Luật sư của bạn có biết chơi Poker hay không?

Nghị định 03/2017 về kinh doanh casino ở Việt Nam vừa được chính phủ ban hành, công dân đủ 21 tuổi, đủ hành vi dân sự và có thu nhập thường xuyên 10 triệu đồng mỗi tháng sẽ được tham gia đặt cược tại casino. Điều này đồng nghĩa với việc trò chơi poker đã được cho phép chính thức chơi tại Việt Nam. Trong bài viết này, thegioiluatsu xin gửi tới bạn đọc một bài viết lý giải lợi ích của việc chơi poker đối với người hành nghề luật sư, đặc biệt là luật sư tranh tụng.

Biết chơi Poker là một trong những tiêu chí kỳ lạ khi lựa chọn một luật sư tranh tụng. Thông thường, khi lựa chọn một luật sư tranh tụng, người ta thường dựa vào giới thiệu của bạn bè trong khi chính người bạn cũng không thực sự hiểu rõ về luật sư mà mình giới thiệu. Ngoài ra, hầu hết mọi người đều coi trọng những luật sư có thâm niên kinh nghiệm với những chức danh chủ chốt. Các chức danh “luật sư điều hành”, “luật sư thành viên” hoặc “trưởng bộ phân”, những người nổi tiếng trong thị trường dịch vụ pháp lý. Các cố vấn pháp lý của công ty thường giao cho các “công ty luật lớn” để giải quyết các vấn đề của họ.

Tôi tự hỏi rằng liệu có ai trong quá trình lựa chọn luật sư tranh tụng cho mình sẽ đưa ra câu hỏi “anh có chơi poker không?” khi phỏng vấn và nếu có thì anh/chị có thường xuyên chiến thắng không? Tôi tin rằng việc hỏi câu hỏi đó trong quá trình lựa chọn sẽ rất có ích và dứoi đây là lý do.

1. Tranh tụng chính là chơi poker

Tranh tụng và Poker thực sự là rất giống nhau. Bởi vì sao? Cả hai quá trình đều đòi hỏi phải có chiến lược, may rủi, tính toán các biến số và liên tục đánh giá lại sự thay đổi của bối cảnh để có thể đưa ra được phương án tốt nhất, có nghĩa là để chiến thắng. Hãy cùng xem một số phân tích về khoa học giữa tranh tụng và chơi poker và xem liệu luật sư có thể áp dụng những bài học này vào thực tế như thế nào.

2. Tâm lý chiến (kỹ thuật tháu cáy)

Tâm lý chiến là một kỹ thuật thường xuyên được sử dụng trong Poker. Chiến thuật này được định nghĩa là:“gây ấn tượng, cố gắng truyền đạt sự tự tin giả”. Tại phiên tòa, luật sư không được phép đưa ra những thông tin sai lệch hoặc lừa dối. Tuy nhiên, không có quy định nào cấm họ sử dụng tâm lý chiến cả. Mục đích tâm lý chiến khi tranh tụng tại tòa án là luật sư thể hiện ra sự tự tin mãnh liệt, áp đảo đối phương khiến cho luật sư phía đối phương cảm thây dao động và bị ảnh hưởng bởi sự tự tin của họ. Thông thường luật sư có thể học hoặc mài dũa kỹ năng này tại bàn poker.

Để thực hiện được kỹ năng này, trước hết luật sư phải đánh giá tình trạng của khách hàng. Nói cách khác, luật sư phải nhìn vào những con bài mình đang có. Luật sư có trên 3 lá trong 5 là trên bài hay không (xám chi – một bộ bài khá mạnh trong poker) hay bạn chỉ có một đôi (một bộ bài khá bình thường).

Luật sư không thể thay đổi được những quân bài mình đã nhận được. Tuy nhiên, luật sư có thể thay đổi cách chơi các quân bài đó. Hãy xem xét bộ bài chỉ có một đôi, thông thường được đánh giá là một bộ bài yếu. Những quân bài này sẽ được úp xuống do đó không ai có thể nhìn thấy bài của ai. Điều tương tự được áp dụng trong tranh tụng, các quân bài cũng được giấu kín cho đến khi bắt đầu phiên tòa. Chỉ có luật sư là người hiểu rõ điểm manh hoặc điểm yếu của những quân bài mà mình đang có. Điều quan trọng ở đây là, nếu luật sư có một bộ bài yếu, anh ta không được để cho đối thủ của mình biết được điều đó. Anh ta sử dụng tâm lý chiến và khiến cho đối thủ nghĩ rằng các quân bài của anh rất mạnh và anh ta chắc chắn sẽ chiến thắng. Điều này khiến cho đối thủ e ngại và họ buộc phải thay đổi chiến thuật. Thay vì thừa thắng xông lên, họ sẽ tiếp cận ván bài một cách thận trọng và ở vị thế yếu hơn. Khi ở vị thế yếu hơn, họ sẽ rất dễ bị dẫn dắt theo kết quả mà luật sư mong muốn. Đó là khi luật sư thực hiện thành công chiến thuật tâm lý chiến.

3. Những người thay đổi cuộc chơi

Không nhắc tới những quân bài mà luật sư có, nhiều thứ có thể xảy ra, trong phiên tòa cũng như trong ván bài, dẫn tới sự thay đổi mạnh yếu của vụ việc. Một luật sư giỏi, một người chơi poker giỏi, phải luôn luôn đánh giá lại vụ việc của mình. Điều tương tự xuất hiện trong quá trình tranh tụng. Ví dụ, nhân chứng thay đổi lời khai, xuất hiện chứng cứ mới ảnh hưởng bất lợi tới khách hàng của bạn, luật sư đối phương chứng minh được những lời khai của nhân chứng trước đó không đúng sự thật khi thẩm vấn chéo… Luật sư giỏi có khả năng điều chỉnh lại chiến thuật của mình theo sự thay đổi của bối cảnh đồng thời cũng phải nhanh chóng thay đổi lại hướng giải quyết đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho khách hàng của mình.

Danh sách các kỹ năng có thể mài dũa trong quá trình chơi poker có thể áp dụng vào tranh tụng rất nhiều, và có thể được coi là một môn học Trong số đó, kỹ năng đánh giá tình hình, bluff và đánh giá lại theo bối cảnh là những kỹ năng quan trọng nhất giúp một luật sư, người chơi poker thành công.

Tác giả: Luật sư Nguyễn Huy Hoàng