Người trưởng thành

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Trưởng thành là: 1/ Người, sinh vật phát triển đến mức tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ về mọi mặt. Thí dụ: Con cái đã đến tuổi trưởng thành. Cây lúa đang độ trưởng thành. 2/ Trở nên lớn mạnh, vững vàng qua quá trình thử thách, rèn luyện. Thí dụ: Trưởng thành trong chiến đấu”.

Trong thực tế cuộc sống, người trưởng thành, sự trưởng thành diễn ra rộng khắp, phong phú, tế nhị, mong manh, không xác định được đến nỗi có rất nhiều tác giả phải dấu tên khi bàn về sự trưởng thành. Người dấu tên thường ký dưới bài viết là “ẩn danh” (tiếng Anh là Anonyme, viết tắt là Anon). Nhiều người cứ tưởng Anon là tên riêng của tác giả nào đó, nhưng khi tra trên Wikipedia thì không có tên tác giả này.

Có một vài thí dụ về người trưởng thành:

Em Hoa mới có 10 tuổi. Thương bà nội gầy ốm không ăn được, em đã âu yếm trò chuyện, hát cho bà nghe, cố dỗ cho bà ăn hết bát cháo. Bố em ôm em vào lòng, rơm rớm nước mắt sung sướng nói: “Thế là con bố đã trưởng thành rồi đấy”.

Người trưởng thành là người biết yêu thương mọi người, tin tưởng vài người và không bao giờ xúc phạm đến ai cả.

W.Shakespeare

Nghe tin con trai là ông X đã 50 tuổi bị bắt vì tội tham nhũng khi đang trên cương vị Giám đốc một Sở lớn của thành phố, bố ông X, một cụ già đã hơn 80 tuổi cay đắng thốt lên: “Con ơi, biết đến tuổi nào cho con trưởng thành, con ơi!”.

Như thế, em Hoa 10 tuổi đã trưởng thành, ông giám đốc X 50 tuổi mà vẫn chưa trưởng thành đến nỗi bị bắt giam vì tội tham nhũng. Thật quá khó để xác định tuổi nào được gọi là tuổi trưởng thành.

Đại văn hào người Anh, ông W. Shakespeare (1564 – 1616) đã gợi ý: “Người trưởng thành là người biết yêu thương mọi người, tin tưởng vài người và không bao giờ xúc phạm đến ai cả”. Lời dạy này quá đúng rồi, quá chuẩn rồi, nhưng trên thực tế quá khó để thực hiện. Biết đến bao giờ, biết đến tuổi nào để thực hành nhuần nhuyễn được lời dạy này của W. Shakespeare. Chỉ sợ rằng khi ta đã lớn tuổi và đã mắc nhiều sai lầm trong cuộc sống rồi mới hiểu được thế nào là trưởng thành.

Theo Đông phương Cổ học Tinh hoa, có tác giả đã nêu một cách tư duy về người trưởng thành như sau: “Đem lòng tha thứ mình mà tha thứ cho người tất giao hảo vẹn toàn. Đem lòng trách người mà trách mình tất ít lầm lỗi”. Đây là một cách suy nghĩ khôn ngoan, nhân từ, lương thiện nhưng cũng thật khó khăn để thực hiện, vì con người luôn có bản năng sinh vật là tham lam, ích kỷ nên mấy ai sinh ra đã có lòng nhân từ, lòng từ bi để nhận phần lỗi về mình, để nhận phần thiệt về mình. Cái “tôi” to quá, lớn quá đã che mờ mắt nhiều người nên mãi mãi không trưởng thành, cứ u mê mãi. Bao giờ dẹp được cái “tôi” thì may ra mới học được phần nào lời dạy này để phấn đấu thành người trưởng thành trên con đường đời.

quy dinh tuoi truong thanh o viet nam 1
Tranh: ITN.

Mới chỉ điểm qua vài tác giả mà đã thấy việc trở nên người trưởng thành đâu có dễ. Thôi thì cứ biết đến đâu trình bày đến đấy rồi mỗi người bổ sung thêm một ít, chắc sẽ tìm ra được một công thức dễ hiểu, dễ áp dụng để có thể trở nên người trưởng thành.

Tác giả Stephen Gosson (1554 – 1624) lại nhìn độ trưởng thành của con người qua thái độ xin lỗi thành khẩn trước những mâu thuẫn trong cuộc sống khi ông viết: “Người trưởng thành là người nên thường trực có những lời xin lỗi, vì dù nó có vụng về thì cũng có lợi hơn là không”. Lời dạy này của Gosson cũng gần với sự khiêm nhường, mềm mỏng trong cách ứng xử hàng ngày như ông bà ta vẫn thường dạy: “Lạt mềm buộc chặt”. Chao ôi, nếu chỉ học được một phần của cái “lạt mềm” vô địch ấy thì bao nhiêu người đã tránh được những xót xa, ân hận trên bước đường đời.

Khi bàn luận về “Người trưởng thành”, ở thế kỷ trước người ta thường nhắc tới nhà triết học cổ đại lừng danh Horace (từ năm 65 đến năm 8 trước Công nguyên) với lời dạy để đời của ông: “Nếu gặp đường đi có chỗ gập ghềnh, người đã trưởng thành luôn giữ tinh thần được thăng bằng”. Nguyên lý này của Horace trùng với ý: “Tâm bình an” mới có được trí tuệ sáng suốt, tinh thần được thăng bằng vững chắc của Cổ học Đông phương.

Một triết gia dấu tên, ẩn danh đã viết: “Người trưởng thành là người biết rõ về mình”. Vì biết rõ về mình nên không ngộ nhận, không ghen tức, không sân hận mà bằng lòng với cái mình đang có do quá trình phấn đấu không mệt mỏi mà đạt được. Câu chuyện sau đây của nhóm trí thức U90 mới gặp nhau minh họa phần nào về “biết rõ về mình”. Câu hỏi đặt ra là: “Lý do vui vẻ của người trí thức chân chính là gì?”. Các cụ thảo luận rất rôm rả. Sau cùng tìm được ba lý do. Thứ nhất là mỗi người đều đã đạt được sự hiểu biết như ngày hôm nay. Người thì học được ở nước ngoài, người thì học được ở trong nước nhưng đều đã có được một số hiểu biết đáng phấn khởi. Lý do vui vẻ thứ hai là mọi người đều được đãi ngộ đúng mức về vật chất và tinh thần như ngày hôm nay.

Tuy rằng có người gặp may hơn một chút, có người chịu thiệt thòi một chút trong việc nhận lương hưu, học hàm, học vị nhưng mọi người đều thấy hợp lý và chấp nhận được. Lý do vui vẻ thứ ba là mỗi người đã có những đóng góp cho xã hội và cộng đồng dân cư. Sau khi tìm ra ba lý do vui vẻ của một người trí thức chân thực, các cụ trong nhóm mạn đàm đều nâng cốc chúc cho những ngày mới vui vẻ hơn nữa.

Tiếp tục mổ xẻ về “Người trưởng thành”, nhiều tác giả, nhất là các tác giả phương Đông đều nhất trí rằng: Mọi hoạt động, mọi suy nghĩ, mọi phát ngôn của người trưởng thành đều phải rất thận trọng, rất đắn đo để không ai có thể khinh mình được.

Theo dõi nhiều phiên tòa dân sự và hình sự gần đây thì bao giờ cũng thấy các bị cáo, các phạm nhân khi nói lời cuối cùng đều rất xấu hổ mà nhận rằng mình đã mất lòng tự trọng để người khác coi thường, khinh bỉ và họ đều hứa rằng sẽ sửa chữa lỗi lầm để trở thành người công dân tốt. Khổng Tử (từ năm 551 đến 479 trước Công nguyên) đã khẳng định: “Chỉ khi nào ta tự khinh mình thì người khác mới có thể khinh ta được”. Thế mà trên thực tế nhiều người tuy đã gọi là trưởng thành nhưng vẫn tự khinh mình, tự đánh mất mình để trở thành tội phạm thì thật đáng tiếc, đáng ân hận, đáng xấu hổ biết bao nhiêu.

Triết gia danh tiếng người Đức, ông Emmanuel Kant (1724 – 1804) đã định nghĩa khái quát nhất về người trưởng thành như sau: “Có hai thứ làm trái tim tôi trưởng thành, đó là những vì sao trên bầu trời ở trên đầu tôi và những quy định về đạo lý nằm trong trái tim tôi”.

Có tác giả đã cắt nghĩa lời của Kant như sau: Những vì sao trên bầu trời là quy luật tự nhiên. Những quy định về đạo lý là quy luật xã hội. Tuân thủ được, hiểu rõ được, áp dụng được hai quy luật lớn lao ấy thì chắc chắn đã là người trưởng thành rồi. Nhưng trên thực tế có mấy ai được trọn vẹn như thế. Thôi thì cứ cố gắng hết sức mình, đạt được đến đâu, trưởng thành được đến đâu thì mừng đến đó chứ biết lấy gì mà cân, đo, đong, đếm cho được.

Triết gia kiêm chính trị gia lỗi lạc người Mỹ, ông Benjamin Franklin (1706 – 1790) thì khẳng định ngay: “Người trưởng thành là người trung thực”.

Ông lên án mạnh mẽ bọn dối trá và lừa lọc. Trong một diễn văn lịch sử ông đã viết: “Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn. Chúng đã không đủ trí óc để làm người trung thực”. Gần 300 năm đã trôi qua nhưng lời phê phán đanh thép của Franklin đã giúp chúng ta nhận diện được ngay ai là người trung thực, ai là kẻ dối trá lừa lọc. Đây cũng là tiêu chuẩn để ta chọn bạn, chọn đồng nghiệp trong cuộc sống hàng ngày. Sống trung thực, lương thiện luôn rất khó vì nó hoàn hảo, nó tốt đẹp, nhưng đó mới là cái đích phấn đấu cho tất cả mọi người.

Bàn luận về người trưởng thành như đã nêu ở phần đầu là rất phong phú, đa dạng, đa màu sắc, đa phương hướng, đa quan điểm. Bài viết này chỉ khu trú được phần nào những giới hạn cần có, những quan niệm cần chú ý hơn cả.

Để khép lại, không gì hơn là nói đến cách suy nghĩ mang tính khái quát của triết gia Les Brown (1912 – 2001). Ông là một triết gia hiện đại đã đề cập tới lập trình hóa, số hóa, hoạt động theo chương trình… giúp chúng ta dễ hiểu và dễ thực hiện. Les Brown đã viết: “Nếu bạn không tự lập trình cuộc đời bạn, thì cuộc đời sẽ lập trình bạn”. Cám ơn Brown đã dạy ta cách trưởng thành chủ động, tự mình, cho mình chứ quyết không thể sống bị động hay phụ thuộc vào bất cứ ai, bất cứ cái gì.