Phân Biệt Hạn Sử Dụng Trên Bao Bì Và Hạn Mở Nắp Mỹ Phẩm (2023)

Có một sự thật mà có thể chưa ai nói với bạn, đó là hạn sử dụng thực tế của sản phẩm không phải là thời hạn được in trên bao bì mà chính xác là thời gian sau khi bạn mở nắp sản phẩm. Vậy hạn sử dụng mở nắp là gì? Làm sao để biết chính xác hạn sử dụng sau khi mở nắp của mỗi sản phẩm là bao nhiêu? Phân biệt hạn sử dụng và hạn mở nắp mỹ phẩm? Hãy cùng GUO đi tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây nhé!

Hạn sử dụng là gì?

Ký hiệu EXP in trên bao bì sản phẩm là đại diện cho hạn sử dụng, được tính từ khoảng thời gian ngày sản xuất đến ngày cuối cùng mà sản phẩm đó có thể sử dụng. Thông thường, khoảng thời gian này sẽ kéo dài từ 2 đến 3 năm tùy theo đặc tính của từng loại sản phẩm.

Hạn sử dụng sau mở nắp là gì?

Hạn sử dụng sau mở nắp được ký hiệu là PAO, đề cập đến thời gian tối đa mà bạn có thể sử dụng sản phẩm đó sau khi đã mở nắp và để nó tiếp xúc với không khí bên ngoài. Thời gian PAO có thể khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm của từng loại mỹ phẩm. Có loại chỉ ngắn ngủi tầm 6 tháng, 12 tháng, nhưng cũng có nhiều sản phẩm lên đến 18 hoặc 24 tháng.

Tương tự thực phẩm chế biến sẵn đã được mở nắp, mỹ phẩm khi tiếp xúc với không khí một thời gian sẽ bị oxy hóa và thành phần của chúng không thể đem lại hiệu quả như ban đầu. Nhất là kem dưỡng da, các mỹ phẩm được đóng gói trong hũ đậy thường có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn, chất lượng của chúng cũng giảm nhanh hơn bởi các yếu tố tác động từ môi trường như nhiệt độ, tiếp xúc thường xuyên với ngón tay.

Tác hại của việc sử dụng mỹ phẩm quá hạn sau thời gian mở nắp

Nếu bạn sử dụng mỹ phẩm sau khi quá hạn mở nắp hoặc kể cả quá hạn chưa mở nắp thì chúng đều gây ra những hậu quả khôn lường sau:

Thành phần bên trong mỹ phẩm đã bị hư hại, vi khuẩn xâm nhập, sinh sôi nảy nở có hại cho da

Ký sinh trùng bên trong sản phẩm có thể làm da bị kích ứng, dị ứng nổi mẩn đỏ ngứa

Tùy thuộc vào vùng da mà bạn apply mỹ phẩm lên, chỗ đó có thể bị nổi mụn, nổi mẩn, ngứa rát hay nguy hiểm hơn là nhiễm trùng làm da bị tổn thương.

Những loại mỹ phẩm cho mắt như Masacra, Eyeliner có thể làm sưng vùng mắt, khiến mắt đau nhức.

Còn đối với son môi thì hậu quả là môi bạn bị sưng, khô nứt. Với phấn thì khiến da bạn nổi mụn, thâm nám, nhanh lão hóa…

Hạn sử dụng của từng loại mỹ phẩm

Hạn sử dụng của sản phẩm làm sạch: Các mỹ phẩm làm sạch có thể kể đến như nước tẩy trang, dầu tẩy trang, sữa rửa mặt thường có hạn sử dụng sau mở nắp khá lâu, khoảng 1 năm (12 tháng).

Hạn sử dụng của toner và lotion: Tương tự các sản phẩm làm sạch, toner và lotion được nghiên cứu phát huy công dụng tốt nhất trong khoảng 12 tháng. Sau khoảng thời gian này, thành phần trong toner và lotion dễ bị biến chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe làn da.

Hạn sử dụng của kem chống nắng: Trên bao bì của kem chống nắng thường in hạn sử dụng là 3 năm theo quy định của FDA. Tuy nhiên trên thực tế, thời gian tốt nhất để sử dụng của kem chống nắng sau mở nắp là 6 – 8 tháng.

Hạn sử dụng của serum: Serum cũng được coi là loại mỹ phẩm có hạn sử dụng khá lâu khoảng 12 tháng. Tuy nhiên, đối với serum chứa hoạt chất treatment như retinol, AHA, BHA thì được khuyến cáo dùng tối đa trong vòng 6 tháng sau khi mở nắp. Riêng với serum Vitamin C dạng LAA thường chỉ đến tháng thứ 3 là bắt đầu có dấu hiệu bị oxy hóa.

Hạn sử dụng phấn phủ: Các loại mỹ phẩm dạng bột nói chung như phấn phủ, phấn má sau khi mở nắp có thể dùng đến 2 năm liền. Nhưng để đảm bảo phấn giữ được kết cấu lâu hơn mà không bị nhiễm khuẩn, bạn đừng quên vệ sinh miếng mút tán phấn và cọ trang điểm sạch sẽ thường xuyên nhé.

Hạn sử dụng của kem nền: Cũng là mỹ phẩm trang điểm, nhưng kem nền ở dạng lỏng chỉ có thể dùng trong vòng 6 – 12 tháng sau khi mở nắp. Đặc biệt cẩn thận không để ngón tay của bạn chạm vào miệng bao bì để tránh vi khuẩn từ đầu ngón tay xâm nhập vào. Tốt hơn hết, bạn nên có dụng cụ trang điểm riêng như bông mút để lấy sản phẩm một cách vệ sinh hơn.

Hạn sử dụng của eyeliner, mascara, chì kẻ mày: Tương tự phấn mắt, các sản phẩm make up dùng cho vùng da nhạy cảm như mắt hay môi thì sau 6 tháng kể từ khi mở nắp bạn nên thay mới. Đừng tiếc tiền cho những khoản chi này vì chúng là cần thiết để đảm bảo mắt bạn được an toàn, không bị nhiễm khuẩn.

Hạn sử dụng của son môi: Son môi là “vị cứu tinh” của chị em phụ nữ khi có thể hô biến từ nhợt nhạt, thiếu sức sống trở nên tươi tắn, rạng rỡ. Vì thế mà son môi trên thị trường rất đa dạng về chủng loại, trong đó chì kẻ môi và son thỏi có thời gian sử dụng ngắn hơn so với son kem và son tint. Trung bình mỗi cây son sau khi bóc tem thì được khuyên dùng trong vòng 1 năm. Tình trạng son chưa hết hạn nhưng lại bị chảy nước, khô hay vón cục thì bạn cũng nên vứt đi, tránh để son ở nơi có nhiệt độ quá cao hoặc quá lạnh.

Hạn sử dụng của màu má dạng kem hoặc sáp trang điểm dạng thỏi: Cả 2 loại mỹ phẩm này đều có thể dùng trong khoảng 12 – 18 tháng. Sau mỗi lần sử dụng, bạn cần đóng nắp cẩn thận và bảo quản ở nơi thoáng mát.

Cách kiểm tra hạn sử dụng sau mở nắp

Qua thông số trên bao bì

✔ EXP – Expiration Date (Ngày hết hạn sử dụng): Với sản phẩm mỹ phẩm có hạn sử dụng dưới 30 tháng, thông tin về hạn sử dụng thường được ghi trước ngày hết hạn, ký hiệu bằng cụm từ EXP, Use by (dùng trước) hoặc Best by (Tốt nhất dùng trước).

✔ MFG – Manufacturing Date (Ngày sản xuất): Thường được in trên dòng EXP để ám chỉ ngày sản xuất sản phẩm này. Nếu không tìm thấy ngày sản xuất trên bào bì thì bạn có thể tra cứu thông tin sản phẩm thông qua Batch Code (Mã lô) trên sản phẩm.

✔ PAO – Period After Opening (Thời hạn sau khi mở nắp): Ở một số sản phẩm, bạn không tìm thấy ngày sản xuất hay ngày hết hạn mà chỉ thấy ký hiệu hình tròn mở nắp và chữ 3M, 6M, 12M,… Đó có nghĩa là thời gian mà bạn được dùng sản phẩm sau khi mở nắp, “M” là viết tắt của Month (tháng).

Qua web trên internet

Hiện nay, có rất nhiều website, ứng dụng cho phép bạn kiểm tra thông tin sản phẩm bao gồm hạn sử dụng, thành phần, công dụng, hàng chính hãng… Một website được đánh giá cao trong thị trường mỹ phẩm là Checkcosmetic. Bạn chỉ cần nhấn vào website và lấy thông tin bên góc trái sản phẩm để đăng nhập vào. Gõ tên thương hiệu và “Batch Code” trên bao bì sản phẩm, sau đó bạn nhấn “Enter” thì sẽ hiển thị đầy đủ ngày sản xuất của lô hàng đó và hạn sử dụng còn lại của mỹ phẩm.

Trường hợp bạn không thể tìm thấy thông tin sản phẩm trên Checkcosmetic thì bạn có thể liên hệ cho nhãn hàng và cung cấp thông tin có được trên mỹ phẩm để bên nhãn hàng kiểm tra và phản hồi chính xác cho bạn.

Cách nhận biết mỹ phẩm đã hết hạn sử dụng

Màu sắc của mỹ phẩm thay đổi: Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy mỹ phẩm đã hết hạn. Bởi lúc này, mỹ phẩm đã bị oxy hóa, có vi khuẩn xâm nhập và phát triển nên tốt hơn hết bạn phải vứt chúng đi.

Kết cấu mỹ phẩm không giống ban đầu: Khô, chảy nước, đặc quánh đều là những tín hiệu cho thấy kết cấu sản phẩm đã bị thay đổi và đến lúc bạn không nên sử dụng chúng nữa.

Mỹ phẩm bị vón cục: Các loại mỹ phẩm dạng lỏng đột nhiên có hiện tượng lợn cợn hay vón cục thì đó là vì vi khuẩn đã bắt đầu phát triển. Đừng cố chấp sử dụng chúng nếu không muốn hậu quả khó lường cho sức khỏe làn da của bạn.

Tổng kết

Trên đây là những chia sẻ về cách phân biệt hạn sử dụng trên bao bì và hạn sử dụng mỹ phẩm sau khi mở nắp. Bên cạnh các trường hợp mua nhầm hàng giả, hàng nhái kém chất lượng khiến da bị tổn thương thì sử dụng mỹ phẩm quá hạn sử dụng cũng gây nên không ít hậu quả cho làn da, nghiêm trọng hơn là sức khỏe của cơ thể. Hy vọng những thông tin mà GUO mang đến sẽ thật hữu ích với bạn. Chúc bạn sớm sở hữu làn da khỏe đẹp, không tì vết!