1. Cá nhân và nhân cách

Câu 56: Phân tích mối quan hệ giữa cá nhân – tập thể – xã hội. Ý nghĩa của vấn đề này ở nước ta hiện nay?

Trong quá trình tìm hiểu về con người, khái niệm cá nhân giúp ta tiếp cận với đặc điểm về chất của mỗi con người cụ thể. Đặc điểm ấy được thể hiện qua khái niệm nhân cách.

Khi xem xét con người là đại diện của giống, loài thì con người tồn tại với tư cách là một cá nhân. Bất cứ một con người nào cũng là một cá nhân, đại diện cho giống, loài người, đồng thời là một phần tử đơn nhất tạo thành giống, loài ấy. Còn xem xét con người là thành viên của xã hội, là chủ thể của các quan hệ thì con người tồn tại với tư cách là nhân cách. Có thể hiểu: cá nhân là phương thức biểu hiện của giống, loài; còn nhân cách là phương thức biểu hiện của mỗi cá nhân.

Nhân cách là toàn bộ những năng lực và phẩm chất của con người cá nhân, đóng vai trò chủ thể tự ý thức, tự đánh giá, tự khẳng định, tự điều chỉnh mọi hoạt động của mình. Nó là cái phân biệt giữa cá nhân này với cá nhân khác, giữa thành viên xã hội này với thành viên xã hội khác.

Song, với tư cách là thành viên của xã hội, là chủ thể của các quan hệ thì không phải bất cứ cá nhân nào cũng tồn tại như một nhân cách. Chỉ có thể nói đến cá nhân như một nhân cách từ một thời kỳ nào đó trong quá trình phát triển của con người. Đây là thời kỳ mà các phẩm chất xã hội đã được hình thành đầy đủ và nhân cách đã trở thành chủ thể của chính mình. Nhân cách bao giờ cũng là cá nhân đã phát triển về mặt xã hội.

Như vậy, nhân cách không phải được sinh ra mà nó được hình thành. Quá trình hình thành nhân cách là quá trình xã hội hoá cá nhân, là kết quả tác động của tất cả các quan hệ xã hội mà cá nhân gia nhập vào. Trong các quan hệ ấy tính tích cực của cá nhân được bộc lộ và thể hiện trong việc cá nhân phải thường xuyên điều chỉnh hành vi của mình. Sự phát triển năng lực tự đánh giá gắn liền với sự phát triển của tự ý thức, chúng làm cho “cái tôi” ngày càng được khẳng định. “Cái tôi” qui định tính cách, định hướng các giá trị để hình thành các tình cảm xã hội của cá nhân. “Cái tôi” còn là cơ sở của sự tự đánh giá, mà nhờ vào nó mà cá nhân thấy được mình trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Điều này, cũng có nghĩa là thế giới quan của cá nhân từng bước được hình thành và được củng cố. Đến lượt mình, thế giới quan giữ vai trò quyết định khả năng hành động có mục đích, có ý thức của cá nhân có nhân cách; đồng thời, nó trở thành chiếc cầu nối liền nhân cách với xã hội xung quanh.

Như vậy, sự hình thành và phát triển nhân cách là một chỉnh thể thống nhất các quá trình sinh học – tâm lý – xã hội để xác lập “cái tôi”. Còn sự qui định toàn bộ hoạt động của “cái tôi” ấy là thế giới quan với tất cả các quan điểm, quan niệm, lý tưởng, niềm tin, hướng giá trị v.v.. của cuộc sống mà mỗi con người cá nhân phải trải qua trong xã hội.

Mối quan hệ giữa cá nhân – tập thể – xã hội không chỉ cho thấy quá trình hình thành nhân cách mà còn giúp ta hiểu về vai trò vừa là chủ thể, vừa là khách thể tác động của các lực lượng xã hội, của các quan hệ xã hội của con người trong đời sống cộng đồng.

Ở đây, khái niệm cá nhân được hiểu là con người có nhân các, còn tập thể là hình thức liên hiệp các cá nhân hình thành từng nhóm xuất phát từ huyết thống, lợi ích, nhu cầu, nghề nghiệp v.v.. Tập thể có thể là gia đình, đơn vị dân cư, đơn vị sản xuất, v.v.. Khái niệm xã hội được xác định ở phạm vi rộng, hẹp khác nhau. Rộng nhất là xã hội loài người, sau đó là những hệ thống xã hội như quốc gia, dân tộc, giai cấp, chủng tộc v.v..

Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là khâu trung gian của mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Chỉ có thể thông qua tập thể, mỗi thành viên của nó mới gia nhập vào xã hội. Trong tập thể, cá nhân được hình thành và phát triển về tất cả các mặt và những hình thức giao tiếp trực tiếp trong tập thể tạo ra diện mạo của mỗi cá nhân. Nếu mỗi cá nhân mang trong mình dấu ấn của tập thể, thì mỗi tập thể đều mang trong mình dấu ấn của cá nhân, bởi bản thân tập thể được hình thành từ chính những con người cụ thể, tức từ những cá nhân.

Bản chất của quan hệ giữa cá nhân và tập thể là quan hệ lợi ích. Lợi ích sẽ liên kết hoặc chia rẽ các thành viên của nó. Trong tập thể có bao nhiêu thành viên thì bấy nhiêu lợi ích; và lợi ích được thể hiện qua nhu cầu đa dạng của mỗi cá nhân trong tập thể.

Khả năng của tập thể thoả mãn nhu cầu cho mỗi cá nhân thường thấp hơn nhu cầu của mỗi cá nhân, song không phải do vậy mà cá nhân tách ra khỏi tập thể. Cá nhân luôn cần đến và có nhu cầu tập thể vì mỗi cá nhân không thể tồn tại hoặc phát triển một cách cô lập. Đó là cơ sở hình thành tính tập thể, tính cộng đồng, tính nhân đạo của nhân cách; và đó cũng là mối quan hệ biện chứng đầy mâu thuẫn giữa cá nhân và tập thể. Tuỳ theo tính chất của mâu thuẫn này mà quan hệ giữa cá nhân và tập thể được duy trì, củng cố hay tan rã.

Trong mối quan hệ giữa cá nhân – tập thể – xã hội thì xã hội thể hiện với tư cách là tập thể của những tập thể. Đối với cá nhân, xã hội vừa là tổng thể những điều kiện xã hội của cá nhân, vừa là kết quả sự phát triển của bản thân từng cá nhân đó. C.Mác nói rằng: “Bản thân xã hội sản xuất ra con người với tính cách là con người như thế nào thì con người cũng sản xuất ra xã hội như vậy” .

Trong mối quan hệ biện chứng này, xã hội luôn giữ vai trò quyết định, và nền tảng của các quan hệ này là quan hệ lợi ích. Thực chất của việc tổ chức trật tự xã hội là sắp xếp các quan hệ lợi ích sao cho khai thác được cao nhất khả năng của mỗi thành viên vào quá trình kinh tế – xã hội và thúc đẩy quá trình đó phát triển cao hơn. Xã hội là điều kiện, là môi trường, là phương thức để lợi ích cá nhân được thực hiện. Xã hội càng phát triển thì quan hệ lợi ích giữa cá nhân và xã hội càng đa dạng và phức tạp. Mỗi cá nhân ngày càng tiếp nhận được nhiều giá trị vật chất và tinh thần để thoả mãn nhu cầu của mình. Đây không chỉ là động lực mà còn là mục đích của sự liên kết mọi thành viên của xã hội với nhau.

Mỗi cá nhân đều có ảnh hưởng đến xã hội, nhưng không như nhau. Mức độ và khuynh hướng ảnh hưởng của cá nhân đến xã hội tuỳ thuộc vào mức độ phát triển của nhân cách. Những cá nhân có nhân cách vĩ đại có tác dụng tích cực đến sự phát triển của xã hội; còn những cá nhân có nhân cách thoái hoá thì gây ra những vật cản đối với sự phát triển đó.

Mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội có mặt khách quan và mặt chủ quan của nó. Mặt khách quan biểu hiện ở trình độ đạt được nền sản xuất xã hội, còn mặt chủ quan biểu hiện ở khả năng nhận thức và vận dụng qui luật về sự kết hợp giữa lợi ích. Do đó, mọi trường hợp nhân danh lợi ích xã hội, không quan tâm đến lợi ích cá nhân; hoặc ngược lại, chỉ biết đến lợi ích cá nhân, coi nhẹ lợi ích của xã hội đều gây trở ngại cho việc phát triển của xã hội nói chung, của mỗi thành viên trong xã hội nói riêng.

Bảo đảm sự công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ đối với mọi công dân; phát huy nhân tố con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất trong mọi hoạt động là yêu cầu cơ bản trong việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cá nhân – tập thể- xã hội.

Trong thời kỳ quá độ lên CNXH và ngay cả dưới chế độ XHCN, những mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội vẫn còn tồn tại. Do đó, để giải quyết đúng đắn quan hệ cá nhân – xã hội cần phải tránh hai thái độ cực đoan: Một là, chỉ thấy cá nhân mà không thấy xã hội, đem cá nhân đối lập với xã hội, chỉ trọng lợi ích cá nhân, coi nhẹ lợi ích xã hội. Hai là, chỉ thấy xã hội mà không thấy cá nhân, nhân danh lợi ích xã hội, không quan tâm đến lợi ích cá nhân… Cả hai thái độ cực đoan trên đây đều gây trở ngại cho việc phát triển xã hội nói chung, sự phát triển của mỗi thành viên của nó nói riêng.

Ở nước ta hiện nay đang tồn tại nền kinh tế thị trường. Bên cạnh những tác dụng tích cực của nó như thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện cho xã hội có khả năng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cá nhân ngày càng đa dạng và phong phú; và do lợi ích cá nhân được quan tâm đầy đủ hơn nên đã tăng tính năng động, tính tích cực tự giác của cá nhân, tạo điều kiện phát triển nhân cách. Tuy nhiên, cơ chế thị trường cũng dẫn đến xu hướng tuyệt đối hoá lợi ích cá nhân, lợi ích trước mắt dẫn tới phân hoá thu nhập trong xã hội, từ đó dẫn tới mâu thuẫn giữa các lợi ích cá nhân, cũng như mâu thuẫn giữa cá nhân và tập thể, giữa cá nhân và xã hội; những mâu thuẫn này nếu không kịp thời giải quyết sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nhân cách nói riêng, của xã hội nói chung. Do đó, chúng ta phải phát huy những ưu thế, đồng thời phải phát hiện và tìm cách hạn chế khuyết tật của nền kinh tế thị trường nhằm tạo điều kiện phát huy vai trò nhân tố con người, thực hiện chiến lược con người của Đảng ta theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã chỉ ra: Xây dựng con người Việt Nam có tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, có ý thức tự cường dân tộc, trách nhiệm cao trong lao động, có lương tâm nghề nghiệp, có tác phong công nghiệp, có ý thức cộng đồng, tôn trọng nghĩa tình, có lối sống văn hoá, quan hệ hài hoà trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Bảo đảm sự công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ đối với mọi công dân, phát huy nhân tố con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất trong mọi hoạt động là yêu cầu cơ bản trong việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cá nhân – tập thể và xã hội.