Phân biệt sự khác nhau giữa thành ngữ và tục ngữ

Bài “Bàn về thành ngữ, tục ngữ” của Lê Xuân Mậu trong tạp chí Ngôn ngữĐời sốngsố 5 (91) – 2003, tác giả viết: “Với những đơn vị “lưỡng tính” thực ra khó xác định được khởi nguồn của nó là thành ngữ hay tục ngữ, gọi tất cả là “thành ngữ bị tục ngữ hóa” có thể là không bao quát mọi trường hợp…”.

Theo chúng tôi nghĩ thành ngữ và tục ngữ không thể “lưỡng tính”, không thể là một câu vừa là tục ngữ vừa là thành ngữ được, cũng không thể nói “thành ngữ bị tục ngữ hóa” và càng không thể như Phạm Thuận Thành cho (theo Lê Xuân Mậu) tục ngữ không thể có nghĩa bóng, chỉ có thành ngữ mới có nghĩa bóng. Nói như vậy là không có căn cứ, phiến diện, thiếu thuyết phục.

Theo chúng tôi, muốn phân biệt đâu là thành ngữ, đâu là tục ngữ thì phải có căn cứ, phải có cơ sở khoa học, có tiêu chí để phân định.

Đầu tiên xin nói về tục ngữ: Tục ngữ là một câu nói hoàn chỉnh, gọn sắc, xuôi tai, diễn đạt trọn vẹn một ý mà nội dung thuộc về những kinh nghiệm đời sống, kinh nghiệm lịch sử – xã hội của nhân dân. Tục ngữ là một phán đoán, chẳng hạn “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Còn thành ngữ chỉ là một cụm từ (cụm từ cố định) diễn đạt một khái niệm một cách có hình ảnh.

Xét về mặt ngữ pháp thì tục ngữ là một câu, là một phán đoán, còn thành ngữ chỉ là một cụm từ, một thành phần câu. Xin nêu ví dụ:

Tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Thành ngữ “Tôi chúc chị “Mẹ tròn con vuông”

Xét về mặt ý nghĩa thì tục ngữ diễn đạt một ý trọn vẹn, là một phán đoán, còn thành ngữ diễn đạt một khái niệm – ngang một từ, một cụm từ.

Nộidung của tục ngữ thuộc về đúc rút kinh nghiệm đời sống, kinh nghiệm lịch sử – xã hội, chẳng hạn đúc rút về kinh nghiệm canh tác: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.

Còn thành ngữ là một hình ảnh sinh động, biểu cảm, giàu tính hình tượng. Thành ngữ thường dùng nghệ thuật tu từ ẩn dụ hay nghệ thuật tu từ hoán dụ. Chẳng hạn: “Chân cứng, đá mềm” (tu từ hoán dụ).

“Kiến bò miệng chén (tu từ ẩn dụ).

Nói tục ngữ không có nghĩa bóng là sai. Đa số tục ngữ có hai nghĩa (nghĩa đen và nghĩa bóng) mà nghĩa bóng là thông báo chủ yếu của tục ngữ. Chẳng hạn câu “Có sừng thì đừng hàm trên”. Nghĩa đen nói về hình ảnh con trâu, nghĩa bóng (nghĩa chính) nói về quy luật phân phối tự nhiên và xã hội, về tính tương đối của mọi sự vật hiện tượng đời sống. Một số câu tục ngữ chỉ có nghĩa đen như:

Chuồn chuôn bay thấp thì mưa

Bay cao thì nắng bay vừa thì râm

Câu tục ngữ trên đúc rút kinh nghiệm về dự báo thời tiết của nhân dân.

Thành ngữ mang tính biểu trưng, khái quát, cô đọng và tính hình tượng bóng bẩy. Thực ra tính hình tượng và tính biểu trưng là những đặc điểm có quan hệ mật thiết với nhau trong thành ngữ. Do đó thành ngữ dễ gây được ấn tượng mạnh mẽ với người nghe, người đọc, hiệu quả biểu đạt và biểu cảm rất cao nên nhân dân thường dùng xen vào trong lời nói, chẳng hạn: Tôi mong anh đi “chân cứng đá mềm” tức mong anh đi mạnh khoẻ.

Một điều đáng lưu ý nữa là: Tục ngữ thường dùng độc lập vì nó đã thành câu, đã diễn đạt một ý trọn vẹn. Chẳng hạn người ta thường nhắc nhau:

Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Còn thành ngữ chưa thành câu chỉ là một cụm từ (cụm từ cố định) chỉ là một thành phần của câu nên người ta thường dùng chêm xen trong câu nói. Chẳng hạn: Chúng ta không nên “đâm bị thóc, chọc bị gạo” mà mất đoàn kết hay Anh cũng như “kiến bò miệng chén” thôi.

Tóm lại tục ngữ là một câu nói, diễn đạt một ý trọn vẹn. Tục ngữ thường là những câu đúc rút kinh nghiệm về cuộc sống, về thiên nhiên – xã hội. Tục ngữ thường được dùng độc lập, còn thành ngữ là một ngữ (cụm từ) cụm từ cố định, là một thành phần câu, thường được dùng chêm xen trong câu nói. Thành ngữ là một hình ảnh giàu tính hình tượng, giàu tính biểu cảm.

Chúng tôi xin có một số ý kiến nhỏ mong góp thêm ý cùng bàn luận về thành ngữ, tục ngữ.