Giải đáp: Sau sinh ăn đậu bắp được không? Lưu ý khi sử dụng đậu bắp

Sau sinh ăn đậu bắp được không? Đây là thắc mắc của hầu hết các chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ mang thai và trong thời gian ở cữ. Trong bài viết hôm nay, Nhà Thuốc Long Châu sẽ chia sẻ đến bạn đọc một vài thông tin về đậu bắp đồng thời giúp bạn đọc trả lời thắc mắc trên. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!

Đậu bắp là gì? Thành phần dinh dưỡng của đậu bắp

Đậu bắp (hay còn có tên gọi khác là mướp tây) là loại cây có xuất xứ từ Ấn Độ, được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam. Quả đậu bắp dáng dài, có dạng nang và rất nhiều hạt. Đây là loại quả rất được ưa chuộng hiện nay. Không chỉ có mùi vị độc đáo, đậu bắp còn mang đến giá trị dinh dưỡng cao rất tốt cho sức khỏe.

Theo nghiên cứu của viện dinh dưỡng quốc gia Hoa Kỳ, đậu bắp giống như một loại rau xanh với hàm lượng dinh dưỡng cao bao gồm:

  • 33 calo.
  • 7g carbohydrate.
  • 2g chất đạm.
  • 3g chất xơ.
  • Không chứa chất béo.
  • Ngoài ra còn rất nhiều vitamin và khoáng chất.

Sau sinh ăn đậu bắp được không?

Sau sinh ăn đậu bắp được không? Từ xưa đến nay, đậu bắp được biết đến là một thực phẩm dễ hấp thu và lành tính. Ở phụ nữ sau sinh, hệ tiêu hóa còn yếu do đó việc bổ sung loại thực phẩm lành tính và giàu dinh dưỡng này là điều rất cần thiết.

  • Nhờ hàm lượng pectin cao, đậu bắp giúp thúc đẩy quá trình lành thương diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Đặc biệt, đậu bắp còn chưa một hàm lượng chất nhờn cao giúp ngăn ngừa táo bón và trĩ sau sinh cho mẹ.
  • Với hàm lượng folate có trong đậu bắp, ngoài tác dụng bồi bổ cho phụ nữ sau sinh nhanh hồi phục sức khỏe, đậu bắp còn có tác dụng thúc đẩy phát triển não bộ của bé thông qua sữa mẹ.
  • Lượng canxi dồi dào có trong đậu bắp giúp mẹ duy trì hệ xương chắc khỏe sau sinh.

Vậy sau sinh ăn đậu bắp có bị mất sữa không? Câu trả lời là không. Hiện nay, chưa có bất kỳ báo cáo nghiên cứu nào chỉ ra việc ăn đậu bắp sau sinh gây mất sữa. Vì vậy, các mẹ hoàn toàn có thể yên tâm bổ sung đậu bắp vào khẩu phần ăn uống hàng ngày mà không lo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Tác dụng của đậu bắp đối với phụ nữ sau sinh

Các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định rằng: Sự có mặt của đậu bắp trong chế độ ăn uống hàng ngày mang đến cho phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh những lợi ích vô cùng tuyệt vời. Cụ thể:

Đậu bắp rất tốt cho hệ tiêu hóa của phụ nữ sau sinh

Hàm lượng chất xơ bao gồm chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan trong đậu bắp rất cao giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra tốt hơn. Đậu bắp giúp nuôi dưỡng các vi sinh vật có lợi trong đường ruột giúp nhuận tràng, tránh kích ứng, hạn chế các rối loạn đường tiêu hóa đồng thời ngăn ngừa táo bón và trĩ, cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa.

Giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, tiểu đường

Như đã nói ở trên, đậu bắp là thực phẩm lành tính, có tính mát và dễ hấp thu, vì thế đậu bắp rất tốt cho những người đang trong quá trình điều trị tim mạch cũng như phòng chống các bệnh tim mạch.

Hàm lượng pectin trong đậu bắp giúp giảm các cholesterol xấu (LDL cholesterol) trong máu từ đó giảm gánh nặng cho cơ tim đồng thời hỗ trợ ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như mạch vành, tăng huyết áp, suy tim…

Chất xơ và chất nhầy có trong đậu bắp còn giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, từ đó giúp ổn định đường máu trong cơ thể. Vì thế, đậu bắp cũng là thực phẩm rất tốt cho mẹ bầu bị tiểu đường cũng như giảm nguy cơ mắc tiểu đường cho mẹ bầu chưa mắc phải.

Đậu bắp giúp ngừa nguy cơ mắc ung thư

Theo thống kê của Bộ y tế, so với người bình thường thì những người vừa sinh con có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng hay ung thư tử cung cao hơn. Việc bổ sung đậu bắp vào chế độ ăn uống hàng ngày như một thần dược giúp nâng cao khả năng kháng ung thư cho cơ thể nhờ hàm lượng axit folic.

Tốt cho sức khỏe đôi mắt, hỗ trợ xương và làm đẹp da

Hàm lượng vitamin A và C có trong đậu bắp giúp giảm nguy cơ đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng, giúp mẹ sau sinh có đôi mắt khỏe mạnh.

Vitamin K và folate có trong đậu bắp giúp ngăn ngừa tình trạng mất canxi đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương cho mẹ sau sinh.

Với hàm lượng vitamin C cao, đậu bắp cũng là thực phẩm giúp phụ nữ sau sinh kích thích sản sinh collagen, trẻ hóa tế bào, ngăn ngừa lão hóa từ đó giúp cho làn da luôn khỏe đẹp và mịn màng.

Hỗ trợ giảm cân hiệu quả cho phụ nữ sau sinh

Đậu bắp chứa nhiều chất xơ do đó ăn đậu bắp mang lại cho phụ nữ sau sinh cảm giác no lâu đồng thời giảm cảm giác thèm ăn vặt.

Bên cạnh đó, đậu bắp cũng là một trong những thực phẩm chứa hàm lượng calo thấp do đó, mẹ sau sinh có thể bổ sung đậu bắp vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày mà không lo tăng cân. Đây cũng là thực phẩm lý tưởng cho phụ nữ sau sinh đang muốn giảm cân và lấy lại vóc dáng.

Lưu ý gì khi sử dụng đậu bắp?

Dưới đây là một số lưu ý mẹ sau sinh cần nắm được khi sử dụng đậu bắp:

  • Đậu bắp là loại thực phẩm có thể ăn toàn bộ, khi chế biến, bạn không cần phải gọt vỏ cũng như bỏ hạt.
  • Trước khi chế biến cần sơ chế đậu bắp thật kĩ bởi chúng có thể vẫn còn tồn tại một lượng thuốc trừ sâu hoặc phân bón gây ra ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe.
  • Khi chế biến đậu bắp, bạn không nên nấu chín quá hay nấu nhừ. Việc nấu chín kỹ có thể làm mất các chất nhầy và hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong đậu bắp.
  • Đậu bắp nhiều cách chế biến khác nhau như luộc, xào, nướng, chiên… thậm chí bạn có thể ép thành nước và sử dụng trực tiếp.
  • Theo y học cổ truyền, đậu bắp có tính hàn, do đó những người có thể trạng kém, dễ bị đau bụng thì không nên ăn quá nhiều tránh phản tác dụng.
  • Các đối tượng có bệnh lý về đường ruột hay hội chứng ruột kích thích cũng không nên sử dụng đậu bắp bởi hàm lượng fructose trong loại rau này rất cao có thể dẫn đến tình trạng đầy hơi hoặc tiêu chảy.
  • Ngoài ra, sau khi ăn đậu bắp, bạn nhận thấy những phản ứng bất thường thì cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ mẹ nhé.

Trên đây là toàn bộ thông tin mà Nhà Thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến bạn đọc về đậu bắp đồng thời giúp bạn đọc trả lời thắc mắc: Sau sinh ăn đậu bắp được không? Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về đậu bắp, tác dụng của đậu bắp cũng như một số lưu ý khi sử dụng đậu bắp. Chúc bạn đọc thật nhiều sức khỏe và đừng quên theo dõi kênh sức khỏe của Nhà Thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều bài viết bổ ích khác bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp