Thu hồi tài sản tham nhũng là gì? Thực trạng và các bất cập?

1. Thu hồi tài sản tham nhũng:

1.1. Khái niệm tham nhũng:

– Theo khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng 2018, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Hay nói cách khác, tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân.

– Khoản 3 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng 2018 quy định về tài sản tham nhũng, thì tài sản tham nhũng là tài sản có được từ tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.

– Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm các hoạt động cụ thể như sau: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

– Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm các hoạt động cụ thể như sau: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

1.2. Thực trạng và hậu quả của vấn đề tham nhũng hiện nay:

– Tham nhũng là vấn đề diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở từng địa phương, vấn đề tham nhũng vấn thường xuyên diễn ra. Người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi cá nhân. Tài sản tham nhũng thường là các tài sản có được từ các khoản ngân sách quốc gia. Các tài sản đó đáng nhẽ phải được phục vụ các hoạt động mang tính cộng đồng, đầu tư cho các chính sách, kế hoạch chung của Nhà nước.

– Việc tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chung của quốc gia và quyền lợi riêng của các cá nhân. Tham nhũng diễn ra thường xuyên, khiến việc đầu tư vào các hoạt động mang tính cộng đồng, các công trình xây dựng phục vụ lợi ích nhân dân bị hạn chế hoặc không đảm bảo chất lượng. Tài sản mà người có chức vụ, quyền hạn tham nhũng là tài sản công. Tài sản tham nhũng càng nhiều, thì lợi ích của người dân càng bị hạn chế.

– Thực tế, dịch vụ công đang được Nhà nước ngày càng đẩy mạnh. Dịch vụ công phục vụ lợi ích thiết yếu cho mọi người dân. Do đó, nếu người có chức vụ, quyền hạn tham nhũng, các dịch vụ công sẽ không được đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đúng chất lượng để phục vụ nhu cầu sống của người dân. điều này khiến đời sống người dân bị giảm sút, quyền con người mà Nhà nước muốn bảo vệ không được đảm bảo. Cùng với đó, tham nhũng dẫn đến tình trạng bất ổn dân cư, gây hoang mang, phẫn nộ cho người dân. Từ đó, mục đích phát triển dân cư, an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước sẽ không được đảm bảo thực hiện một cách trọn vẹn.

1.3. Khái niệm thu hồi tài sản tham nhũng:

– Căn cứ theo Điều 9, Luật phòng, chống tham nhũng 2018 quy định về xử lý tài sản tham nhũng thì tài sản nhũng phải được tham thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật.

– Thu hồi tài sản tham nhũng là việc Nhà nước lấy lại, thu về những tài sản mà người có chức vụ, quyền hạn tham nhũng được. Nói cách khác, thu hồi tài sản tham nhũng được hiểu là quá trình trong đó tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng được truy nguyên, thu hồi và trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật.

– Thực tế, trong trường hợp tài sản có nguồn gốc từ tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ đã được nhập vào khối tài sản thuộc sở hữu chung thì Tòa án chỉ tịch thu hoặc buộc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đối với phần tài sản có nguồn gốc từ tội phạm. Lợi nhuận thu được từ khối tài sản chung này cùng được chia theo tỷ lệ để tịch thu hoặc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật.

2. Thực trạng và bất cập của việc thu hồi tài sản tham nhũng:

2.1. Thực trạng của việc thu hồi tài sản tham nhũng:

– Thu hồi tài sản tham nhũng là cả một quá trình gồm nhiều giai đoạn và liên quan đến nhiều cơ quan thẩm quyền khác nhau như: từ khâu phòng ngừa và phát hiện việc chuyển tài sản do tham nhũng mà có ; ra lệnh tịch thu tài sản ; phong tỏa, tạm giữ tài sản ; nhận dạng, truy tìm và phong tỏa hay tạm giữ tài sản ; yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự, hành chính, hình sự ; thực hiện thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự về tham nhũng … Là một trong những nội dung của tố tụng nên về cơ bản thu hồi tài sản có sự gắn kết mật thiết với tương trợ tư pháp trong tất cả các lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ, hành chính.

– Hiện nay, Nhà nước đang đẩy mạnh quá trình thu hồi tài sản tham nhũng. Công tác phòng chống tham nhũng ngày càng được đẩy mạnh, do đó, việc tìm kiếm, phát hiện ra các đối tượng có hành vi tham nhũng ngày càng nhiều. Cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ xem xét, điều tra xem tổng tài sản mà đối tượng tham nhũng thực hiện hành vi tham nhũng được là bao nhiêu, từ đó lấy lại tài sản bị tham nhũng để đưa vào ngân sách chung của Nhà nước.

– Thực tế, khi thực hiện thu hồi tài sản tham nhũng, Nhà nước tiến hành thu hồi tài sản thông qua các phương thức cơ bản sau đây:

+ Thu hồi tài sản trên bản án hình sự: Theo phương thức thu hồi tài sản trên bản án hình sự này, sau khi có phán quyết của Tòa án đối với bị cáo phạm tội. Việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có được thực hiện bằng việc ban hành và thực hiện quyết định thu hồi tài sản. Những chủ thể là những người thực thi pháp luật sẽ phải thu thập chứng cứ, tìm kiếm và bảo vệ tài sản, thực hiện truy tố đối với cá nhân hoặc pháp nhân và có được phán quyết của toà án. Sau khi có phán quyết, tòa án có thể ban hành lệnh tịch thu tài sản. Trong trường hợp tài sản do phạm tội mà có đã được tẩu tán sang quốc gia khác, phương thức thu hồi tài sản sẽ dựa trên truy tố hình sự sẽ được thực hiện thông qua cơ chế hợp tác quốc tế giữa các quốc gia. Mục đích của việc truy tố và tịch thu hình sự thực chất đó chính là sự công nhận của xã hội về bản chất tội phạm hình sự của tham nhũng và trách nhiệm của người vi phạm. Thêm vào đó, các hình thức phạt tù, phạt tiền và tịch thu tài sản góp phần răn đe, ngăn ngừa các vi phạm tương tự sau này.

+ Tịch thu không dựa trên bản án hình sự: Tịch thu không dựa trên bản án hình sự sẽ không cần thông qua xét xử và bản án hình sự, mà chỉ tiến hành quy trình tịch thu. Nhằm mục đích chính đó là để có thể nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản do phạm tội mà có, khắc phục những hạn chế của biện pháp thu hồi dựa trên truy tố hình sự , một số quốc gia chọn biện pháp thu hồi tài sản do phạm tội mà có mà không cần dựa trên bản án hình sự hay gọi là thu hồi dân sự.

+Thu hồi tài sản thông qua phán quyết hành chính: Thực tế, thu hồi tài sản thông qua quyết định hành chính sẽ không liên quan đến bất cứ quyết định buộc tội, thủ tục tố tụng tại tòa án hoặc thậm chí quyết định tư pháp, mà Nhà nước đưa ra một cơ chế phi tư pháp để thu hồi tài sản. Biện pháp thu hồi tài sản thông qua quyết định hành chính này được tiến hành trên cơ sở thẩm quyền được trao cho các cơ quan nhà nước hoặc theo các thủ tục được quy định trong các văn bản pháp luật và thường được sử dụng để giải quyết các trường hợp thu hồi tài sản không mang tính chất tranh chấp.

+ Thu hồi tài sản thông qua kiện dân sự: Theo phương thức thu hồi tài sản thông qua kiện dân sự này, cơ quan nhà nước tìm cách thu hồi lại các tài sản do phạm tội mà có, tài sản tham nhũng có thể lựa chọn việc khởi kiện tại các tòa án dân sự trong nước hoặc ở nước ngoài. Các cơ quan này có thể khởi kiện đòi bồi thường dựa trên cơ sở hành vi sai trái, vi phạm hợp đồng, giàu lên bất chính, và những vấn đề khác. Kiện dân sự này là một dạng hành vi dân sự giữa hai cá nhân tại các tòa án, nguyên đơn khởi kiện về những thiệt hại bởi hành vi của bị đơn để yêu cầu được bồi thường tương xứng.

2.2. Bất cập của việc thu hồi tài sản tham nhũng:

– Trên thực tế, việc thu hồi tài sản thất thoát, bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế luôn được chú trọng, được coi là một trong những tiêu chí để đánh giá hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng.

– Đảng và Nhà nước đã và đang đẩy mạnh quá trình thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, tài sản thu hồi được so với tài sản thất thoát vẫn có sự chênh lệch tương đối lớn. Điều này cho thấy, tài sản thu về từ việc thu hồi tài sản tham nhũng không đạt được ở mức tương đối.

– Tình trạng bỏ lọt tài sản trong quá trình thu hồi tài sản tham nhũng vân vẫn diễn ra khá phổ biến. Có rất nhiều đối tượng sau khi tham nhũng đã tiến hành tẩu tán tài sản. Do đó, khi bị phát giác, tài sản có được do tham nhũng mà những đối tượng này sở hữu không còn nhiều. Công tác điều tra thiếu chặt chẽ khiến tài sản được tẩu tán không bị thu hồi lại. Đây được xem là một trong những bất cập phổ biến nhất trong công tác thu hồi tài sản do tham nhũng.

Phòng chống tham nhũng là công cuộc điều tra trường kỳ của Đảng và Nhà nước ta. Để công cuộc đấu tranh này giành được thắng lợi trọn vẹn trên mọi mặt trận, những bất cập về điều tra tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng cần được khắc phục.