HỌC VĂN CHỊ NGUYỄN MINH HIÊN

Khi tiếp cận với một tác phẩm, một điều quan trọng là cần phải hiểu về phong cách sáng tác của tác giả. Hiểu hơn về tác giả, sẽ giúp các em viết phân tích hay hơn, cũng như hiểu kĩ hơn về văn bản đó. Hãy cùng Học Văn Chị Hiên tham khảo phong cách sáng tác của các tác giả trong các tác phẩm học kì 2 – lớp 12 ở bài viết dưới đây.

1. Tô Hoài

Tô Hoài được biết tới là cây đại thụ của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại với 95 năm tuổi đời, hơn 70 năm cầm bút. Nhà văn bước vào sự nghiệp văn chương bằng một số bài thơ lãng mạn, nhưng nhanh chóng chuyển mình với thể loại văn xuôi và tạo được tiếng vang lớn. Ông được tôn xưng là cây đại thụ của văn học Việt Nam không bởi tuổi đời, tuổi nghề, số lượng sáng tác mà bởi chất lượng của những tác phẩm. Từ những tác phẩm đầu tay cho đến khi trở về với “cát bụi”, nhà văn đã tạo được cho mình một phong cách nghệ thuật độc đáo, không thể trộn lẫn. Người nghệ sĩ này nhìn cuộc đời qua nhãn quan hiện thực đời thường và phong tục, đặc biệt nhạy cảm và tinh quái khi phát hiện những chi tiết xoàng xĩnh, nhếch nhác của những mảnh đời vụn vặt, các nét hồn nhiên, hóm hỉnh của những bức tranh phong tục đậm đà màu sắc dân tộc, có thể kể đến như: O Chuột, Quê người, Nhà nghèo, Truyện Tây Bắc, Mười năm,…

2. Kim Lân

Nhắc đến những cây bút nổi tiếng viết về nông dân và nông thôn Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc đến Kim Lân. Những trang văn của ông hiện lên với không khí tiêu điều, ảm đạm của cuộc sống nông thôn Việt Nam và sự vất vả của người dân. Qua những tác phẩm ấy, người đọc có thể thấy được phần nào vẻ đẹp trong tâm hồn của những người nông dân, mặc dù cuộc sống vật chất còn nhiều khó khăn nhưng trong họ sáng lên tình yêu đời, những phẩm chất tài hoa và luôn cố gắng làm giàu cho đời sống tinh thần của mình. Bằng vốn hiểu biết phong phú về nông thôn và sự say mê với chương, ông đã tạo được tiếng vang lớn trên văn đàn Việt Nam bằng một loạt truyện ngắn về về phong tục tập quán, sự đổi thay trong nhận thức cũng như sự đổi đời của người nông dân, lao động nghèo như: Con mã mái, Đôi chim thành, Làng, Đứa con người vợ lẽ… Tuy viết không nhiều, nhưng “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, Kim Lân được xem là nhà văn có biệt tài viết truyện ngắn và đóng góp nhiều cho thể loại này.

ĐỌC THÊM: MẪU TIỂU KẾT CHO 12 TÁC PHẨM LỚP 12 HAY NHẤT – CÓ SỬ DỤNG LÍ LUẬN VĂN HỌC

3. Nguyễn Minh Châu

Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ và giai đoạn đổi mới văn học những năm tám mươi. Trong sự nghiệp sáng tác, phong cách nghệ thuật của nhà văn được hình thành và phát triển trong bối cảnh của thời kì lịch sử đặc biệt. Nguyễn Minh Châu vừa nhận diện con người trong mối quan hệ với cộng đồng, vừa soi chiếu nhân vật của mình trong mối quan hệ đa chiều. Đó là quan hệ giữa cá nhân và cách mạng, quan hệ gia đình, tình yêu, bạn bè, giữa những giá trị truyền thống với những thách thức và vấn đề của thời đại. Là một người nặng tình nghĩa và nhiều suy tư, Nguyễn Minh Châu lấy ngòi bút làm nên sự nghiệp của mình, từ những tác phẩm mang đậm chất sử thi và cảm hứng lãng mạn như Dấu chân người lính, Mảnh trăng cuối rừng ca ngợi vẻ đẹp của con người Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc, đến khi hướng ngòi bút của mình vào cuộc sống đời tư – thế sự, thể hiện niềm xót thương với số phận con người trong cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn, trong hành trình gian nan kiếm tìm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách như Bến quê, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau, Phiên chợ Giát…

4. Lưu Quang Vũ

Lưu Quang Vũ từ lâu đã trở thành cái tên không còn xa lạ đối với những người yêu văn học Việt Nam, ông được mệnh danh là “người tiên phong cho văn học đổi mới”, đặc biệt ở thể loại kịch. Bằng tài năng, nhiệt huyết, khát khao cháy bỏng vượt qua giông bão của cuộc đời, Lưu Quang Vũ đã mang đến cho sân khấu kịch nói Việt Nam sự hồi sinh mạnh mẽ. Kịch của ông không chỉ dừng lại ở sự trăn trở, suy tư sâu lắng về lẽ sống và lẽ làm người mà đó còn là tiếng lòng thiết tha, đồng vọng thấm đẫm chất thơ. Những vở kịch của ông đã đứng vững trước thời gian, vượt lên trên tính thời sự của một thời để hướng tới cái muôn đời, cái vĩnh hằng của cuộc sống, có thể kể đến như: Lời nói dối cuối cùng, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Chết cho điều chưa có… Bên cạnh thể loại kịch, chúng ta cũng không thể bỏ qua thơ và truyện ngắn của ông, tuy không gây được những tiếng vang và sự ồn ào như kịch, nhưng cũng mang lại cho người đọc những cảm xúc riêng như: Mùa hè đang đến, Người kép đóng hổ, Mây trắng của đời tôi, Những bông hoa không chết…

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

– Fanpage Học Văn Chị Hiên – Fanpage Học Văn Chị Hiên – THCS Lớp 6,7,8,9 – Khóa học luyện đề chuyên sâu – Lớp 12