Cổng TTĐT Sở Tư Pháp Hà Tĩnh

Đối với quyền sở hữu tài sản, tại Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận bao gồm 03 quyền: Quyền chiếm hữu là “Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”(Điều 186); Quyền sử dụng là “quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.” (Điều 189) và Quyền định đoạt là “là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.” (Điều 192).

Như vậy, có thể hiểu khi công dân có quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản thì được thực hiện các quyền đối với tài sản, được nắm giữ, chi phối, hưởng hoa lợi, lợi tức và quyết định việc chuyển giao tài sản cho người khác dưới nhiều hình thức như chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế…Trong các loại tài sản thì đất đai được xem là một loại tài sản đặc biệt, Nhà nước chỉ ghi nhận quyền sử dụng mà không ghi nhận quyền chiếm hữu, quyền định đoạt bởi tại Điều 53 Hiến pháp 2013 quy định rõ đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý và tại Điều 4 Luật Đất đai 2013 quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.”. Do đó, đối với đất đai thì cá nhân, tổ chức chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền chiếm hữu và quyền định đoạt.

Bên cạnh việc ghi nhận các quyền đối với tài sản thì Nhà nước có các biện pháp để bảo vệ quyền của công dân đối với các tài sản của mình. Theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tại Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đã đưa ra chế tài xử phạt đối với các hành vi gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân như: chiếm đoạt tài sản; Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác; Cưỡng đoạt tài sản… với mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, ngoài ra còn bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trục xuất nếu người vi phạm là người nước ngoài và bị áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép; Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.

Khi xâm phạm ở mức độ vi phạm nghiêm trọng, các hành vi trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 với các tội danh như: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 172; Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173; Tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại Điều 176; Tội sử dụng trái phép tài sản được quy định tại Điều 177 và một số tội danh khác khi xâm phạm đến quyền về tài sản của chủ sở hữu sẽ bị phạt tiền đến 100.000.000đ và phạt tù lên đến 20 năm tùy vào tính chất, mức độ và hành vi cụ thể. Trong quy định về các tội của Bộ luật Hình sự không có khái niệm như thế nào là chiếm giữ, công nhiên chiếm đoạt, cưỡng đoạt…nhưng có thể căn cứ vào các quyền của chủ sở hữu được quy định tại Bộ luật Dân sự để từ đó đưa ra nhận định tổ chức, cá nhân bị xâm phạm những quyền gì đối với tài sản để xác định đúng đối với hành vi vi phạm của tài sản đó.

Với các chế tài được quy định rõ theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về hình sự, tổ chức, cá nhân nếu bị xâm phạm về các quyền đối với tài sản thì có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hoặc điều tra nhằm xem xét tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm để xác định hành vi vi phạm đồng thời đưa ra chế tài xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã quy định đầy đủ và cụ thể về quyền và các chế tài để bảo vệ quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản của mình, khi các quyền này bị xâm phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật./.