Quân khu 1 gồm những địa bàn và lịch sử phát triển thế nào?

Việt Bắc – Quân khu 1 nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, phía Đông và phía Nam giáp Quân khu 3, Thủ đô Hà Nội; phía Bắc giáp Trung Quốc; phía Tây giáp Quân khu 2. Do điều kiện địa lý, lịch sử, Việt Bắc – Quân khu 1 đã nhiều lần được điều chỉnh địa giới hành chính với nhiều tên gọi khác nhau như: Chiến khu 1, Liên khu 1, Liên khu Việt Bắc, Quân khu Việt Bắc và nay là Quân khu 1.

Quân khu 1 trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, tư lệnh kiêm Chính uỷ đầu tiên của Quân khu 1 là đồng chí Đàm Quang Trung.

Tư lệnh Quân khu 1 hiện nay là Trung tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Quân khu 1 gồm những địa bàn và lịch sử phát triển thế nào? - ảnh 1

Lực lượng vũ trang Quân khu 1 luyện tập trên thao trường

Hiện nay, Quân khu 1 gồm các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Cạn, có Tư lệnh và các Phó Tư lệnh, Chính uỷ và Phó Chính uỷ; các cơ quan chức năng đảm nhiệm các mặt công tác tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, các sư đoàn và trung đoàn chủ lực và các đơn vị trực thuộc khác. Quân khu 1 chỉ huy các đơn vị bộ đội địa phương các tỉnh, huyện và dân quân tự vệ trong địa bàn của quân khu.

Ngày truyền thống: 16/10/1945

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Bắc – Quân khu 1 là địa bàn chiến lược quan trọng trong xây dựng thế trận phòng thủ, là cửa ngõ thông thương, giao lưu giữa nước ta với Trung Quốc và là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp lớn, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế.

Quân khu 1 gồm những địa bàn và lịch sử phát triển thế nào? - ảnh 2

Đặc công Quân khu 1 biểu diễn năng lực chiến đấu

Ngày 03/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 017/SL thành lập các quân khu: Quân khu Việt Bắc, Quân khu Đông Bắc, Quân khu Tây Bắc, Quân khu Hữu Ngạn, Quân khu Tả Ngạn, Quân khu 4. Thực hiện Sắc lệnh trên, Quân khu Việt Bắc có các tỉnh; Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Tính đến ngày 30/4/1975, Quân khu đã đưa 299.558 người nhập ngũ tương đương với 28 sư đoàn bộ binh, đưa vào chiến trường miền Nam 4 trung đoàn, 252 tiểu đoàn, 13 đại đội, 4 trung đội làm chuyên môn kỹ thuật và 7 đội lái xe (tương đương quân số 16 sư đoàn bộ binh).

Sau sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” ngày 05/8/1964, đế quốc Mỹ đã điên cuồng đưa Không quân và Hải quân ra đánh phá miền Bắc. Trong 10 năm (1965 – 1975), quân và dân Việt Bắc đã đào gần 4 nghìn km hào giao thông, làm hơn 8 triệu hầm hố trú ẩn. Dân quân tự vệ trong Quân khu đã tham gia 19 triệu ngày công làm hầm, hào; gần 4 nghìn công phục vụ chiến đấu, 76.196 công sửa chữa phục vụ trên 100 km đường sắt; trên 10 nghìn km đường bộ; gần 300 lần chiếc cầu đường sắt, cầu đường bộ; làm 168 lần chiếc cầu phao, cầu tạm, làm mới gần 100 bến phà; làm hơn 2 nghìn km đường vòng tránh liên tỉnh, liên huyện. Chuyển tải qua trọng điểm Lạng Sơn, Việt Trì hàng chục triệu tấn hàng hoá, vũ khí, đạn dược.

Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của Không quân Mỹ, quân và dân Việt Bắc cùng các lực lượng của Bộ đã bắn rơi 329 máy bay Mỹ trên địa bàn (trong đó có 2 pháo đài bay B-52), rà phá 802.722 quả bom các loại đã góp phần cùng quân và dân cả nước giành thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhiều cán bộ, chiến sĩ con em các dân tộc Việt Bắc đã chiến đấu, dũng cảm, kiên cường trên các chiến trường.

Sau chiến thắng 30/4/1975 thống nhất đất nước, ngày 29/5/1976, Chủ tịch nước đã ký Sắc lệnh số 45/SL thành lập Quân khu 1 trên cơ sở sáp nhập Quân khu Việt Bắc và Quân khu Tây Bắc. Vào thời điểm đó, địa bàn Quân khu có diện tích 93.981 km2, dân số 5.278.200 người, có đường biên giới Việt – Trung dài 1.412 km và một phần biên giới Việt – Lào dài 552 km, có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, án ngữ toàn bộ biên giới phía Bắc, Đông Bắc và Tây Bắc của Tổ quốc.

Ngày 26/5/1978, Hội đồng Chính phủ ra Sắc lệnh tách các tỉnh thuộc Quân khu Tây Bắc cũ và 3 tỉnh: Vĩnh Phú, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên khỏi Quân khu 1 để thành lập Quân khu 2, sáp nhập hai tỉnh Quảng Ninh và Hà Bắc thuộc Quân khu 3 vào Quân khu 1. Quân khu 1 đã nhanh chóng điều chỉnh, tổ chức lại lực lượng cho phù hợp với địa bàn. Đặc biệt, đã tăng cường xây dựng các tuyến phòng thủ biên giới, tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong nội địa.

Trong chiến tranh biên giới phía Bắc, Quân khu 1 đảm nhiệm phòng thủ trên hướng chiến lược chủ yếu, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Quân khu 1 gồm những địa bàn và lịch sử phát triển thế nào? - ảnh 4

Lực lượng vũ trang Quân khu 1 diễu duyệt đội ngũ

Ngày 27/8/1985, Chủ tịch nước đã quyết định tặng Huân chương Sao vàng – Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta cho LLVT Quân khu 1 vì đã có nhiều công lao, thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; Tháng 8/1985, Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam đã tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái, Hà Bắc và Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Sư đoàn 3; Ngày 02/10/1985, Hội đồng Nhà nước đã tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho 3 đơn vị thuộc Sư đoàn 346 Quân khu 1 là: Trung đoàn 246, Trung đoàn 567, Đại đội 5/Tiểu đoàn 5/Trung đoàn 567.

Trải qua quá trình xây dựng chiến đấu và trưởng thành, cùng với quân và dân cả nước tiến hành các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đồng bào các dân tộc các tỉnh trên địa bàn Quân khu đã dâng hiến cho nền độc lập, tự do của dân tộc 61 nghìn liệt sĩ, hơn 14 nghìn thương binh, gần 25 nghìn bệnh binh, 916 bà mẹ được tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.