Tóm tắt: Chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đã rơi vào khủng hoảng và sụp đổ vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Bài viết tập trung phân tích những luận điệu xuyên tạc Chủ nghĩa Mác – Lênin về triển vọng đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân loại. Qua đó đưa ra những minh chứng từ thành công của công cuộc cải cách, đổi mới của Trung Quốc và Việt Nam, sự hồi phục của các Đảng Cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, đang cho thấy nhân loại vẫn tiếp tục quá độ lên chủ nghĩa xã hội với những nhận thức mới được bổ sung từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.
Từ khóa: chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác- Lênin, chủ nghĩa tư bản
1.Đặt vấn đề
Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu đã từng bước rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Kể từ sau sự kiện gây chấn động lịch sử toàn thế giới đó đến nay đã hơn 30 năm, các thế lực thù địch vẫn ra sức tìm mọi cách để lợi dụng xuyên tạc, công kích và phủ nhận Chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung và lý luận về chủ nghĩa xã hội nói riêng. Đảng ta xác định việc đấu tranh phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điểm xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin của các thế lực thù địch là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên. Một trong các yêu cầu tiên quyết đặt ra là toàn bộ hệ thống chính trị cần tiếp tục nâng cao nhận thức xây dựng thế chủ động, kịp thời đấu tranh phản bác một cách thuyết phục trên cả chiều rộng và chiều sâu.
2. Nội dung
2.1. Nhận diện những quan điểm sai trái phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH)
Sau khi CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ các thế lực thù địch cho rằng đó là một tất yếu lịch sử vì nó bắt nguồn từ “sự lạc hậu, lỗi thời của bản thân chủ nghĩa Mác – Lênin”; và bởi “chủ nghĩa xã hội mà C.Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, không bao giờ hiện thực được”[1]. Họ cho rằng chủ nghĩa xã hội khoa học mà các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác xây dựng chỉ là một học thuyết “viễn vông”, “ảo tưởng” nên áp dụng vào thực tiễn chỉ có thế sinh ra những “quái thai của lịch sử”[2]… Những luận điệu đó được tung ra khắp nơi trên thế giới với các hình thức, diễn đàn khác nhau nhằm phủ nhận bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Xuất phát từ lập luận đó, họ cho rằng hiện nay “Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế, mà còn về tinh thần. Không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa” [3], “con đường xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang đi là trái với quá trình lịch sử – tự nhiên”[4]. Cũng từ đây, ở một số nước phương Tây đã hình thành những trào lưu chống Mác. Ngay từ thập niên 90 của thế kỷ XX đã bùng nổ các bài viết, các công trình phê phán chủ nghĩa Mác – Lênin, bác bỏ từng phần hay toàn bộ học thuyết này. Sự chống phá chủ nghĩa Mác nói chung và con đường đi lên CNXH nói riêng thể hiện qua một số nội dung sau:
Thứ nhất, cho rằng học thuyết hình thái kinh tế – xã hội chỉ là một lý thuyết về CNXH không tưởng, không bao giờ thực hiện được, nó chưa được chứng thực, nếu có thì chỉ mới có sự chứng thực của sự thất bại và đổ vỡ.Thứ hai, không thể làm trái quy luật bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa mà phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng, giải quyết vấn đề xã hội phải làm theo chủ nghĩa xã hội dân chủ
Thứ ba, đường lối phát triển kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa là chắp vá, không tưởng và CNXH không thể hòa nhập được.
Xem thêm : Ho Ăn Thịt Bò Được Không
Từ đó, các thế lực thù địch, phản động đòi Đảng ta, nhân dân ta phải từ bỏ mục tiêu, con đường đã chọn và đi theo con đường khác. Để biện minh cho những luận điệu nói trên, họ thường tạo dựng, xuyên tạc bản chất, nền tảng tư tưởng của Đảng; thông tin sai sự thật, bóp méo tình hình đất nước. Nhiều phần tử cơ hội chính trị cũng xuyên tạc về mô hình phát triển của Việt Nam. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách vịn vào tình trạng tham nhũng, lãng phí, vi phạm kỷ luật, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên rồi phủ nhận bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam… Thực chất, cái đích mà các thế lực thù địch, phản động hướng đến là làm cho quần chúng nhân dân hoài nghi, bi quan, dao động, suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; mất niềm tin vào con đường đi lên CNXH mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Từng bước xóa bỏ con đường đi lên CNXH, làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa và đưa Việt Nam đi theo con đường khác – con đường tư bản chủ nghĩa.
2.2. Tiếp tục khẳng định tính khoa học, tính cách mạng của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội và triển vọng của CNXH hiện nay
Chúng ta không thể phủ nhận một hiện thực là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu là một bước lùi của lịch sử phong trào cộng sản và công nhân toàn thế giới. Đó cũng là một tổn thất to lớn cho phong trào đấu tranh vì những mục tiêu cao cả: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của con người. Tuy nhiên, sự sụp đổ đó không phải là sự “cáo chung” của chủ nghĩa Mác nói chung và học thuyết hình thái kinh tế – xã hội nói riêng. Nó cũng không phải là do chủ nghĩa Mác – Lênin đã lạc hậu, lỗi thời mà đó thực sự là do đã hiểu sai, vận dụng sai những quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bản chất chủ nghĩa Mác là cách mạng và khoa học. Do đó đòi hỏi việc nhận thức, vận dụng và phát triển vừa phải đứng vững trên lập trường cách mạng, lập trường của giai cấp công nhân, vừa phải thực hiện với một tinh thần và phương pháp khoa học nghiêm túc, đúng đắn.
Một là, trong tình hình hiện nay, chính từ các quốc gia tư bản Phương Tây, bên cạnh những quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác thì cũng có nhiều học giả tư sản như Jacques Derida, Terry Ingelton, Didier Eribon,v.v.. vẫn thừa nhận chủ nghĩa Mác, đề cao C.Mác và kêu gọi nhân loại hãy “trở về với Mác”. Đặc biệt, ở những thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 và 2009, trong khủng hoảng nợ công và suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia tư bản phát triển, phong trào “trở về với C.Mác”, tìm đọc C.Mác lại trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Những tác phẩm kinh điển của C.Mác và V.I.Lênin vẫn được tìm đọc nhiều nhất, đặc biệt là bộ “Tư bản” của C.Mác vẫn xếp số 1 trên thế giới và được dịch ra 134 ngôn ngữ ở 63 nước[5]. Điều này đã góp phần khẳng định, chủ nghĩa Mác – Lênin không phải là một học thuyết “ảo tưởng”, “lỗi thời. lạc hậu”. Chính học thuyết này đã tạo nên những hiện thực làm biến đổi thế giới, thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của lịch sử loài người, có sức lôi cuốn và tầm ảnh hưởng sâu rộng toàn nhân loại.
Hai là, trong bối cảnh mới có nhiều thay đổi hiện nay, để bảo vệ tính khoa học và tính cách mạng của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội, chúng ta không chỉ cần phải khẳng định những chân giá trị trong quan điểm của triết học Mác – Lênin mà còn cần phải bổ sung, phát triển những quan điểm đó thêm sức sống mới của thời đại. Thông qua cải cách, đổi mới, đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, như: Mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc gắn với cách mạng, mở cửa; mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, gắn với đổi mới, hội nhập; mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Cuba; mô hình chủ nghĩa xã hội ở Lào… Sự xuất hiện các mô hình chủ nghĩa xã hội và những biện pháp mới thời kỳ cải cách, đổi mới vừa khẳng định sức sống của chủ nghĩa xã hội, vừa là thành tựu lý luận quan trọng bậc nhất của CNXH hiện thực hiện nay. Qua đó, đã góp phần khẳng định triển vọng chủ nghĩa xã hội hiện thực từ sự thành công của công cuộc cải cách, đổi mới mà các nước đang tiến hành. Có thể chỉ ra những điểm tương đồng của các mô hình chủ nghĩa xã hội sau đây:
Thứ nhất, các nước kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa đều tiến hành cải cách, đổi mới. Điểm nổi bật là nhận thức về mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước đều bám sát hơn vào thực tiễn và việc vận dụng lý luận đúng đắn và ngày càng sáng tạo phù hợp. Hướng và nội dung điều chỉnh là từ đặc điểm của quốc gia và xây dựng mô hình phản ánh những nguyên lý chung của chủ nghĩa xã hội khoa học và mang những đặc thù của dân tộc và thời đại. Độc lập, tự do, công bằng, dân chủ và phát triển là những giá trị lớn được phản ánh trong các mô hình này.
Thứ hai, quá trình cải cách, đổi mới của các nước đều bắt đầu từ sự điều chỉnh quan niệm về chủ nghĩa xã hội. Tất cả các nước đều điều chỉnh mô hình của mình theo nội hàm: chủ nghĩa xã hội trước hết là phát triển sản xuất. Mệnh lệnh thực tiễn ấy xuất phát từ quy luật kinh tế cơ bản của các hình thái kinh tế xã hội mà Mác đã vạch ra; hơn nữa “làm tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất lên” [6] không chỉ là nhiệm vụ hàng đầu của giai cấp công nhân khi nắm chính quyền mà còn là cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội ở những nước đang phát triển. Phải phát triển sản xuất mạnh mẽ để từ đó đạt được công bằng, bình đẳng thực chất chứ không phải bình quân trong thiếu thốn. Đó là một nhận thức khoa học.
Thứ ba, hầu hết các nước đều coi lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học là nền tảng lý luận cho quá trình đổi mới quan niệm về mô hình chủ nghĩa xã hội, khẳng định: Đảng Cộng sản cầm quyền, nhất nguyên chính trị; công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu, thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ thể – chủ đạo; phân phối theo lao động là nguyên tắc chủ yếu kết hợp với phân phối theo kết quả sản xuất, kinh doanh, vốn góp và phúc lợi xã hội… Hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, hệ giá trị xã hội chủ nghĩa được thừa nhận là hệ giá trị chủ đạo của xã hội, công tác giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin trong xã hội được đẩy mạnh…
Thứ tư, các mô hình đều mang dấu ấn từ “mảnh đất hiện thực” và chấp nhận sự khác biệt trong quan niệm về chủ nghĩa xã hội. Có sự khác biệt trong các mô hình chủ nghĩa xã hội thời kỳ đổi mới, nhưng đó là sự phản ánh tính chất sinh động, sáng tạo trong việc vận dụng lý luận vào mỗi “mảnh đất hiện thực” của từng quốc gia. Tên gọi của mô hình mới cũng phản ánh một phần vấn đề này, chẳng hạn: chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chủ nghĩa xã hội ở Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào, “cập nhật hóa mô hình kinh tế xã hội” ở Cuba… Có một điểm chung là đều chấp nhận sự khác biệt trong quan niệm về mô hình theo tinh thần “cầu đồng, tồn dị” (hướng tới cái tương đồng, chấp nhận những khác biệt). Tinh thần dân chủ, bình đẳng giữa các đảng, quan điểm không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau có thể là nguyên nhân của thái độ này.
Thứ năm, đa số mô hình mới qua thể nghiệm đã được thực tiễn xác nhận đạt được thành công nhất định. Mô hình mới của chủ nghĩa xã hội trải qua đã vài thập niên (Trung Quốc hơn 40 năm; Việt Nam, Lào hơn 30 năm) và đã giúp chủ nghĩa xã hội hiện thực vượt qua tình trạng trì trệ, khủng hoảng về kinh tế – xã hội, giữ vững chế độ chính trị, phát triển mạnh mẽ và hội nhập tích cực, chủ động với thế giới. Thực tiễn đó xác nhận tính đúng đắn và khả năng cải cách, đổi mới nhận thức về mô hình chủ nghĩa xã hội của các nước.
Ba là, tính tất yếu đi lên CNXH đã được C.Mác khẳng định qua học thuyết hình thái kinh tế – xã hội, đây chính là một quá trình lịch sử tự nhiên. Đó chính là tính tất yếu của sự thay thế hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa bằng hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa. Thực tiễn đã chứng minh, trong thời đại ngày nay chủ nghĩa tư bản có vai trò to lớn đối với lịch sử phát triển của nhân loại. Trong mấy thập kỷ qua, do biết “tự điều chỉnh và thích ứng” đồng thời sử dụng triệt để những thành tựu của cách mạng khoa học và công nghệ, các nước tư bản chủ nghĩa đã vượt qua một số cuộc khủng hoảng và vẫn còn khả năng phát triển. Nhưng đó không phải là chế độ xã hội tương lai của nhân loại bởi bản chất bóc lột, phản dân chủ, vô nhân đạo của chủ nghĩa tư bản không thay đổi. Chính phương thức sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa gây ra những ung nhọt không thể chữa khỏi. Trên thế giới ngày nay vẫn có đến 1,2 tỷ người phải tiếp tục chịu nghèo đói, tật bệnh, mù chữ, chiến tranh, hưởng mức thu nhập dưới lUSD/ngày; 2,5 tỳ người nghèo có tổng thu nhập chỉ bằng thu nhập của 250 tỷ phú, triệu phú lớn nhất thế giới gộp lại; 1/3 lực lượng lao động toàn thế giới, tức là khoảng 1 tỷ người bị thất nghiệp ở các mức khác nhau: tại hơn 100 nước đang hoặc kém phát triển, mức thu nhập bình quân đầu người giảm đi so với thập niên trước, hàng ngày có đến 30.000 trẻ em chết bệnh mà lẽ ra có thể được cứu sống, số người lớn mù chữ lên đến hơn 800 triệu người. Và hôm nay, chúng ta lại chứng kiến cuộc khủng hoảng nhiều mặt, cả về y tế, xã hội lẫn chính trị, kinh tế đang diễn ra dưới tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vì vậy, nhân loại cần hướng đến một chế độ xã hội mới, tiến bộ hơn, bình đẳng hơn chế độ tư bản chủ nghĩa. Qua đó, càng khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội và triển vọng của CNXH đối với nhân loại ngày nay. Chính vì những lý do như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội” [7].
Thật vậy, trong quá trình vận động đi lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta hiện nay có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Trên phạm vi quốc gia, chúng ta bỏ qua việc xác lập vị trí chi phối của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, chúng ta đã lựa chọn bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa thực chất là việc bỏ qua sự xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, đồng thời bỏ qua việc tước đoạt ruộng đất và tư liệu sản xuất của người lao động, bỏ qua việc tạo dựng giai cấp thống trị, bóc lột người lao động, và đương nhiên tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa. Trải qua hơn 3 thập niên đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Không ít quốc gia xem Việt Nam là tấm gương trong phát triển, xóa đói, giảm nghèo. Chính trong hơn 30 năm đổi mới Đảng ta đã rút ra những bài học kinh nghiệm, trở thành phương châm hành động nhằm tận dụng tốt các cơ hội, vượt qua các thách thức trong bước đường phát triển tiếp theo. Và cũng chính trong thực tiễn cách mạng, đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam ngày càng được tôi luyện. Đó chính là một trong những điều kiện nội tại bảo đảm cho sự quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta. Qua đó, cho thấy triển vọng của chủ nghĩa xã hội bắt nguồn từ bản chất tốt đẹp của chính chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Xét đến cùng, chủ nghĩa xã hội hướng đến mục tiêu giải phóng con người thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công, nghèo nàn, lạc hậu, điều này phù hợp với mong ước, nguyện vọng của đại đa số nhân dân lao động.
3. Kết vấn đề
Lý luận về chủ nghĩa xã hội là một nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Ngày nay, thực tiễn lịch sử và kiến thức về lịch sử nhân loại đã có nhiều bổ sung và phát triển mới so với khi lý luận chủ nghĩa xã hội ra đời. Tuy vậy, những cơ sở khoa học mà quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã đem đến cho khoa học xã hội thì vẫn giữ nguyên giá trị. Thành tựu thực tiễn là thước đo của nhận thức lý luận chủ nghĩa xã hội sinh động, sáng tạo là thành tựu lớn nhất của cải cách, đổi mới. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu khách quan tất yếu theo nhu cầu tự thân của loài người vươn tới công bằng, văn minh, thiện mỹ./.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2007), Phê phán bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia (CTQG), Hà Nội.
2. C.Mác – Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, tập 4.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội.
4. Xem: Nguyễn Chí Dũng (2008), “Học thuyết Mác về hình thái kinh tế – xã hội và cuộc thử nghiệm trong thế kỷ XX”, Tạp chí Triết học, số 1.
5. TS Lê Thị Chiên (2019), Vấn đề bảo vệ học thuyết hình thái kinh tế – xã hội, Bản tin Triết học và đời sống, Hà Nội.
6. Xem: Nguyễn Xuân Thắng ((2014), Phê phán quan điểm: “Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác – Lênin”, Tạp chí Tuyên giáo, tháng 12, tr.5.
ThS. Lê Phạm Hoàng Oanh – Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp