Rủi ro thanh khoản là gì? Tại sao nhà đầu tư cần quản trị rủi ro

Sự thất bại của ngân hàng lớn thứ 16 nước Mỹ Silicon Valley Bank vào tháng 3 năm nay là một sự kiện chấn động giới tài chính toàn thế giới, xuất phát từ vấn đề về quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro thanh khoản, khi quá tự tin vào dự đoán về mặt bằng lãi suất.

Trong giai đoạn lãi suất thị trường ở mức thấp, SVB có nguồn vốn dồi dào và tích cực đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ cùng với việc gửi tiền kỳ hạn dài ở các ngân hàng khác. Khi lãi suất tăng cao, các khoản đầu tư trái phiếu của SVB rơi vào tình trạng “lỗ” khiến người gửi tiền lo ngại và ồ ạt rút tiền, dẫn đến mất thanh khoản.

Đây là một loại rủi ro không chỉ xảy ra phổ biến tại các ngân hàng mà còn hiện diện ở các doanh nghiệp lẫn cá nhân trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư. Vậy rủi ro thanh khoản là gì? Có tầm quan trọng như thế nào? Hãy cũng Vietcap cùng nhau tìm hiểu nhé.

Rủi ro thanh khoản là gì? Tại sao nhà đầu tư cần quản trị rủi ro

Rủi ro thanh khoản là gì?

Có nhiều định nghĩa và khái niệm khác nhau về rủi ro thanh khoản, tuy nhiên, một cách chung nhất, thanh khoản là khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền mặt để có thể thanh toán được hết các khoản nợ ngắn hạn của một tổ chức hoặc một cá nhân mà không gặp phải bất cứ một tổn thất nghiêm trọng nào. Thực tế thì rất nhiều tổ chức không làm được điều này và người ta gọi đó là rủi ro thanh khoản. Hiểu đơn giản, rủi ro thanh khoản (Liquidity Risk) là không có khả năng thanh toán tại một thời điểm nào đó, hoặc phải huy động các nguồn vốn với chi phí cao để đáp ứng nhu cầu thanh toán; hoặc do các nguyên nhân chủ quan khác làm mất khả năng thanh toán

Rủi ro thanh khoản có thể xảy ra với bất cứ cá nhân, tổ chức nào, tuy nhiên khi nhắc đến rủi ro thanh khoản thì thông thường hoạt động tài chính ngân hàng lại có ảnh hưởng nhiều nhất bởi ngân hàng là một trung gian tài chính, luôn luôn phải đáp ứng nhu cầu luân chuyển tiền trong nền kinh tế. Nhưng mới mức độ hiện diện ngày càng nhiều của rủi ro thanh khoản, mọi người đã tập trung quan tâm nhiều hơn về các rủi ro thanh khoản trong đầu tư chứng khoán, bất động sản hay rủi ro trong một doanh nghiệp. Đôi khi nghiêm trọng tới mức có thể dẫn đến phá sản mặc dù khả năng tài chính của một tổ chức vẫn đảm bảo, kinh doanh không bị thua lỗ, nhưng tại một thời điểm nào đó tổ chức bị mất khả năng thanh toán.

Rủi ro thanh khoản ngân hàng

Rủi ro thanh khoản được xếp vào một trong ba loại rủi ro trọng yếu mà các ngân hàng có thể gặp phải.

Rủi ro thanh khoản ngân hàng là việc ngân hàng không thể chuyển đổi tài sản ra tiền mặt, không thể thực hiện các chức năng thanh toán, nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn, hoặc nếu có trả nợ được thì cũng phải trả mức phí cao hơn mức bình quân của thị trường.

Rủi ro thanh khoản ngân hàng sẽ gồm hai loại chính là rủi ro thanh khoản nguồn vốn và rủi ro thanh khoản thị trường. Trong đó:

Rủi ro thanh khoản nguồn vốn phát sinh khi ngân hàng không thể đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ hoặc các nguồn tiền bất thường. Nó được hình thành dựa trên khả năng nắm giữ các nguồn tài trợ có sẵn của ngân hàng, nhằm thu hút thêm các nguồn tài trợ khác khi cần và tài trợ cho mục tiêu tăng trưởng tài sản. Loại rủi ro này có thể đo lường được, cũng kiểm soát được, cần phải có hướng giải quyết khi xảy đến nếu không hậu quả là ngân hàng đó sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng cực lớn. Tương tự như ví dụ của ngân hàng SVB ở phần đầu bài viết này.

Rủi ro thanh khoản thị trường phát sinh khi nền kinh tế có các tác động xấu, ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng, khiến các khoản đầu tư lớn gặp trục trặc do ngân hàng mất khả năng thanh toán. Loại rủi ro này không thể cân đo đong đếm cũng vượt ngoài tầm kiểm soát của cả ngân hàng và Chính phủ.

Rủi ro thanh khoản trong doanh nghiệp

Là rủi ro của doanh nghiệp trong việc thanh toán các khoản nợ của nhà cung cấp, ngân hàng hay các khoản nợ phát sinh khác. Rủi ro thanh khoản ở đây xét đến khả năng trả nợ cả ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp. Thanh khoản trong tài sản chính là việc sẵn sàng chuyển đổi thành tiền mặt của tài sản.

Các doanh nghiệp thường sẽ gặp tình trạng doanh thu nhiều nhưng dòng tiền thu vào không nhiều tương ứng dẫn đến việc xoay vòng vốn cho chu kỳ kinh doanh tiếp theo gặp khó khăn. Và rủi ro thanh khoản tăng cao khi công ty đột nhiên thấy mình không đủ tiền mặt để chi trả các chi phí cần thiết cơ bản để phục vụ cho hoạt động công ty, hay các khoản nợ ngắn hạn, hoặc các khoản nợ dài hạn nhưng đến hạn phải trả. Đây chính là lý do tại sao quản lý dòng tiền rất quan trọng đối với chủ doanh nghiệp. Và doanh nghiệp sẽ gặp rắc rối khi không có đủ một lượng tiền mặt hay các tài sản có khả năng thanh khoản cao phục vụ những nhu cầu ngắn hạn, mặc dù doanh thu được ghi nhận là rất cao.

Lúc này doanh nghiệp phải cơ cấu lại danh mục tài sản nợ và tài sản có, phát hành thêm giấy tờ có giá để huy động vốn, điều chỉnh cơ cấu cho vay, doanh nghiệp đừng quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, mà nên xem xét lại ngân sách, điều chỉnh doanh thu và chi phí (ví dụ như gia tăng bán hàng, thúc đẩy thu hồi các khoản nợ hay tìm kiếm tổ chức tài chính khác) để bù đắp cho khoản thiếu hụt.…

Rủi ro thanh khoản trong đầu tư chứng khoán

Rủi ro thanh khoản là gì? Tại sao nhà đầu tư cần quản trị rủi ro

Đối với chứng khoán, rủi ro thanh khoản xảy thường là rủi ro thanh khoản thị trường, còn được gọi là rủi ro thanh khoản tài sản.

Tính thanh khoản của thị trường cao, điều đó có nghĩa tài sản có nguồn cung và nhu cầu cao, luôn có người muốn bán và mua tài sản đó. Nếu có người bán tài sản nhưng không có người mua, tức là tài sản đó không thể thanh khoản được hoặc tính thanh khoản rất thấp. Vì vậy, tính thanh khoản và tính kém thanh khoản phụ thuộc vào thị trường. Trong trường hợp khó tìm người mua, tài sản sẽ phải hạ giá thấp hơn để tăng tính thanh khoản hơn. Nếu khó tìm được người mua hoặc phải bán mất giá, nhà đầu tư sẽ gánh chịu những tổn thất tài chính lớn. Điều này gọi là “rủi ro thanh khoản” trong đầu tư chứng khoán.

Để cẩn trọng hơn trong đầu tư, nhà đầu tư phải nắm rõ tính thanh khoản của từng tài sản, chứng khoán cụ thể và các rủi ro thanh khoản đi kèm.

Đặc biệt trong bối cảnh nhiều trái phiếu doanh nghiệp đang có rủi ro về thanh khoản. Có thể thấy, một số ngân hàng thương mại cùng các nhà đầu tư đã thiếu thận trọng trong đánh giá rủi ro các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Tình trạng “tiền rẻ” trong năm 2020 – 2021 và mức giá bất động sản lên quá cao đã dẫn đến sự dễ dãi trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, sau đó các kênh vốn đột ngột bị thắt chặt khiến doanh nghiệp, ngân hàng và nhà đầu tư không kịp tính toán rủi ro để có các phương án ứng phó phù hợp.

Nguyên nhân dẫn tới rủi ro thanh khoản

Nguyên nhân dẫn tới rủi ro thanh khoản gồm nguyên nhân khách quan bên ngoài ( lãi suất biến động, chính sách tiền tệ, hoạt động đầu tư kinh doanh của khách hàng, biến động thị trường…) và nguyên nhân chủ quan từ chính tổ chức tài chính.

Nguyên nhân khách quan

Biến động lãi suất: Mọi biến động lãi suất đều ảnh hưởng đến dòng tiền gửi và tiền cho vay của ngân hàng hay các tổ chức, doanh nghiệp, vì lãi suất thay đổi sẽ tác động đến tâm lý của người gửi tiền, từ đó thay đổi hành vi của họ khiến dòng tiền bị thay đổi theo.

Chính sách tiền tệ: NHTW cần ban hành chính sách tiền tệ để có thể quản lý cung tiền trong thị trường tài chính. Do vậy họ sử dụng các công cụ tiền tệ gồm: nghiệp vụ thị trường mở, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất chiết khấu và tái chiết khấu, gây ảnh hưởng đến hoạt động và khả năng thanh toán của NHTM và các tổ chức doanh nghiệp.

Các hoạt động đầu tư, kinh doanh: Thường thì hoạt động đầu tư, kinh doanh có chu kỳ, chẳng hạn như vào mùa cuối năm các nhu cầu đầu tư, kinh doanh, chi trả để thanh toán tăng mạnh (doanh nghiệp trả lương, giải ngân, thanh toán nợ…) khiến nhu cầu về tiền cũng tăng theo, gây áp lực lên nhu cầu thanh khoản của ngân hàng cũng như các đơn vị doanh nghiệp khác.

Biến động của thị trường: Khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao… đều tạo sức ép lớn cho ngân hàng và các doanh nghiệp. Ngay cả những tin đồn thất thiệt đều có thể khiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và các hoạt động cho vay của ngân hàng gặp bất lợi.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân đến từ rủi ro giá chứng khoán do khách hàng phó mặc cổ phiếu cầm cố cho NHTM, rủi ro thị trường hàng hoá khi giá cả xuống thấp, người bán bị thua lỗ sẽ không thể trả nợ cho ngân hàng đúng hạn, rủi ro khi các chính sách hàng hoá thay đổi, rủi ro thiên tai, rủi ro danh tiếng, rủi ro đạo đức của doanh nghiệp… đều có thể dẫn tới rủi ro thanh khoản.

Nguyên nhân chủ quan

Các hoạt động từ bên trong doanh nghiệp và ngân hàng cũng gây ra tình trạng rủi ro thanh khoản. Chẳng hạn như việc ngân hàng vay mượn quá nhiều, hay doanh nghiệp sử dụng các khoản tiền ngắn hạn để đầu tư dài hạn cũng khiến thời hạn sử dụng vốn và nguồn vốn rơi vào tình trạng mất cân bằng. Khi đó, nếu lợi nhuận thu về từ các khoản tiền đầu tư không thể cân bằng với số tiền đã bỏ ra, không đủ để chi trả tiền lãi phát sinh thì rủi ro thanh khoản sẽ xảy ra.

Tại sao quản lý rủi ro thanh khoản lại quan trọng

Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, phần lớn các tổ chức tài chính xem tính thanh khoản là điều hiển nhiên, ít hoặc không chú ý đến rủi ro này. Rủi ro thanh khoản đã không được chú ý cho đến khi nó xuất hiện trên tất cả các tiêu đề tin tức trong cuộc khủng hoảng năm 2007 – 2008.

Trong thời gian này, nhiều tổ chức phải vật lộn để duy trì đủ thanh khoản. Rủi ro này đã dẫn đến cả sự thất bại của ngân hàng và sự cần thiết của các ngân hàng trung ương để bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính quốc gia để giữ cho nền kinh tế phát triển. Rủi ro cực độ này là nhân tố chính dẫn đến sự yếu kém của các tổ chức tài chính và cuối cùng dẫn đến sự phá sản của Lehman Brothers .

Cuộc khủng hoảng toàn cầu buộc các chính phủ và tổ chức tài chính lớn phải đánh giá lại tầm quan trọng của tính thanh khoản. Ngày nay, họ nhận thức được rủi ro khi không đủ thanh khoản và thực hiện các hành động cần thiết để ngăn chặn điều đó xảy ra.

Rủi ro thanh khoản không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp và ngân hàng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả nền kinh tế.

Đối với ngân hàng

Việc mất khả năng thanh toán buộc ngân hàng phải chấp nhận các khoản phí tổn cao để có được nguồn cung đáp ứng các nhu cầu thanh toán gấp, điều kiện vay vốn cũng khó khăn hơn khiến lợi nhuận và tài sản của ngân hàng sụt giảm.

Khi rủi ro thanh khoản tăng cao thì ngân hàng phải đối mặt với tình trạng đình trệ hoạt động, khách hàng không thể giao dịch được sẽ bỏ đi, uy tín ngân hàng sụt giảm, khách hàng cũng mất.

Các khách hàng gửi tiền vào ngân hàng cũng liên đới bị ảnh hưởng. Khi họ gặp trục trặc trong việc rút tiền ra để chi tiêu cho các mục đích đầu tư, sản xuất hoặc kinh doanh, thì họ sẽ nghi ngờ về năng lực tài chính của ngân hàng và một mực đòi rút tiền ra. Càng nhiều người rút thì ngân hàng càng tổn thất thêm, quan hệ khách hàng cũng không còn.

Với các cổ đông của công ty, khi không được trả lợi tức, không được trả nợ đầy đủ thì họ cũng sẽ không tin tưởng vào công ty đó nữa, bởi mục đích họ đầu tư vào công ty là để hưởng lợi. Họ sẽ buộc công ty phải trả nợ và đem dòng vốn của họ đi một nơi khác.

Nghiêm trọng hơn nữa, ngân hàng có thể đi đến bờ vực phá sản hoặc sáp nhập. NHNN sẽ đóng vai trò là người cho vay cuối cùng, giúp NHTM thoát khỏi tình trạng này, kéo hệ thống hoạt động của ngân hàng về ổn định.

Đối với doanh nghiệp

Khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ, các chủ nợ sẽ liên tục siết nợ, các đối tác khác cũng e dè trong việc cung cấp nguyên vật liệu cho doanh nghiệp, việc vay vốn, huy động vốn sẽ không được suôn sẻ, đồng thời, doanh nghiệp cũng khó kiếm được một đơn vị tài trợ tốt.

Đầu tiên, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị trì trệ, do không có nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực cũng bị lao đao theo vì doanh nghiệp không đủ khả năng để chi trả tiền lương lao động. Hàng hoá sản xuất không đủ để giao bán cho khách hàng, gây thiệt hại nặng cho doanh nghiệp. Tình trạng này nếu kéo dài thì doanh nghiệp chắc chắn bị phá sản.

Với nền kinh tế – xã hội

Rủi ro thanh khoản khiến ngân hàng và các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn, hoạt động tín dụng và cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Một khi không có đủ vốn thì tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và ngân hàng gặp trở ngại, lạm phát sẽ gia tăng, quy mô đầu tư giảm và kéo theo suy giảm nền kinh tế. Từ đó cũng ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Đối với các quốc gia phát triển có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu thì rủi ro thanh khoản còn có thể dẫn đến sự đổ vỡ chính trị và liên luỵ đến các quốc gia khác.

Đánh giá rủi ro thanh khoản của một doanh nghiệp

Để phòng tránh đầu tư vào các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính yếu kém và có nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro thanh khoản. Nhà đầu tư có thể thông qua những số liệu các báo cáo tài chính để đánh giá mức độ rủi ro thanh khoản.

Phân tích tỷ số tài chính

Các tỷ số tài chính thường được sử dụng để đánh giá về rủi ro thanh khoản, có ba phần chủ yếu:

– Thu nhập trước thuế và lãi, là chỉ số cho thấy khả năng trả nợ trong ngắn hạn. Chỉ số này thay đổi tùy theo ngành nghề, nếu doanh nghiệp nào có tỷ số này thấp hơn trung bình ngành cần xem xét lại tình hình tài chính vì có thể đây là dấu hiệu cho thấy sự yếu kém có thể dẫn đến thu nhập giảm đáng kể, sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán cũng như trách nhiệm đối với các khoản nợ. Đối với các tổ chức hay công ty có chi phí lớn nhưng là chi phí không bằng tiền ví dụ như chi phí khấu hao, các khoản mục hoãn lại… thì chỉ số thu nhập trước thuế, lãi và khấu hao áp dụng sẽ phù hợp hơn.

Rủi ro thanh khoản là gì? Tại sao nhà đầu tư cần quản trị rủi ro

Tham khảo về các chỉ số tài chính tại Vietcap Trading

Dưới đây là báo cáo về lợi nhuận trước thuế và lãi vay của Vinamilk (EBIT) trong hai năm 2015 và 2016. Chỉ số EBIT của công ty lớn hơn rất nhiều so với phần nghĩa vụ thuế và chi phí lãi, cho thấy công ty hoạt động hiệu quả, khả năng thanh toán các khoản phải trả rất tốt.

– Tỷ số nợ trên dòng tiền gộp (lợi nhuận từ hoạt động cộng với khấu hao và các khoản mục hoãn lại) cho chúng ta biết được khả năng tài chính của doanh nghiệp: với dòng tiền này sẽ mất bao nhiêu năm thì thanh toán hết các khoản nợ (giả định rằng không có nợ mới phát sinh hay gia tăng thêm vốn).

– Dòng tiền còn lại sau khi trừ đi các khoản chi trả cổ tức và cổ đông rút vốn.

Các tỷ lệ thanh khoản

Cần lưu ý rằng các tỷ lệ tài chính về thanh khoản không phải là công cụ tiên quyết để ra các quyết định về quản lý thanh khoản. Chúng ta cần cân nhắc kỹ khi sử dụng các tỷ lệ này vì bản chất các tỷ lệ tài chính chỉ phản ánh khả năng thanh khoản hiện thời dựa trên các số liệu quá khứ chứ không đưa ra được kết quả của hoạt động tương lai. Các tỷ lệ chúng ta thường dùng để đánh giá tính thanh khoản bao gồm:

– Tỷ lệ thanh toán nhanh hay hệ số acid, thể hiện khả năng doanh nghiệp có thể chi trả các khoản nợ ngắn hạn bằng các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền và các khoản tương đương tiền.

– Tỷ lệ thanh toán hiện hành, được tính bằng cách lấy trên sổ sách kế toán tổng giá trị của tài sản hiện hành chia cho tổng giá trị các khoản nợ hiện hành. Nếu tỷ lệ này lớn hơn 1 cho thấy khả năng chi trả của doanh nghiệp tốt, nếu tỷ lệ này nhỏ hơn 1 thì doanh nghiệp có thể đang thiếu hụt nguồn tiền.

– Tỷ lệ số dư chưa rút vốn của hạn mức tín dụng trên tổng số nợ hiện hành cho biết khả năng dự trữ phòng vệ trong những trường hợp cần sử dụng tiền ngoài dự kiến.

Khi sử dụng các tỷ lệ này, chúng ta cần cân nhắc đến giá trị của cổ phiếu và nợ, ví dụ như một doanh nghiệp có số lượng lớn cổ phiếu chưa sử dụng hay các khoản nợ chưa thu hồi được, những khoản này có thể được đưa vào tính toán tỷ lệ để phản ánh đúng khả năng thanh khoản.

Bảng thống kê sau đây cho thấy tình hình thanh khoản của công ty Vinamilk tốt và ở mức an toàn: giá trị tài sản thanh khoản hầu như gấp đôi các khoản nợ phải trả và khi so sánh với chỉ số ngành ta thấy các chỉ số của Vinamilk đang ở mức trung bình của toàn ngành.

Tỷ lệ đòn bẩy tài chính

– Một doanh nghiệp càng vay nhiều nợ thì càng dễ gặp khó khăn khi có bất kỳ sự sụt giảm dòng tiền nào, điều này càng nghiêm trọng hơn khi có nhiều khoản nợ đến hạn thanh toán vào cùng một thời điểm.

– Như vậy, câu hỏi đặt ra là tỷ số nợ (tổng nợ trên vốn) bao nhiêu là thích hợp? Câu trả lời là tùy vào loại hình kinh doanh và đặc điểm của hoạt động sản xuất. Nhìn chung, đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tỷ lệ nợ trên vốn dưới 30% có thể được cho là an toàn, trong trường hợp tỷ lệ này vượt quá 60%, có thể tiềm ẩn rủi ro thanh khoản khi dòng tiền đột ngột sụt giảm (ngoại trừ các ngân hàng hay tổ chức tài chính là những doanh nghiệp đặc thù có tỷ lệ nợ cao). Dòng tiền ổn định hay doanh thu đều đặn là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp cân nhắc tỷ lệ nợ phù hợp cho mình.

Sau đây là số liệu thực tế thống kê trong hai năm 2015 và 2016 của Vinamilk. Theo báo cáo này, công ty duy trì tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức an toàn khoảng 31%, đây là một trong những yếu tố giúp Vinamilk đảm bảo được khả năng thanh khoản cao cũng như xây dựng được dòng tiền bền vững.

Trong bối cảnh thị trường hiện nay, việc quản lý rủi ro thanh khoản luôn không chỉ là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp và ngân hàng mà còn lại mối quan tâm và theo dõi sát sao của các nhà đầu tư, càng quan trọng trong những giai đoạn hoạt động kinh doanh, đầu tư gặp khó khăn do tình hình kinh tế vĩ mô không thuận lợi. Mong rằng, những thông tin mà Vietcap mang đến sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn thành công!

Powered by Froala Editor