Những nguồn lực thúc đẩy sự hình thành phong trào Phục hưng

. NGUYỄN NGỌC BẢO TRÂM

Lần đầu tiên khái niệm renaissance (phục hưng) đã được đặt ra trong công trình Histoire de France do Jules Michelet thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1833 đến năm 1862. Tác giả này là người sớm nhất xác định Phục hưng như một thời kì lịch sử trong văn hóa châu Âu: “Ý, thời Phục hưng, nghệ thuật, sự bùng nổ của trí tưởng tượng, (…) sự tỏa sáng đột ngột của ánh sáng thế kỉ XVI, đã nhóm lên từ cuối thế kỉ XIV, chắc hẳn đã làm rung động bóng tối”(1). Từ khởi đầu của J.Michelet, Phục hưng trở thành đối tượng nghiên cứu hấp dẫn và quan trọng trên nhiều phương diện. Qua nhiều thế kỉ, các nhà nghiên cứu luôn tìm cách nhận diện về phong trào tư tưởng văn hóa Phục hưng với những đặc trưng then chốt, nhằm nỗ lực đưa ra những kiến giải về quá trình, nguyên do và những động lực ra đời của phong trào này.

Được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1855, khái niệm “phục hưng” mang ý nghĩa phục hồi, hồi sinh những giá trị quý giá của văn hóa Hi – La cổ đại sau thời trung cổ bị lãng quên và phát triển nền văn hóa mới chống lại thần học trung cổ. Dần dần, nội hàm của khái niệm “phục hưng” được mở rộng hơn. Các yếu tố cơ bản thường được xác định là sự hưng thịnh của đô thị, sự hình thành các tầng lớp trung gian, đặc biệt là giai tầng trí thức. Khi đó, con người vừa nhận thức và khôi phục những giá trị tốt đẹp của văn hóa cổ xưa vừa sẵn sàng đến với những tư tưởng tiến bộ mới. Xã hội từ đó sản sinh ra những con người “khổng lồ”, sản sinh ra những thành tựu vật chất và tinh thần cao cả. Đó thực sự là một cuộc cách mạng có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đối với sự phát triển của lịch sử nhân loại.

1. Nước Ý và sự hình thành của phong trào Phục hưng

Thời đại Phục hưng trong lịch sử châu Âu được xác định nằm trong khoảng thời gian từ thế kỉ XIV đến thế kỉ XVII. Ra đời ở Ý, Phục hưng dần lan rộng ra khắp châu Âu, tạo nên những thành tựu quan trọng trong phát triển lịch sử, xã hội và văn hóa. Tiền đề cho thời Phục hưng ở Ý có liên quan đến vị trí và hình dáng địa lí đặc biệt của đất nước này. Với đặc thù địa lí, Ý có điều kiện thuận lợi để xây dựng quan hệ giao lưu thương mại và văn hóa xã hội trong vùng Địa Trung Hải với thế giới Arab Islam giáo, đế chế Byzantine Cơ Đốc giáo… Từ những hoạt động hàng hải, thương mại, Ý nhanh chóng phát triển các đô thị và hình thành xã hội thị dân, một trong những tiền đề của văn hóa Phục hưng. Trong công trình Nền văn minh Phục hưng ở Ý, J.Burckhardt cho rằng: Phục hưng là báo hiệu của cái hiện đại; thông qua thời Phục hưng, Ý đã dẫn dắt châu Âu đến với thời hiện đại. Ông cũng nhận định những trải nghiệm về thời Phục hưng ở Ý là rất khác biệt với phối cảnh châu Âu. Nghiên cứu của Burckhardt bắt đầu từ những khảo sát về văn học, nghệ thuật, về thơ ca của Petrarch và novella của Boccaccio để tìm ra tinh thần của thời đại. Theo ông, trung tâm của thời đại Phục hưng ở Ý chính là sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân, ý thức về sự bình đẳng giữa con người và con người, giữa các tầng lớp trong xã hội.

Trong văn học Ý, Dante được xem là người khổng lồ khép lại cánh cửa thời trung cổ còn Petrarch và Boccaccio là những đại diện tiêu biểu của phong trào Phục hưng với việc kiến tạo những chuẩn mực cho ngôn ngữ văn chương viết bằng tiếng mẹ đẻ. Nếu như Petrarch trong những sáng tác thơ trữ tình đã thiết lập nền tảng của chủ nghĩa nhân văn với những tư tưởng mới về con người cá nhân thì Boccaccio đã tạo dựng những cách tân cho văn học Ý thời đại Phục hưng bằng những truyện kể novella đầy tiếng cười tươi mới. Các sáng tác của Dante đã có những nhận thức quan trọng về con người, về nỗ lực nâng cao vị thế con người, thiêng hóa con người và tình yêu của con người, nhưng tinh thần nhân văn của ông vẫn còn mang màu sắc thần bí khi cứu rỗi và thanh tẩy con người bằng niềm tin tôn giáo. Đến Petrarch, ông chú ý hơn đến con người cá nhân và những tình cảm đời thường của họ. Tuy vậy, tình yêu trong thơ trữ tình của Petrarch vẫn mang màu sắc thuần khiết kiểu Plato. Còn Boccaccio, ông thể hiện một tình yêu mạnh mẽ, bạo dạn, tự do và đậm màu sắc thế tục. Cùng nói về tình yêu và sự kết hợp nhưng hôn nhân trong tác phẩm của Boccaccio không chỉ là vấn đề xã hội như truyền thống mà còn là vấn đề trái tim của mỗi cá nhân. Vấn đề cá nhân qua tác phẩm của Boccaccio vì vậy được thể hiện cụ thể, sống động hơn, tạo thành những dấu ấn quan trọng và màu sắc riêng biệt trong tinh thần nhân văn của văn học Phục hưng Ý.

Ở Ý, từ Petrarch và những đóng góp của ông, những ý tưởng văn hóa mới – ý tưởng về chủ nghĩa nhân văn – đã xuất hiện trong bình minh của thời đại Phục hưng. Petrarch và các triết gia nhân văn Ý như Leon Battista Alberti, Lorenzo Valla, Giannozzo Manetti… đã xác lập tư trào nhân văn như là giá trị cốt lõi của thời Phục hưng với nền tảng triết học vững chắc và các phạm trù tư tưởng mĩ học then chốt. Petrarch và tiếp nối sau đó là Boccaccio đã được tôn vinh như những nhà tư tưởng nhân văn vĩ đại của thời Phục hưng châu Âu. Boccaccio và các tác phẩm đầy giá trị, mà tiêu biểu nhất là tác phẩm Mười ngày, đã cho thấy tầm vóc của ông trong thời đại. Đó là tư tưởng đề cao con người, lấy con người làm trung tâm, ca tụng cuộc sống thế tục, đề ra phương châm hưởng thụ ở cuộc đời hiện tại, phản đối chủ nghĩa cấm dục, bác bỏ quan niệm tái thế, phản đối những niềm tin mông muội và chủ nghĩa thần bí.

2. Nguồn lực từ phương Đông

Vào cuối thời trung cổ, người châu Âu có những phát hiện mới mẻ về di sản Hi Lạp. Sự kiện thường được đề cập đến nhất chính là việc Petrarch tìm thấy nhiều văn bản Hi Lạp cổ, trong đó tác động mạnh mẽ đến ông chính là các bức thư của Cicero: “Với hỗ trợ từ những bức thư này ông đã lao vào tìm hiểu toàn diện về nhân vật đa diện của Cicero, đáng ngưỡng mộ như một nghệ sĩ, đầy khuyến khích như một nhà tư tưởng, đáng yêu như một con người: nhân vật mà thông qua Petrarch đã trở thành một nguồn lực để tạo dựng lí tưởng Phục hưng về chủ nghĩa nhân văn”(2). Sự kiện Petrarch phát hiện ra Pro Archia poeta (Bài phát biểu về nhà thơ Archia) của Cicero năm 1333 cũng được nhà nghiên cứu J.Brotton đánh giá là một sự kiện quan trọng trong công trình The Renaissance – A very Short Introduction. Ông đặt sự kiện này cùng với nạn dịch hạch năm 1348 như là những cột mốc đầu tiên đánh dấu cho tiến trình Phục hưng ở châu Âu.

Cùng với việc phát hiện lại di sản Hi – La, các nhà văn hóa Phục hưng đã rèn luyện để trở thành những trí thức am tường văn hóa Hi – La và khao khát làm sống dậy những giá trị rực rỡ của thời cổ điển châu Âu. Điều kiện lịch sử với những tương tác liên tục với phương Đông thông qua thương mại, quân sự, chính trị đã mang đến cho người châu Âu những tri thức khổng lồ về khoa học lẫn văn hóa, nghệ thuật. Người phương Tây nhìn sang phương Đông và thừa nhận di sản cũng như vai trò của phương Đông trong tiến trình xây dựng văn minh của mình. Từ đó, phong trào Phục hưng còn được hình dung là một phong trào phát triển nhờ những thúc đẩy từ bên ngoài châu Âu.

Nhà nghiên cứu J.Burckhardt đã nhận định: “Những tri thức Arab của thời Phục hưng chỉ là tiếng vang yếu đuối của ảnh hưởng mà văn minh Arab trong thời trung đại đã thể hiện ở Ý và toàn bộ thế giới tri thức – một ảnh hưởng không chỉ đến trước những gì của Phục hưng mà còn trong một số mối liên hệ chống đối với nó, và nó không từ bỏ mà không có sự đòi hỏi một vị trí vốn đã khẳng định lâu dài và mạnh mẽ”(3). Quan điểm của J.Burckhardt chứng tỏ tri thức Arab đã có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa Ý từ thời trung đại và vẫn còn có tác động nhất định ở thời kì Phục hưng.

Về vấn đề này, công trình The Islamic World and the West A.D. 622-1492 – Archibald R.Lewis biên soạn, xuất bản năm 1970 tại Hoa Kì, tập hợp nhiều bài viết giá trị của nhiều nhà nghiên cứu – đã có những trình bày và lí giải rất sâu sắc về mối quan hệ và tác động của thế giới Arab Islam giáo đối với phương Tây từ thời trung cổ cho đến thời Phục hưng trên các phương diện lịch sử, xã hội, chính trị, tôn giáo, văn học… Ngoài ra, công trình của George Saliba (2007), Islamic Science and the Making of the European Renaissance, cũng đã nhấn mạnh đến vai trò của tri thức khoa học Islam đối với văn hóa châu Âu thời Phục hưng. Như vậy, những tác động của thế giới Arab Islam đối với châu Âu, cụ thể đối với Ý, là rất sâu rộng.

3. “Phục hưng là một hiện tượng toàn cầu”

Một khuynh hướng quan trọng trong nghiên cứu về sự vận động của phong trào Phục hưng là quan điểm cho rằng Phục hưng là một phong trào mang tính loại hình lịch sử của các nhà nghiên cứu văn học ở Nga. Nhà Đông phương học N.I.Konrad trong công trình Phương Tây và phương Đông năm 1966 đã đưa ra quan điểm rằng lịch sử mỗi dân tộc trên thế giới đều phát triển theo những quy luật chung nhất định trong tiến trình lịch sử. Ông cho rằng thời đại Phục hưng còn diễn ra ở nhiều khu vực khác trên thế giới, với những tính chất khác nhau nhưng bản chất thì như nhau.

Từ thập niên 1960, Viện Văn học thế giới A.M.Gorky thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô đã tiến hành biên soạn công trình Lịch sử văn học thế giới. Từ cơ sở của lí thuyết loại hình lịch sử, các nền văn học trên thế giới đã được giới thiệu phong phú và hệ thống. Tập 3 của bộ công trình này viết về lịch sử văn học thế giới trong giai đoạn từ cuối thế kỉ XIII đến thế kỉ XVI, trong đó phong trào Phục hưng và di sản của nó trở thành vấn đề trọng tâm. Đặc biệt, cùng với thời đại Phục hưng, công trình xác định những khái niệm như “quá trình tiền Phục hưng”, “quá trình tương đồng với Phục hưng”, “những hiện tượng trong văn hóa có các dấu hiệu Phục hưng” với các đặc trưng như “sự nảy sinh nghệ thuật cá nhân kiểu Phục hưng, sự gắn kết với chủ nghĩa nhân văn chống phong kiến và sự trở lại với thời cổ đại, cơ sở dân tộc mang tính chất trung gian đặc thù, nhưng do hoàn cảnh bên trong và bên ngoài không thuận lợi đã không tạo được thành một kỉ nguyên văn hóa riêng biệt”(4).

Từ đó, công trình xác định khái niệm Phục hưng theo nghĩa rộng hơn là một phong trào văn hóa chỉ diễn ra ở châu Âu, đồng thời cũng đặt ra vấn đề tránh áp dụng khái niệm Phục hưng đến mức quá rộng. Công trình cũng đề cập đến vấn đề Phục hưng ở các nền văn học phương Tây như Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Nga, Đức và các hiện tượng tương đồng ở phương Đông trong đó có văn học Arab.

Trong giới nghiên cứu phương Tây, qua quá trình sử dụng, nội hàm của khái niệm Phục hưng cũng đã dần mở rộng. Phục hưng còn được sử dụng đối với các nền văn hóa ngoài châu Âu, chẳng hạn như nhà nghiên cứu người Đức Adam Mez đã nói đến thời đại Phục hưng Islam giáo trong công trình Die Renaissance des Islams (xuất bản lần đầu năm 1937).

J.Brotton với công trình The Renaissance – A very Short Introduction đã xem “Phục hưng là một hiện tượng toàn cầu, biển đổi và chuyển dịch một cách đặc biệt”(5) và hiện tượng này xuất hiện ở cả phương Tây lẫn phương Đông. Khác với quan niệm thông thường rằng Phục hưng là một giai đoạn phát triển của văn minh phương Tây, J.Brotton “đặt Phục hưng vào trong một thế giới quốc tế rộng lớn hơn”(6). Ông xác định các đặc trưng của bối cảnh xã hội văn hóa của thời kì Phục hưng ở các phương diện khoa học, kĩ thuật, in ấn, triết học, tôn giáo, thương mại quốc tế. Từ đó, J.Brotton cho rằng có những thời Phục hưng khác đáp ứng được các đặc điểm Phục hưng đó như vương triều Mamluk ở Ai Cập, người Moor ở Nam Phi, đế chế Ottoman, đế chế Ba Tư, Ethiopia, Tartar… Ông đặc biệt nhấn mạnh mối quan hệ giữa phương Đông và phương Tây và ảnh hưởng của phương Đông đối với phương Tây trong tiến trình Phục hưng.

Như vậy, Phục hưng là một phong trào, xuất hiện không chỉ của riêng châu Âu mà có tính phổ quát trên toàn thế giới. Có quan điểm cho rằng Phục hưng là một hiện tượng riêng biệt của lịch sử văn minh châu Âu. Nhưng cũng có những quan điểm mở rộng hơn về không gian cũng như thời gian của hiện tượng Phục hưng. Từ lí thuyết về loại hình lịch sử của các nhà Đông phương học ở Nga, có thể hình dung về sự vận động của lịch sử văn học thế giới với từng giai đoạn đã diễn ra, trong đó Phục hưng là một phong trào mang tính loại hình đã xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau, mà phương Đông chính là nơi phát xuất của những tín hiệu đầu tiên. Dựa vào các đặc điểm đặc thù của đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế và những kiểu tư duy mới mẻ trong văn học, chúng ta có thể nhìn thấy “những hiện tượng tương đồng với Phục hưng” xuất hiện sớm hơn ở các nền văn học phương Đông, bên cạnh phong trào Phục hưng châu Âu, trong đó có thể kể tới văn học Arab thời đại Hoàng kim. Trong tiến trình vận động từ phương Đông sang phương Tây này, có thể thấy, Ý chính là nơi mà phong trào Phục hưng đã đặt bước chân đầu tiên lên châu Âu. Như đã thấy, nước Ý có những điều kiện xã hội, kinh tế để phong trào Phục hưng xuất hiện sớm nhất so với các quốc gia khác của châu Âu.

Quay trở lại khái niệm Phục hưng, nghĩa gốc của khái niệm là tái sinh, làm sống lại những vẻ đẹp của văn hóa Hi – La cổ đại. Nó xuất phát từ việc người châu Âu phát hiện ra di sản văn hóa Hi – La từ việc được tận mắt nhìn thấy những tác phẩm nghệ thuật, tiếp xúc với các văn bản thuộc nhiều lĩnh vực tri thức như văn học, triết học, y học… Các học giả của thế giới phương Tây hào hứng với việc ghi chép, dịch thuật, nghiên cứu các văn bản này và liên hệ với thời đại của mình. Tuy nhiên, việc tái sinh, làm sống lại không chỉ có nghĩa là phục cổ. Sự vận động của lịch sử là một quá trình tiến tới và con người thời Phục hưng bằng việc nhận thức lại di sản Hi – La đã phát huy những giá trị văn hóa quan trọng này để tạo nên một bước ngoặt thiết yếu trong lịch sử loài người. Từ việc tiếp xúc với thế giới phương Đông, phát hiện ra thế giới Hi – La cổ đại, nhìn nhận lại thời đại của chính mình cùng với hàng loạt những phát triển mới về chính trị, xã hội, những cuộc phát kiến địa lí, thúc đẩy giao thương, thế giới phương Tây đã chuyển mình để bước vào một thời đại mới với những thành tựu lớn lao.

N.N.B.T

1. Michelet Jules, History of France, 2 volumes (translated by G.H. Smith), D. Appleton and Company, NY, US, 1882, Digitized for Microsoft Corporation by the Internet Archive in 2007, from University of Toronto Press, tr.30.

2. Highet Gilbert, The Classical Tradition Greek and Roman Influences on Western Literature, Oxford University Press, NY, US, 1976, tr.83.

3. Burckhardt Jacob, The Civilization of the Renaissance in Italy, vol.I, Harper & Row, NY, 1958, tr.209.

4. Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Viện Văn học thế giới A.M. Gorky, Lịch sử văn học thế giới, tập 3, nhiều người dịch, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nxb Văn học, Hà Nội, 2014, tr.18.

5, 6. Brotton Jerry, The Renaissance – A very Short Introduction, Oxford University Press, NY, US, 2005, tr.8 và 19.