Khái luận chung về quyền con người và thế hệ quyền con người

1. Quan niệm về quyền con người

Trong lịch sử chính trị tư tưởng của nhân loại, thuật ngữ “quyền con người” thường được sử dụng, nhưng cho đến nay chưa có quan niệm thống nhất. Phải đến thế kỷ XVII, XVIII, quyền con người mới được các nhà tư tưởng bàn đến như một học thuyết[1]. Có nhiều cách tiếp cận dẫn tới những định nghĩa khác nhau về quyền con người (human rights)[2]. Các cuộc tranh luận về chủ đề này thường tập trung vào vấn đề: Quyền con người có nguồn gốc tự nhiên hay do pháp luật quy định? Cách tiếp cận thứ nhất nhấn mạnh thuộc tính tự nhiên của các quyền con người (đã là con người thì có các quyền). Cách tiếp cận thứ hai nhấn mạnh thuộc tính nhân tạo của quyền con người, cho rằng các quyền là do con người thỏa thuận với nhau hoặc do Nhà nước quy định trong pháp luật. Theo Văn phòng Cao ủy Liên Hợp quốc thì: “Quyền con người là những bảo đảm pháp lý mang tính phổ quát (universal legal guarantees) có tác dụng bảo vệ các cá nhân và nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm và tự do cơ bản của con người”[3]. Cách định nghĩa này có thể bị phê phán vì cho rằng quyền con người là có sau luật pháp, có sau sự bảo vệ ở phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, định nghĩa này nhấn mạnh tính chuẩn mực chung (phổ quát) của các quyền con người và dễ làm căn cứ cho sự đồng thuận, cũng như thuận tiện cho việc vận động các quốc gia tôn trọng tiêu chuẩn chung trong hoạt động lập pháp (xây dựng pháp luật) và thực tiễn[4]. Bên cạnh thuật ngữ “quyền con người”, ở Việt Nam còn hay sử dụng thuật ngữ “nhân quyền” (từ Hán – Việt). Cả hai đều có nội hàm như nhau và tương ứng với thuật ngữ “human rights” trong tiếng Anh.

Khi tranh luận về “quyền con người”, có hai trường phái trái ngược nhau. Những người theo học thuyết về quyền tự nhiên (natural rights) – mà tiêu biểu là các tác giả như Zeno (333 – 264 TCN), Thomas Hobbes, Thomas Paine (1731 – 1809)… cho rằng quyền con người là những gì bẩm sinh, vốn có mà mọi cá nhân sinh ra đều được hưởng, chỉ đơn giản bởi họ là thành viên của gia đình nhân loại. Các quyền con người không phụ thuộc vào phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa hay ý chí của bất cứ cá nhân, giai cấp, tầng lớp, tổ chức, cộng đồng hay Nhà nước nào và không một chủ thể nào có thể ban phát hay tước bỏ các quyền con người. Ngược lại, những người theo học thuyết về các quyền pháp lý (legal rights) mà tiêu biểu là các tác giả như Edmund Burke (1729 – 1797), Jeremy Bentham (1748 – 1832)… cho rằng các quyền con người không phải là những gì bẩm sinh, vốn có một cách tự nhiên mà phải do các Nhà nước quy định trong pháp luật. Như vậy, theo học thuyết này, phạm vi, giới hạn và ở góc độ nhất định, cả thời hạn hiệu lực của các quyền con người phụ thuộc vào ý chí của tầng lớp thống trị và các yếu tố như phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa… của các xã hội.

Cho đến nay, cuộc tranh luận về tính đúng đắn của hai học thuyết kể trên vẫn còn tiếp tục. Việc phân định tính chất đúng, sai, hợp lý và không hợp lý của hai học thuyết này là không đơn giản do chúng liên quan đến một phạm vi rộng lớn các vấn đề triết học, chính trị, xã hội, đạo đức, pháp lý… Mặc dù vậy, dường như quan điểm cực đoan phủ nhận hoàn toàn bất cứ học thuyết nào đều không phù hợp, bởi lẽ trong khi về hình thức, hầu hết các văn kiện pháp luật của các quốc gia đều thể hiện các quyền con người là các quyền pháp lý, thì trong Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948, một số văn kiện pháp luật và văn kiện chính trị pháp lý ở một số quốc gia, quyền con người được khẳng định một cách rõ ràng là các quyền tự nhiên, vốn có và không thể chuyển nhượng được của các cá nhân[5].

Theo tác giả, quan điểm hài hòa nhất là dung hòa hai trường phái nói trên, theo đó quyền con người là đặc quyền (quyền tự nhiên) nhưng để hiện thực hóa thì phải được pháp luật quốc tế, pháp luật quốc gia ghi nhận và bảo đảm thực thi[6]. Con người sinh ra là “bẩm sinh”, “tự nhiên” đã có quyền, Nhà nước không thể không ghi nhận[7]. Sự ghi nhận, bảo đảm thực thi quyền ở mỗi quốc gia có thể khác nhau ở từng giai đoạn[8]. Việc pháp luật ghi nhận quyền không phủ nhận bản chất đặc quyền tự nhiên của quyền con người mà nó còn phụ thuộc vào đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của mỗi quốc gia. Ở mỗi quốc gia, do hoàn cảnh lịch sử, điều kiện khác nhau, nên hệ thống các quyền không hoàn toàn giống nhau, nhưng những quyền cơ bản nhất thì có sự tương đồng.

Quyền con người trước hết được hiểu là những đặc quyền (quyền tự nhiên) mà con người có. Đó là khả năng hành động một cách có ý thức, trách nhiệm, nhất là khả năng tự bảo vệ. Nhưng tự bản thân chúng, đặc quyền chưa phải đã là quyền của con người. Để đạt tới cái gọi là “quyền” thì cần phải có yếu tố thứ hai đó là quy chế pháp lý (pháp luật). Các đặc quyền khi trở thành đối tượng điều chỉnh của pháp luật, tức là, được pháp luật ghi nhận, thì mới trở thành các quyền của con người thực sự. “Không có pháp luật thì không có quyền, và khó có quyền nào mà lại không phải là một đặc quyền, nhưng không nhất thiết là ngược lại, mà chỉ là những đặc quyền thuộc phạm vi và chịu sự chi phối của pháp luật mới là quyền”[9]. Cách lý giải như vậy về quyền con người chỉ ra rằng, quan niệm của thuyết pháp luật tự nhiên về quyền con người phải tồn tại trong mối quan hệ với quan niệm về quyền con người gắn với thiết chế quyền lực nhà nước và pháp luật.

Về tính chất, nhận thức phổ biến của cộng đồng quốc tế cho rằng quyền con người có những tính chất (còn được gọi là những nguyên tắc) cơ bản sau đây:

– Tính phổ quát (universal): Thể hiện ở chỗ quyền con người là những gì bẩm sinh, vốn có của con người và được áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi thành viên trong gia đình nhân loại, không có sự phân biệt đối xử vì bất cứ lý do gì. Tuy nhiên, cần chú ý là sự bình đẳng không có nghĩa là cào bằng mức độ hưởng thụ, mà là bình đẳng về tư cách chủ thể và cơ hội thụ hưởng các quyền con người.

– Tính không thể chuyển nhượng (inalienable): Các quyền con người không thể bị tước bỏ hay hạn chế một cách tùy tiện bởi bất cứ chủ thể nào, kể cả bởi các Nhà nước. Mọi giới hạn, hạn chế hay tước bỏ quyền của một cá nhân đều phải do luật quy định và chỉ nhằm để bảo vệ lợi ích chính đáng, tương xứng của cộng đồng hay của cá nhân khác.

– Tính không thể phân chia, phụ thuộc lẫn nhau (indivisible, interdependent): Các quyền con người đều có tầm quan trọng như nhau, việc tước bỏ hay hạn chế bất kỳ quyền nào đều tác động tiêu cực đến nhân phẩm, giá trị và sự phát triển của con người. Sự vi phạm một quyền sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm các quyền khác và ngược lại, tiến bộ trong việc bảo đảm một quyền sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tác động tích cực đến việc bảo đảm các quyền khác.

Khi nhắc đến quyền con người, chúng ta có thể đề cập khái niệm tự do (freedom). Có nhiều định nghĩa về tự do, tuy nhiên, ở góc độ chung nhất, có thể hiểu tự do là tình trạng một cá nhân có thể và có khả năng hành động theo ý chí, nguyện vọng của mình phù hợp với các quy phạm pháp lý và đạo đức trong một xã hội dân chủ mà không bị cản trở bởi bất cứ chủ thể hay yếu tố nào. Tự do thường được phân thành tự do chủ động (positive freedom) và tự do thụ động (negative freedom). Tự do chủ động là tự do của cá nhân nhằm đạt được mục tiêu cụ thể nào đó (ví dụ như tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp…). Tự do thụ động là tự do của cá nhân khỏi bị các chủ thể khác xâm phạm đến (ví dụ như tự do thân thể…). Tự do mang tính chất của một sự lựa chọn hay một quyền cá nhân. Về khía cạnh này, J.S.Mill cho rằng cần bảo vệ tự do của các cá nhân để họ được “sống hạnh phúc theo ý của họ, hơn là bắt họ sống hạnh phúc theo ý những người xung quanh”[10]. Cũng về khía cạnh này, K.Marx và F.Engels mong muốn hướng đến một xã hội lý tưởng trong tương lai mà “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người” (Tuyên ngôn của Đảng cộng sản – 1848)[11]. Luật Nhân quyền quốc tế đề cập cả hai khái niệm: Các quyền (rights) và tự do cơ bản (fundamental freedoms) của con người. Tuy nhiên, trong thực tế hầu như không có sự phân biệt và khác biệt trong việc vận dụng các tiêu chuẩn quốc tế về quyền và tự do cơ bản của con người, bởi lẽ các tự do cơ bản thường được diễn đạt như là các quyền (ví dụ, tự do ngôn luận cũng thường được gọi là quyền tự do ngôn luận…). Ngoài ra, các quyền tự do thường được đồng nhất với các quyền dân sự và chính trị[12].

Khái niệm quyền con người cũng gắn liền với khái niệm quyền công dân (citizen’s rights). Đây là hai khái niệm gần gũi nhưng không hoàn toàn đồng nhất (xét ở cả hai phương diện chủ thể của quyền và nội dung của quyền)[13]. Quyền công dân là một khái niệm xuất hiện cùng cách mạng tư sản. Cách mạng tư sản đã đưa con người từ địa vị những thần dân trở thành những công dân (với tư cách là những thành viên bình đẳng trong một quốc gia) và pháp điển hóa các quyền tự nhiên của con người dưới hình thức các quyền công dân. Như vậy, về bản chất, các quyền công dân chính là những quyền con người được các nhà nước thừa nhận và áp dụng cho công dân của mình. Cách hiểu này cũng giống như học thuyết về quyền pháp lý về nguồn gốc của quyền con người. Về cơ bản, quyền công dân có phạm vi hẹp hơn quyền con người. Sự phân biệt này chỉ có thể nhận rõ trong một số bối cảnh[14]. Ví dụ, theo Luật Nhân quyền quốc tế, một cá nhân là người nước ngoài hiện diện hợp pháp trên lãnh thổ của một quốc gia cũng được hưởng các quyền con người cơ bản mà cộng đồng quốc tế và quốc gia đó thừa nhận, chỉ trừ một số quyền dành riêng cho công dân như quyền bầu cử, quyền ứng cử, hay quyền về quốc tịch[15].

2. Các thế hệ quyền con người

2.1. Thế hệ quyền con người

Dựa trên những tiêu chí khác nhau, có thể chia quyền con người thành những nhóm khác nhau[16]. Theo quan niệm chung (lý thuyết về thế hệ quyền), quyền con người được chia thành ba thế hệ gắn liền với sự phát triển của xã hội. Sự phân chia quyền con người theo các thế hệ này được đề xuất vào năm 1977 bởi luật gia người Séc, ông Karel Vasak. Ý tưởng về ba “thế hệ nhân quyền” (generations of human rights) được ông đưa ra nhằm phân tích lịch sử phát triển của quyền con người. Mặc dù lý luận của Vasak bắt nguồn và phản ánh lịch sử phát triển của tư tưởng và pháp luật về quyền con người ở châu Âu, chúng vẫn có những ý nghĩa trong việc nghiên cứu về lịch sử phát triển của quyền con người nói chung trên thế giới. Ba thế hệ quyền này tương ứng với ba nguyên tắc của Cách mạng Pháp, đó là tự do, bình đẳng và bác ái[17]. Ba thế hệ quyền con người bao gồm:

Thế hệ thứ nhất, các quyền con người trong lĩnh vực dân sự – chính trị.

Thế hệ này bao gồm các quyền cá nhân trong lĩnh vực dân sự, chính trị, các quyền bình đẳng và tự do cá nhân. Chúng giải quyết những vấn đề liên quan đến tự do và sự tham gia vào đời sống chính trị của cá nhân. Thế hệ quyền này mang đậm chủ nghĩa cá nhân và được xây dựng để hạn chế, ngăn chặn sự lạm quyền và sự tùy tiện xâm hại đến cuộc sống tự do của cá nhân con người từ phía các quan chức và cơ quan nhà nước. Thế hệ quyền con người này hướng vào hai vấn đề chính, đó là tự do và sự tham gia vào đời sống chính trị của các cá nhân. Nó bao gồm các quyền và tự do cá nhân về phương diện dân sự và chính trị mà tiêu biểu như quyền sống, quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo tín ngưỡng, tự do biểu đạt, quyền được bầu cử, ứng cử, quyền được xét xử công bằng… Xét trên các phương diện chính trị và lịch sử, sự phát triển của thế hệ quyền con người thứ nhất gắn liền với cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản lật đổ chế độ phong kiến. Các quyền thuộc thế hệ này về bản chất chính là những tư tưởng về các quyền tự nhiên được hình thành và được cổ vũ trước và trong các cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu, sau đó được ghi nhận trong các văn bản pháp luật về quyền công dân của các nhà tư sản. Cùng với hệ thống quyền con người nói chung, các quyền dân sự, chính trị được chính thức pháp điển hóa trong luật quốc tế kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đặc biệt với việc Liên Hợp quốc thông qua Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.

Thế hệ thứ hai, các quyền con người trong lĩnh vực kinh tế – xã hội – văn hóa.

Thế hệ này được thiết kế nhằm bảo đảm bình đẳng về điều kiện và đối xử đối với con người. Cá nhân không trực tiếp sở hữu quyền mà nội dung của quyền là những bổn phận tích cực mà Nhà nước phải tôn trọng và thực hiện (ví dụ, người dân có quyền được tiếp cận giáo dục, quyền này được thực hiện thông qua việc Nhà nước xây dựng các cơ sở giáo dục và tạo điều kiện để người dân tiếp cận chúng). Thế hệ quyền con người này được đề xướng và vận động từ cuối thế kỷ XIX và bắt đầu được quan tâm bởi một số chính phủ kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Sự ra đời của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên (nước Nga Xô viết) vào năm 1917 và sau đó là hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới trong nửa sau thế kỷ XX đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình pháp điển hóa thế hệ quyền này trong pháp luật quốc gia và quốc tế. Cùng với hệ thống quyền con người nói chung, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa được hính thức pháp điển hóa trong luật quốc tế kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với việc Liên Hợp quốc thông qua Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 và đặc biệt là Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966.

Thế hệ thứ ba, các quyền tập thể – phát triển.

Thế hệ này bao gồm các quyền tiêu biểu như quyền tự quyết dân tộc (right to self-determination); quyền phát triển (right development); quyền với các nguồn tài nguyên thiên nhiên (right to natural resources); quyền được sống trong hòa bình (right to peace); quyền được sống trong môi trường trong lành (right to a healthy environment)… Danh mục các quyền thuộc thế hệ quyền này vẫn đang được bổ sung, trong đó những quyền được đề cập gần đây bao gồm: Quyền được thông tin và các quyền về thông tin (right to communicate; communication rights); quyền được hưởng thụ các giá trị văn hóa (right to participation in cultural heritage)… Những văn kiện cơ bản phản ánh thế hệ quyền này bao gồm: Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa năm 1960[18]; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Điều 1) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 (Điều 1); Tuyên bố về quyền của các dân tộc đối với hòa bình năm 1984[19]; Tuyên bố về quyền phát triển năm 1986[20]. Cơ sở hình thành thế hệ quyền con người thứ ba là sự liên đới, những quyền này bao quát quyền tập thể của một xã hội hoặc một dân tộc, như quyền phát triển bền vững, quyền sống trong hòa bình hoặc một môi trường trong lành. Ở nhiều nơi trên thế giới, nghèo đói cùng cực, chiến tranh, thảm họa sinh thái và thảm họa thiên nhiên cũng đồng nghĩa rằng việc bảo đảm thực hiện quyền con người sẽ bị hạn chế. Vì vậy, nhiều người cảm thấy cần thiết phải công nhận một loại quyền mới. Nhóm quyền này sẽ bảo đảm những điều kiện thích hợp cho các xã hội thụ hưởng các nhóm quyền con người thế hệ thứ nhất và thứ hai đã được ghi nhận, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Xét về tính chất, thế hệ quyền con người thứ ba là sự trung hòa nội dung của cả hai nhóm quyền dân sự, chính trị và quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, song đặt chúng trong những bối cảnh mới và trong khuôn khổ các quyền của nhóm. Về tính pháp lý, ngoại trừ một số quyền như quyền tự quyết dân tộc, hầu hết các quyền trong thế hệ thứ ba chưa được pháp điển hóa bằng các điều ước quốc tế mà mới chỉ được đề cập trong các tuyên bố, tuyên ngôn (các văn kiện luật mềm (soft law), không có hiệu lực ràng buộc về pháp lý). Tính pháp lý và tính hiện thực của hầu hết các quyền trong thế hệ này hiện vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi.

Các thế hệ quyền con người được nêu trong hệ thống luật nhân quyền quốc tế khá đa dạng và phong phú. Vào ngày 10/12/1948, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua bản Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người (UDHR). Mặc dù không phải là một công ước, bản Tuyên ngôn này được coi là có giá trị như là một điều ước quốc tế, đóng vai trò nền tảng để xây dựng nên hệ thống hàng trăm văn kiện pháp luật nhân quyền quốc tế hiện đại, bao gồm hơn 30 điều ước và nhiều hình thức văn bản khác (tuyên ngôn, khuyến nghị, bộ quy tắc, bộ nguyên tắc…)[21]. Hiện nay có 9 công ước quốc tế về quyền con người được coi là cơ bản nhất (cốt lõi), bao gồm: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR)[22]; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 (ICESCR)[23]; Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt về chủng tộc năm 1965 (ICERD)[24]; Công ước về xóa bỏ mọi các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ năm 1979 (CEDAW)[25]; Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 (CRC)[26]; Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm năm 1984 (CAT)[27]; Công ước về quyền của những người khuyết tật năm 2006 (CRPD)[28]; Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ năm 1990 (ICRMW)[29]; Công ước quốc tế về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị đưa đi mất tích năm 2006 (ICPPED)[30].

2.2. Một số vấn đề liên quan đến thế hệ quyền con người

Thứ nhất, về sự phân chia thế hệ quyền con người.

Có thể thấy, pháp luật quốc tế về quyền con người vẫn trong giai đoạn phát triển và chắc chắn rằng trong tương lai sẽ xuất hiện những quyền con người mới. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng có nên đề xuất những thế hệ quyền mới cũng như có nên phân loại các thế hệ quyền[31]? Khái niệm “thế hệ” thường làm cho người đọc liên tưởng đến sự kế thừa, chuyển tiếp và đôi khi là thay thế. Đặt trong trường hợp “thế hệ quyền con người”, điều này không hoàn toàn hợp lý ở khía cạnh các thế hệ quyền con người sau không thể thay thế được các thế hệ quyền con người trước. Vì vậy, có ý kiến cho rằng nên phân chia thành những “nhóm quyền” (không gọi là thế hệ quyền) dựa vào những đặc điểm và bản chất của từng loại quyền[32]. Theo các tác giả, việc phân chia thế hệ quyền con người có nhiều khía cạnh hợp lý về sự kế thừa, chuyển tiếp (ví dụ thế hệ quyền con người thứ ba về bản chất là sự kế thừa hai thế hệ trước đó, thế hệ quyền con người thứ hai là sự chuyển tiếp từ thế hệ quyền con người thứ nhất), đồng thời, cũng nhấn mạnh yếu tố lịch sử trong quá trình ra đời, phát triển của các quyền con người. Tuy vậy, việc chia thành các “nhóm quyền con người” cũng góp phần khắc phục cách hiểu có sự thay thế giữa các quyền khi sử dụng “thế hệ quyền con người”. Cho dù phân chia, sử dụng thuật ngữ như thế nào thì phải bảo đảm đặc điểm và bản chất của từng loại quyền, mỗi quyền có giá trị riêng, không thể thay thế cho nhau và tất cả có tính liên kết, phụ thuộc lẫn nhau.

Thứ hai, về sự thừa nhận thế hệ quyền con người thứ ba.

Thế hệ quyền con người thứ ba ra đời trong bối cảnh các nước thế giới thứ ba đấu tranh đòi cơ hội bình đẳng trong quá trình phát triển[33]. Thế hệ quyền con người thứ ba mong muốn khắc phục được những khó khăn trong việc thực hiện các thế hệ quyền con người trước đó. Tuy vậy, trong nhiều năm qua, việc thừa nhận và thực thi thế hệ quyền con người thứ ba vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là xung quanh quyền phát triển. Những quan điểm trái chiều xung quanh quyền này đồng thời cũng là những câu hỏi mở cho những tranh luận, lý giải chặt chẽ hơn về một cơ chế hợp lý cho giám sát việc thực thi quyền con người thuộc thế hệ thứ ba này[34].

Thứ ba, quan điểm về cơ cấu và nội dung của ba thế hệ quyền con người chưa thống nhất dưới nhiều góc độ.

Nội dung của mỗi thế hệ quyền con người vẫn tiếp tục được bổ sung và phát triển. Ngày nay, việc ghi nhận và bảo đảm quyền con người đã có sự phối hợp rộng rãi giữa các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Nội dung quyền con người được xác định ngày càng đầy đủ và cụ thể. Đó là thành quả của quá trình nhận thức và đấu tranh cho quyền con người của nhân loại tiến bộ, đồng thời góp phần thúc đẩy việc thực hiện, bảo vệ quyền con người ở các quốc gia[35].

Thứ tư, quyền con người, một mặt gắn với bản tính tự nhiên của con người, nhưng mặt khác gắn với sự phát triển của bản thân con người và xã hội loài người[36].

Con người càng phát triển, người ta càng nhận thức và ý thức một cách đầy đủ về các quyền của mình. Xã hội càng phát triển, các điều kiện đảm bảo cho quyền con người ngày càng được hoàn thiện hơn. Thực tế cho thấy, trong mỗi giai đoạn lịch sử, xã hội loài người tồn tại những quan niệm khác nhau về các quyền, tự do và nghĩa vụ, cũng như những quy phạm và cơ chế khác nhau để thực hiện, giám sát và bảo vệ các quyền, tự do và nghĩa vụ đó. Theo dòng lịch sử, ảnh hưởng và tác động của quyền con người ngày càng mở rộng, từ ý niệm, tư tưởng đến các quy tắc, quy phạm và cơ chế; từ cấp độ cộng đồng đến cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Trong suốt quá trình phát triển này, quyền con người luôn mang những dấu ấn về chính trị, kinh tế, văn hóa của từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử của xã hội loài người. Như vậy, cùng với sự phát triển của con người và xã hội loài người, nội dung của quyền con người cũng có sự phát triển theo hướng ngày càng tiến bộ hơn, nhân văn hơn. Chính sự phát triển của nội dung quyền con người trong mỗi giai đoạn phát triển khác nhau của con người và xã hội loài người tạo nên tính đặc thù của quyền con người. Chẳng hạn, nội dung của quyền tự do, dân chủ, bình đẳng không phải ngay từ đầu đã đầy đủ và hoàn thiện như trong giai đoạn hiện nay, mà trong mỗi giai đoạn lại được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện. Những dấu ấn của các điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo… trong mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử tạo nên tính chất đặc thù của quyền con người. Mặt khác, các điều kiện để đảm bảo cho các quyền con người trong xã hội hiện nay cũng khác với các xã hội trước đó. Cùng với sự phát triển không ngừng của các ngành khoa học và quá trình toàn cầu hóa, mỗi con người đều đã trở thành “công dân toàn cầu”, do đó quyền con người cũng đã và đang xuất hiện các xu hướng phát triển mới, gắn liền với sự phát triển không ngừng của xã hội loài người (về phát triển bền vững, về khoa học kỹ thuật, về nhóm đối tượng dễ bị tổn thương,…)[37]./.

TS. Trương Hồng Quang

Khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội