Sự khác biệt giữa phụ nữ, đàn bà và con gái là gì? Câu hỏi này nghe có vẻ buồn cười nhưng khi lý giải chúng một cách nghiêm túc sẽ cho chúng ta nhiều suy nghĩ thú vị về các vấn đề về định kiến giới hay trách nhiệm với lời ăn tiếng nói hàng ngày.
Sự khác nhau về nghĩa giữa phụ nữ, đàn bà và con gái
Khi xem xét những từ vựng trên từ góc độ Từ nguyên học, tức ngành học về nguồn gốc và lịch sử của các từ, chúng ta sẽ thấy đàn bà và con gái vốn là hai từ thuần việt, tức là những từ tiếng Việt không vay mượn, không pha tạp với những ngôn ngữ khác. Con gái để chỉ những người nữ còn nhỏ tuổi, chưa đến tuổi sinh sản. Đàn bà để chỉ những người nữ đã đủ tuổi sinh con đẻ cái. Có thể thấy rằng, ở thuở ban sơ nhất, ông cha ta dùng những từ trên đơn thuần để định danh và phân loại một nhóm người có cùng chung những đặc tính tự nhiên, cũng như con trai hay đàn ông.
Bạn đang xem: Phụ nữ, đàn bà và con gái khác nhau thế nào?
Từ phụ nữ lại là một câu chuyện khác. Phụ nữ là một từ vay mượn từ tiếng Hán, viết là 婦女. Trong đó, 婦 là phụ, tức là người vợ, người mẹ, như trong phụ khoa, phu xướng phụ tùy (Do đó, chỉ có phụ nữ mà không có phụ nam)… Còn 女, tức là nữ, mới là từ để chỉ giới tính nữ, giống cái. Từ phụ nữ, theo đó, không chỉ liên hệ đến những đặc tính tự nhiên, mà còn liên hệ đến vai trò trong quan hệ xã hội và kéo theo đó là những quy ước, kì vọng.
Ngày nay, chúng ta dùng từ phụ nữ để chỉ chung cho tất cả người nữ, dùng từ đàn bà để chỉ phụ nữ lớn tuổi và dùng từ con gái để chỉ phụ nữ nhỏ tuổi.
Định kiến về giới trong ý nghĩa biểu đạt của từ vựng
Từ khi ra đời cho đến nay, nội hàm (tức tập hợp những thuộc tính của đối tượng mà từ vựng chỉ định) của từ phụ nữ đã không ngừng được bổ sung hoặc loại bỏ. Các nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn đưa ra những nhận định khái quát của mình về phụ nữ ở thế hệ của họ; những người dân thường thì cũng góp vào đó các ý kiến, quan điểm của mình trong lời ăn tiếng nói hàng ngày.
Nhất là từ khi Nho giáo ra đời, phát triển mạnh và du nhập về các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, từ phụ nữ đã rước vào mình rất nhiều định kiến và nguyên tắc như của Nho gia như tam tòng, tứ đức. Rồi khi văn hóa, tư tưởng phương Tây du nhập vào nước mình, hai từ phụ nữ lại gắn với những ý niệm mới như quyền phụ nữ, bình đẳng giới… Trong thời chiến, đi ngay sau nó lại là những tính từ trung hậu, đảm đang, kiên cường, bất khuất…
Còn đàn bà hay con gái lại gắn với lời ăn tiếng nói hàng ngày nhiều hơn. Nó gợi ra những suy tưởng, hình ảnh mang tính gần gũi, quê mùa, thôn dã, ngây thơ và lạc hậu… Người ta có thể nghĩ ngay đến một vài câu nói thông tục mà có hai từ ấy: Đàn bà biết gì mà nói; Hai người đàn bà và một con vịt làm nên cái chợ, Có con gái trong nhà như bom nổ chậm, Đồ đàn bà! Ngày hôm nay, em đã thành đàn bà; v.v…
Phụ nữ, đàn bà hay con gái, với tư cách là những từ vựng, đã xuất hiện trong những câu chuyện, những lời than vãn, những lời tôn vinh, những bản tuyên ngôn của hàng triệu lớp người đã qua. Những từ vựng ấy đã đi qua biết bao nhiêu thành kiến lẫn tin tưởng để ngày hôm nay gợi lên trong mỗi người chúng ta những liên tưởng, những suy nghĩ mà chúng ta cho là thuộc về bản chất phái nữ, khiến chúng ta nghĩ là phụ nữ thì phải thế này, con gái thì phải thế nọ, đàn bà thì phải thế kia; trong khi thực tế có thể đơn giản hơn rất nhiều.
Và quan sát vấn đề này với con mắt của người nghiên cứu về giới, chúng ta có thể thấy chính những nội hàm, những quy ước lẫn kì vọng này lại trở thành xiềng xích tư tưởng cho người phụ nữ. Khiến họ không ngừng cố gắng thay đổi mình sao cho phù hợp với khuôn mẫu được quy định. Điều này gây ra những ức chế trong tâm lý người phụ nữ, cũng như phân biệt đối xử trong xã hội.
Trách nhiệm của người dùng ngôn ngữ
Ngày nay, khi chúng ta tiếp nhận một từ vựng để sử dụng cũng là chúng ta đang tác động để làm thay đổi những nét nghĩa, nội hàm của từ vựng đó. Nói cách khác, chính những gì chúng ta viết hoặc nói ra hôm nay về phụ nữ, đàn bà hay con gái sẽ định hình cách nghĩ của thế hệ tương lai về phái nữ.
Thấu hiểu và đánh giá được mối quan hệ giữa ngôn từ và thực tế mà nó phản ánh sẽ giúp ta trở thành con người có hiểu biết, có trách nhiệm trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Nói đúng, bàn đúng, viết đúng thực tế về người phụ nữ là giải phóng họ khỏi những định kiến giới và hướng con người gần hơn đến bình đẳng và tự do.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp