Pháp luật quy định như thế nào về sử dụng súng hơi?

Súng hơi trên thực tế ở Việt Nam được một số bộ phận cá nhân sử dụng phục vụ mục đích săn bắn thú rừng. Súng hơi được chế tạo thủ công hoặc công nghiệp. Theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì súng hơi được ghi nhận là một trong các loại súng săn và mang tính chất của vũ khí nói chung, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất. Vậy pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về việc sử dụng súng hơi. Bài viết dưới đây, NPLaw làm rõ hơn về vấn đề liên quan đến lĩnh vực này nhé.

I. Quy định sử dụng súng hơi

Theo quy định tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ như sau:

  • Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
  • Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ.
  • Mang trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
  • Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
  • Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ được giao.
  • Giao vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.
  • Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ; trừ trường hợp trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê vũ khí thô sơ để làm hiện vật trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
  • Vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
  • Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.
  • Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
  • Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ dưới mọi hình thức.
  • Che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mang, mua bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.
  • Đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
  • Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; không báo cáo, báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

su dung sung hoi phat nhu the nao 1

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, pháp luật Việt Nam không cho phép sử dụng súng hơi, và việc sử dụng súng hơi mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền là trái với quy định pháp luật.

II. Điều kiện sử dụng súng hơi

Khoản 1 và khoản 3 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 nêu rõ: Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất. Vũ khí bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự. Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này.

Như vậy, nếu cá nhân sử dụng súng hơi nhằm phục vụ cho các mục đích cá nhân là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nếu bị phát hiện.

xu phat min

Về điều kiện được sử dụng súng hơi: Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định người được giao sử dụng súng hơi phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe phù hợp với công việc được giao;
  • Không đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã được xóa án tích trong trường hợp bị kết tội theo bản án, quyết định của Tòa án;
  • Đã qua đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

III. Xử phạt hành vi sử dụng súng hơi trái phép

Căn cứ Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi sử dụng súng hơi trái phép như sau:

  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đối với hành vi Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;
  • Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng súng hơi trái phép theo quy định tại khoản 7 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP;

sung hoi min

– Trường hợp không may bị “đạn lạc” làm chết người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người, theo Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Khung hình phạt thấp nhất của tội này là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; trường hợp phạm tội làm chết hai người trở lên thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

IV. Các câu hỏi thường gặp về sử dụng súng hơi

1. Sử dụng súng hơi bắn đạn cao su có phải là công cụ hỗ trợ không?

Theo quy định tại điểm a khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 thì súng hơi được xác định là một loại công cụ hỗ trợ. Việc trang bị và sử dụng súng hơi phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Trường hợp cho người khác mượn súng hơi có bị cấm hay không?

Theo quy định tại khoản 7 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ như sau: “Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ; trừ trường hợp trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê vũ khí thô sơ để làm hiện vật trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.”

Như vậy, hành vi cho người khác mượn súng hơi là hành vi bị cấm.

3. Tàng trữ súng hơi có được không? Bị phạt như thế nào?

Theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, vì súng săn có bao gồm cả súng hơi nên người có hành vi tàng trữ súng hơi sẽ bị phạt hành chính từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.

Trên đây là những thông tin cơ bản về quy định về sử dụng súng hơi tại Việt Nam. Nếu cảm thấy những thông tin trên vẫn còn gây khó khăn vướng mắc cho bạn, hãy liên hệ với chúng tôi. NPLaw luôn cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất về pháp luật. NPLaw không chỉ tư vấn trong lĩnh vực hình sự, hành chính mà còn nhiều dịch vụ khác. Đồng thời NPLaw cũng giúp đỡ khách hàng chuẩn bị những hồ sơ, tài liệu khi khách hàng khởi kiện và tham gia tranh tụng tại phiên tòa nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi được ủy quyền. NPLaw nỗ lực trở thành đôi cánh đồng hành cùng sự thành công của khách hàng. Sự tin tưởng hôm nay của khách hàng sẽ là nền tảng giúp NPLaw phát triển hơn trong tương lai.

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ – HÃNG LUẬT NPLAW

Hotline: 0913 41 99 96 – 0866 774 077

Email: legal@nplaw.vn