Thức ăn được tiêu hóa như thế nào?

Trong quá trình tiêu hóa thức ăn ở dạ dày thì dạ dày được coi là một bể chứa với các thành cơ rất khỏe. Các cơ này co lại để di chuyển thức ăn và trộn thức ăn với nhau. Dịch dạ dày có chứa nhiều men tiêu hóa như:

  • Men pepsin: Tiêu hóa protid;
  • Men Renin (pressure, chymosin): Chuyển hóa chất caseinogen thành casein, sau đó kết hợp với canxi tạo thành một chất như váng sữa. Loại men này rất quan trọng đối với trẻ em, ít tác dụng đối với người lớn;
  • Men lipase: Tiêu hóa lipid, nó hoạt động tốt ở môi trường kiềm. Tuy nhiên, dạ dày có môi trường toan nên lipase dạ dày hoạt động yếu, chỉ thủy phân được những lipid đã nhũ tương hóa, biến chúng thành acid béo, glycerol và monoglycerid.

Ngoài ra, dạ dày còn có chứa axit HCl với các tác dụng như:

  • Hoạt hóa men pepsin;
  • Làm trương protid, tạo điều kiện phân giải dễ dàng hơn;
  • Kích thích nhu động dạ dày, tham gia vào cơ thế đóng tâm vị, đóng – mở môn vị;
  • Tham gia điều hòa, bài tiết dịch vị, dịch tụy, dịch mật và dịch ruột;
  • Sát khuẩn và giúp chống lên men thối ở dạ dày.

Dạ dày có 2 loại chất nhầy (chất hòa tan trong dịch vị và chất không hòa tan cùng bicacbonat), tạo thành một màng dai phủ kín toàn bộ niêm mạc dạ dày và hành tá tràng. Chúng cùng với bicacbonat giúp trung hòa acid, bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi bị tổn thương bởi acid và pepsin.

Kết quả của quá trình tiêu hóa thức ăn ở dạ dày là thức ăn được biến thành một chất nhuyễn (vị trấp). Trong đó, 10 – 20% protid được phân giải thành các polypeptid ngắn hơn. Bên cạnh đó, một phần lipid đã nhũ hóa, phân giải thành monoglycerid và acid béo. Chỉ còn glucid hầu như chưa được tiêu hóa vì dạ dày không có men tiêu hóa glucid. Do đó, quá trình tiêu hóa thức ăn ở dạ dày chỉ là bước chuẩn bị cho các giai đoạn tiêu hóa tiếp theo ở ruột non.