Một tháng, người lao động được nghỉ ốm tối đa bao nhiêu ngày? – Tổng liên đoàn lao động Việt Nam

Bạn đọc Ngọc Linh (Nghệ An) hỏi: Hiện nay, pháp luật có giới hạn thời gian nghỉ ốm trong một tháng không? Tôi sẽ được nghỉ ốm tối đa bao nhiêu ngày trong một tháng?

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa – Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết:

Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hiện chỉ quy định về thời gian nghỉ chế độ ốm đau tối đa trong 01 năm của người lao động với số ngày từ 30 đến 70 ngày làm việc/năm. Riêng trường hợp mắc bệnh cần điều trị ốm đau dài ngày thì được có thể nghỉ dài hơn rất nhiều, thậm chí thời gian nghỉ ốm có thể bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Pháp luật hiện không giới hạn thời gian nghỉ ốm trong 01 tháng nhưng người lao động có thể xin nghỉ ốm cả tháng, miễn sao đảm bảo tổng thời gian nghỉ ốm trong năm không vượt quá số ngày sau đây:

– Người lao động ốm đau không thuộc bệnh điều trị dài ngày:

Nếu làm việc trong điều kiện bình thường thì được nghỉ tối đa: 30 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm dưới 15 năm, 40 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm, 60 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm từ đủ 30 năm trở lên.

Nếu làm nghề/công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 thì được nghỉ tối đa: 40 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm dưới 15 năm, 50 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm, 70 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm từ đủ 30 năm trở lên.

– Người lao động mắc bệnh cần điều trị dài ngày:

Được nghỉ tối đa 180 ngày (bao gồm cả ngày lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần).

Hết thời hạn 180 ngày mà vẫn cần phải điều trị thì được nghỉ tiếp với thời gian tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

https://laodong.vn/ban-doc/mot-thang-nguoi-lao-dong-duoc-nghi-om-toi-da-bao-nhieu-ngay-1248174.ldo

LƯƠNG HẠNH (báo lao động)