Thực hiện hài hòa mối quan hệ quyền và nghĩa vụ công dân

2-.jpg
Nhân dân bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng vui mừng chào đón Bác Hồ về thăm, ngày 20/02/1961. Ảnh tư liệu

Khi nói về bảo đảm quyền lợi cho công dân, Hồ Chủ tịch từng khẳng định: “Nhà nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân chỉ lo làm lợi cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động, ngày càng tiến bộ về vật chất và tinh thần, làm cho trong xã hội không còn người bóc lột người. Thế là Thiện”. Theo Người: Nhà nước vừa công nhận những quyền lợi của công dân và đồng thời bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để cho công dân thật sự được hưởng các quyền lợi đó. Tháng 5/1946, Hồ Chủ tịch chỉ ra: “Đối với dân, Chính phủ phải thi hành một nền chính trị liêm khiết như cải thiện đời sống của nhân dân, cứu tế thất nghiệp, sửa đổi chế độ xã hội, phát triển kinh tế văn hóa… Có như thế, dân chúng mới đoàn kết chung quanh Chính phủ, mới vì quyền lợi thiết thân của mình mà hy sinh sống chết với giặc. Có như thế thì dù tình thế nguy khốn đến bực nào, dân chúng không sợ hãi gì hết mà cố sức quyết chiến, quyết thắng”.

Hồ Chủ tịch xác định: Nhà nước bảo đảm quyền tự do dân chủ cho công dân và nghiêm cấm việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của nhân dân. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ nghĩa vụ của công dân và mối quan hệ biện chứng, hữu cơ, hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ công dân, công dân được hưởng quyền lợi thì đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ. Trong bài “Đạo đức công dân” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 15/01/1954, Hồ Chủ tịch viết: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”. Người yêu cầu là người chủ Nhà nước thì phải chăm lo việc nước như chăm lo việc nhà. Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch xác định: “Trong chế độ ta, lợi ích của Nhà nước, của tập thể cùng lợi ích của cá nhân căn bản là nhất trí. Cho nên trong khi hưởng những quyền lợi do Nhà nước và tập thể mang lại cho mình thì mọi người công dân phải tự giác làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước, đối với tập thể”. Cũng theo Hồ Chủ tịch, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ luôn đem lại những mục đích, mục tiêu chung, hài hòa, phù hợp. Ngày 07/10/1961, nói chuyện với đồng bào và cán bộ xã Đại Nghĩa, Hà Đông, Hồ Chủ tịch phân tích: “Nông dân đóng thuế, bán thóc, trả nợ cho Chính phủ thì Chính phủ lại dùng để chi tiêu vào những công việc có ích cho nông dân, cho hợp tác xã”.

Và trên thực tế những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, vào cuộc quyết liệt của Nhà nước, hệ thống chính trị và nhân dân, quyền lợi, nghĩa vụ công dân ở Việt Nam đã được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, góp phần to lớn vào thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Đúng như Hồ Chủ tịch đã khẳng định: “Nhân dân ta đoàn kết nhất trí, mọi người hiểu rõ mình là người làm chủ nước nhà và quyết tâm làm trọn nghĩa vụ người chủ, thì khó khăn gì chúng ta cũng vượt qua được, và chúng ta nhất định sẽ giành được thắng lợi nhiều hơn nữa và to lớn hơn nữa”.

Thực hiện nghĩa vụ công dân là làm những việc gì? Làm như thế nào? Những vấn đề quan trọng này đều được Hồ Chủ tịch chỉ ra. Theo Người, công dân có nghĩa vụ phải tuân theo Hiến pháp, pháp luật, kỷ luật lao động, trật tự công cộng và các quy tắc sinh hoạt xã hội; phải tôn trọng tài sản công cộng, đóng thuế theo pháp luật, làm tròn nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc và “Dân ta đoàn kết một lòng, người có tiền giúp tiền, người có sức giúp sức, người có tài giúp tài”… Khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, Hồ Chủ tịch luôn nhấn mạnh đến vấn đề công dân phải thật sự làm tốt vai trò làm chủ của mình, ai cũng phải là chiến sĩ dũng cảm xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn vậy, theo Người khi đã là người chủ thì mỗi công dân phải ra sức góp công, góp của; phải biết tự mình lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ, không “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”… Hồ Chủ tịch còn nêu cụ thể cách thức mà người dân làm chủ góp ý, phê bình với Chính phủ, Người nói: “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi”.

Để thực hiện tốt quyền lợi và nghĩa vụ công dân, Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị cần có quyết tâm chính trị cao, chủ trương, chính sách, giải pháp thực thi phù hợp, hiệu quả, trong đó, một yêu cầu quan trọng là phải xác định rõ trách nhiệm trước nhân dân, tinh thần vì nhân dân phục vụ. Có thể thấy rõ, Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên của ta luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện theo lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào – đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Trong thắng lợi to lớn của những năm đổi mới vừa qua, một trong những bài học kinh nghiệm quý báu đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII rút ra và được thể hiện trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu…”.

Cùng với đó, quan trọng, cần thiết và thiết thực nhất là mỗi công dân phải thật sự tự giác thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình, thật sự hoàn thành quyền làm chủ của mình với đất nước với gia đình và bản thân mình. Điều 15 của Hiến pháp nước ta đã quy định: 1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. 2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. 4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.

Thực hiện hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ là yêu cầu, trách nhiệm và tình cảm của mỗi công dân chúng ta để góp phần tích cực nhất vào sự nghiệp xây dựng đất nước với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.