang hoặc nướng cho chín, đến khi thấy lá chuối dưới sém vào lá gói, lót thêm lá, lật trên xuống dưới như đúc chả trứng cho chín mà ăn (không dùng mỡ). Ăn ngày 2 lần, trong 3 ngày liền là khỏi.

Trị giun kim và giun đũa: lá mơ lông giã nhỏ, cho tí muối ăn sống hoặc vắt lấy nước uống, uống liền 3 buổi sáng vào lúc đói thì giun ra.

Trị giun kim: lá mơ lông 30g, chế vào 50ml nước chín, vắt lấy nước cốt bơm thụt vào hậu môn, giữ lại khoảng 20 phút vào lúc 19 – 20 giờ, trước khi đi ngủ, giun sẽ bò ra.

Trị trẻ nhỏ bị chứng cam tích (suy dinh dưỡng): dùng rễ mơ lông khô 15 – 20g, dạ dày heo 1 cái thái vụn. Nấu với 1 lít nước còn 2 chén, bỏ bã, lấy nước, chia 2 lần uống.

Trị chứng bí tiểu tiện: nếu mắc bệnh sỏi thận dẫn đến bí tiểu tiện lấy lá mơ sắc uống ngày 2 – 3 lần.

Trị phong tê thấp (đau nhức xương khớp, luôn có cảm giác nặng nề, bứt rứt): rễ hoặc dây mơ lông 30 – 50g, sắc xong pha vào ít rượu, uống lúc thuốc còn ấm.

Hoặc lấy cả lá và dây, cắt nhỏ, mỗi đoạn chừng 1 – 2cm, sao vàng. Mỗi lần dùng 50g, sắc với 200ml, còn 100ml, chia đều, uống 3 lần trong ngày, liên tục 10 – 15 ngày.

Cả lá và thân, thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, ngâm trong rượu (trên 40 độ) lắc đều mỗi ngày, sau 5 ngày là dùng được. Xoa tại các vùng đau nhức.

*Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.