Hành trang lớn nhất Người mang theo là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc và đôi bàn tay lao động với quyết tâm tìm ra chân lý để trở về cứu dân, cứu nước khỏi kiếp đọa đày, nô lệ. Tuy nhiên, với vốn tri thức phong phú và những kinh nghiệm quý báu có được trong gần 10 năm bôn ba, hòa mình vào cuộc sống của các tầng lớp nhân dân lao động ở khoảng 30 quốc gia trên thế giới; cộng với tư duy sắc sảo, nhãn quan chính trị nhạy bén, Người đã bắt gặp và đến được với Chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ nghĩa Cộng sản và trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đây là bước ngoặt chính trị vĩ đại đánh dấu sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của Nguyễn Ái Quốc về con đường cứu nước, vạch ra hướng đi đúng đắn cho cách mạng Việt Nam-đó là: cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trước Nguyễn Tất Thành đã có những người Việt Nam xuất dương cứu nước. Chỗ khác nhau cơ bản không phải ở hành động xuất dương, mà trước hết ở mục đích của nó. Những chuyến đi của Tôn Thất Thuyết, của những nhân vật trong phong trào Đông Du chủ yếu để tìm ngoại viện. Nguyễn Tất Thành xác định mục tiêu xuất dương hoàn toàn khác: “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Rõ ràng, trước lúc ra đi, Người đã nhận thức một cách rõ ràng, cái mà dân tộc cần trước tiên chưa phải là súng đạn, của cải mà là cách đuổi giặc cứu nước, là làm cách mạng, hay nói cách khác là lý luận cách mạng và phương pháp cách mạng.
Bạn đang xem: Nguyễn Ái Quốc-Hành trình từ một người yêu nước thành người cộng sản
Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành với chân phụ bếp trên chiếc tàu Latouche Treville đã rời cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước
Với những chuyến đi, những cuộc khảo nghiệm trong 10 năm ròng (1911-1920), bàn chân của Người đã từng in dấu trên 3 đại dương, 4 châu lục (Âu, Á, Phi, Mỹ) và khoảng 3 chục quốc gia. Đặc biệt, Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 3 đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp. Đâu đâu Người cũng chịu đựng mọi gian khổ, hòa mình vào cuộc sống của những người lao động, sẵn sàng làm mọi nghề như nấu bếp, làm vườn, vẽ thuê… không chỉ để kiếm sống mà là để trải nghiệm, thấu hiểu hơn về cuộc sống của người dân lao động trên khắp thế giới. Từ đó, chủ nghĩa yêu nước ở Người có những chuyển biến mới. Sự đồng cảm với đồng bào mình đã được nâng lên thành đồng cảm với nhân dân lao động các dân tộc cùng cảnh ngộ. Và cũng qua đó, sự nhận biết diện mạo của kẻ thù trở nên sâu sắc hơn, khái quát hơn không chỉ đối với thực dân Pháp mà cả chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc nói chung. Trên cơ sở đó, Người rút ra một kết luận có tính chất nền tảng đầu tiên: Ở đâu bọn đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu những người lao động cũng bị bóc lột, áp bức nặng nề và “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”. Những nhận biết căn bản đó càng giục giã Người quyết tâm tìm con đường giải phóng dân tộc mà Người đã ấp ủ từ ngày rời Tổ quốc.
Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất kết thúc. Thành phố Paris hoa lệ sống trong bầu không khí sôi động với những cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân Pháp và sự chuyển mình của những người cánh tả trong Đảng Xã hội Pháp theo đường lối Quốc tế Cộng sản của V.I.Lênin. Nguyễn Tất Thành vừa bước đến Paris đã lao ngay vào hoạt động chính trị. Người cùng với Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh-những người đã trao đổi thư từ khi còn ở nước Anh lập ra Hội những người Việt Nam yêu nước, nhằm đưa phong trào yêu nước của Việt kiều ở Pháp đi theo một hướng tích cực.
Đầu năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Ngày 18-6-1919, lấy tên Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam ở Pháp, Người đã gửi tới hội nghị Véc-xây bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Cùng ngày, bản yêu sách đó xuất hiện trên tờ báo Nhân đạo-Cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp, dưới nhan đề: Quyền của các dân tộc. Bản Yêu sách còn được Nguyễn Ái Quốc dịch ra chữ Hán và chuyển thành một bài diễn ca tiếng quốc ngữ. Nó được in dưới dạng truyền đơn gửi tới các tòa báo, phân phát trong các mít tinh, cuộc họp ở nhiều tỉnh nước Pháp và bí mật gửi về Việt Nam qua con đường thủy thủ và khách về nước.
Xem thêm : Những sai lầm khi ăn nấm kim châm có thể khiến bạn bị ngộ độc
Với bản yêu sách đó, Nguyễn Ái Quốc đã gây tiếng vang lớn ở Pháp mà còn dội mạnh về nước, tạo nên bước chuyển mới trong phong trào giải phóng dân tộc. Thực dân Pháp đã đi từ kinh ngạc đến lồng lộn hò hét, cuối cùng ra lệnh điều tra tung tích Nguyễn Ái Quốc và lập cơ quan chuyên trách theo dõi những hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và Việt kiều yêu nước để áp dụng những biện pháp ngăn chặn.
Báo L’Humanité (Nhân đạo) số ra ngày 16 và 17-7-1920 đã đăng toàn văn Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin dưới tiêu đề chạy suốt trang đầu. Bản Luận cương đã ngay lập tức thu hút sự chú ý đặc biệt của Nguyễn Ái Quốc. Người đã đọc đi, đọc lại nhiều lần và qua lăng kính chủ nghĩa yêu nước chân chính Người tìm thấy ở đó con đường đi đúng đắn giải phóng dân tộc và đất nước khỏi ách thực dân. Từ đó, Người hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba.
Đại hội lần thứ Nhất các dân tộc phương Đông nhằm phổ cập các nghị quyết của Đại hội II Quốc tế Cộng sản và tư tưởng đoàn kết phương Tây vô sản và phương Đông bị áp bức vào tháng 8 và tháng 9-1920. Tư tưởng đó được thể hiện rõ trong khẩu hiệu lần đầu tiên trong Đại hội: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại. Biên bản của Đại hội đã thu hút sự chú ý của tất cả những ai quan tâm đến phương Đông, trong đó có Nguyễn Ái Quốc. Có thể nói, sau Luận cương, những sự kiện chính trị trên đã góp phần củng cố thêm niềm tin vững chắc vào Lênin, vào Quốc tế Cộng sản, củng cố thêm lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc.
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua, tháng 12-1920. Ảnh: Tư liệu
Tháng 12-1920, tại Đại hội Tua, bằng quyết định sáng suốt về mặt tổ chức là bỏ phiếu ủng hộ Quốc tế Cộng sản, Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành Người Cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đây là sự kiện đánh dấu bước chuyển căn bản về nhận thức tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc theo đường lối của Quốc tế Cộng sản, theo lập trường vô sản, nó có ý nghĩa to lớn: Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới hiện đại, một đại diện của giai cấp công nhân và dân tộc thuộc địa tham gia sáng lập Đảng tiên phong của giai cấp công nhân ở một nước đế quốc lớn đang áp bức dân tộc mình. Điều đó có nghĩa là thông qua Nguyễn Ái Quốc, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam đã bắt tay với giai cấp công nhân Pháp hợp thành một mặt trận đánh đổ kẻ thù chung là chủ nghĩa tư bản Pháp. Sự kiện đó còn mang một ý nghĩa tượng trưng cho xu thế cách mạng thế giới-tính đoàn kết chiến đấu giữa giai cấp vô sản và dân tộc bị áp bức trên thế giới theo khẩu hiệu chiến lược của Quốc tế Cộng sản.
Lịch sử cho thấy, có nhiều con đường đến với Chủ nghĩa Cộng sản, trở thành người Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc trở thành người Cộng sản theo con đường riêng của mình. Từ một người dân thuộc địa trong hoàn cảnh phong trào công nhân chưa phát triển, ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin chưa rọi tới, nhưng xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, Người đã vượt qua muôn vàn khó khăn, trở ngại để tìm hiểu, khảo nghiệm cuộc sống của các dân tộc trên thế giới và trực tiếp tham gia phong trào công nhân của chính quốc là một nước công nghiệp phát triển, rồi tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin và trở thành người cộng sản. Tiêu chuẩn cao nhất cho sự lựa chọn và định hướng của Người là kiên quyết đứng về phía học thuyết và tổ chức cách mạng nào thực sự quan tâm đến cuộc sống và quyền lợi của các dân tộc bị áp bức, bênh vực, ủng hộ và chỉ ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc. Tiêu chuẩn hết sức thiết thực đó của một thanh niên yêu nước của một nước thuộc địa lại phù hợp với chân lý của thời đại khi mà cách mạng giải phóng dân tộc đã trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới. Đây chính là điểm gặp gỡ có ý nghĩa then chốt giữa con người Nguyễn Ái Quốc, dân tộc Việt Nam với Chủ nghĩa Cộng sản, với thời đại Lênin.
Xem thêm : Tại sao khi quan hệ lại buồn đi đại tiện
Việc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc -Từ chủ nghĩa yêu nước đến Chủ nghĩa Cộng sản. Đây cũng là sự khởi đầu một bước ngoặt căn bản trong lịch sử và sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Thực hiện bước ngoặt đó, Người đã hoàn tất chặng đường đầu của hành trình cứu nước, đã tìm ra chân lý của thời đại và bắt đầu cuộc đấu tranh đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta vào quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới bằng việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về nước, chuẩn bị dần dần, từng bước về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời một Đảng mác-xít ở Việt Nam, nhân tố cơ bản, đầu tiên đảm bảo mọi thắng lợi của cách mạng nước ta.
–
Tài liệu tham khảo:
– Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb Chính trị quốc gia.
– Ana Louise Strong: Ba lần nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân ngày 18-5-1965.
– Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp