CHẾ ĐỘ NGHỈ KHI CÓ NGƯỜI THÂN MẤT

Khi có người thân mất, người lao động được nghỉ mấy ngày? Có thể kéo dài thời gian nghỉ này không? Bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ giải đáp cho Quý Khách hàng về quy định pháp luật về chế độ nghỉ của người lao động khi có người thân mất.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Lao động 2019;
  • Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

1. Quy định pháp luật về chế độ nghỉ của người lao động khi có người thân mất

Căn cứ vào Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

“1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.”

Theo đó, người lao động có người thân mất thì được nghỉ như sau:

  • Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết, người lao động được nghỉ tối thiểu 03 ngày.
  • Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn thì người lao động được nghỉ 01 ngày.
  • Đối với người thân thích khác thì người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động về ngày nghỉ.

Lưu ý: Trong trường hợp ngày nghỉ rơi vào ngày cuối tuần, thứ bảy, chủ nhật những ngày đương nhiên được nghỉ thì người lao động sẽ được tính nghỉ phép vào những ngày kế tiếp.

Ví dụ: Người lao động xin nghỉ 03 ngày, ngày thứ sáu, thứ hai và thứ ba. Thứ bảy và chủ nhật là ngày nghỉ hàng tuần nên không tính. Tuy nhiên, cách áp dụng này sẽ còn tuỳ thuộc vào quy định của nơi làm việc quy định ngày nghỉ hàng tuần để áp dụng.

2. Có được hưởng lương trong thời gian nghỉ do có người thân mất?

  • Trường hợp 1: Nghỉ có lương

Căn cứ vào Điểm c Khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

“1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.”

Như vậy, người lao động xin nghỉ khi có người thân mất thuộc trường hợp trên vẫn được hưởng nguyên lương trong những ngày nghỉ.

Lưu ý: Nếu hết thời gian nghỉ theo như quy định, người lao động có thể thoả thuận nghỉ thêm với người sử dụng lao động nhưng số ngày nghỉ thêm sẽ không được hưởng lương.

  • Trường hợp 2: Nghỉ không lương

Căn cứ Khoản 2 và 3 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

“2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.”

Theo đó, người lao động sẽ không được nhận lương khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết hoặc giữa người lao động và người sử dụng lao động có thoả thuận về việc không hưởng lương.

3. Người lao động xin nghỉ việc khi người thân mất sẽ giải quyết như thế nào?

Như đã đề cập ở trên, trong trường hợp người thân mất, tuỳ vào từng trường hợp, người lao động sẽ được nghỉ việc hưởng nguyên lương hoặc không hưởng lương nhưng phải thông báo cho người sử dụng lao động biết về việc xin nghỉ này.

Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể là người lao động sẽ phải xin nghỉ việc như thế nào khi có người thân mất. Do đó, người lao động có thể căn cứ vào tình hình thực tế để lựa chọn những hình thức xin nghỉ phép như làm đơn, gửi thư điện tử hoặc thông qua điện thoại,… để thông báo cho người sử dụng lao động biết.

4. Trường hợp người sử dụng lao động từ chối cho người lao động nghỉ

Người lao động xin nghỉ việc vì có người thân mất theo khoản 1 Điều 115 BLLĐ 2019 thì người sử dụng lao động phải tạo điều kiện để người lao động được nghỉ. Nếu người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ thì người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt, cụ thể căn cứ vào Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

“Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;

…”

Theo đó , trường hợp người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ việc khi người thân của người lao động là cha mẹ, ông bà, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột của người lao động mất sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đến 5 triệu đồng.

Lưu ý, mức xử phạt hành chính nêu trên chỉ áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm thì sẽ bị xử phạt hành chính gấp đôi so với cá nhân.

Đối với trường hợp là họ hàng thân thích khác thì người sử dụng lao động có quyền từ chối/ đồng ý cho người lao động nghỉ việc mà không bị xem là vi phạm pháp luật.

Trên đây là bài viết của Luật Phúc Cầu về Chế độ nghỉ của người lao động khi người thân mất.Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng/./