10 phương pháp để tránh đầy hơi sau khi ăn

Đầy hơi sau khi ăn không phải là tình trạng đáng lo ngại và mọi người có thể phòng tránh đầy hơi bằng việc không ăn quá nhiều, tránh đồ uống có ga…

Bị đầy hơi sau bữa ăn là một cảm giác mà hầu hết mọi người đều trải qua, tình trạng này khiến dạ dày cảm thấy sưng và khó chịu đi kèm đầy hơi hoặc ợ. Đầy hơi sau khi ăn không phải bất thường và có cách để phòng ngừa đầy hơi.

Nguyên nhân gây đầy hơi sau khi ăn?

Đầy hơi xảy ra ở vùng bụng khi một lượng lớn không khí tích tụ trong đường tiêu hóa. Ăn uống là nguyên nhân chính gây đầy hơi vì khi cơ thể tiêu hóa thức ăn sẽ tạo ra khí. Đồng thời khi ăn hoặc uống sẽ nuốt không khí vào đường tiêu hóa, khi ợ sẽ làm giảm sự tích tụ khí và không khí trong ruột.

Đầy hơi cũng phản ánh tình trạng sức khỏe như hội chứng ruột kích thích hoặc không hấp thụ thực phẩm. Tuy nhiên đa phần các trường hợp đầy hơi đều có thể tránh được.

10 cách để tránh đầy hơi sau khi ăn

Các mẹo sau đây có thể giúp giảm hoặc ngăn ngừa đầy hơi sau khi ăn:

Không ăn quá nhiều chất xơ

Chất xơ là một loại carbohydrate có trong những thực phẩm có nguồn gốc thực vật mà cơ thể không thể tiêu hóa được. Nó có một số chức năng quan trọng trong cơ thể, chẳng hạn như giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và tiêu thụ đường.

Tuy nhiên, thực phẩm giàu chất xơ khiến cơ thể sản xuất ra lượng khí quá mức. Một số thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: đậu, táo, cam, ngũ cốc nguyên hạt, bông cải xanh…

Cảnh giác với việc không dung nạp thực phẩm và dị ứng

Đầy hơi là một triệu chứng điển hình của việc không dung nạp thực phẩm hoặc dị ứng. Không dung nạp và dị ứng có thể khiến sản xuất khí quá mức trong đường tiêu hóa.

Các loại thực phẩm có thể gây dị ứng là:

  • Đậu phộng
  • Hạt dinh dưỡng như quả óc chó
  • Tôm, cua
  • Trứng
  • Sữa

Tránh thực phẩm nhiều chất béo

Chất béo là một phần thiết yếu của bất kỳ chế độ ăn uống lành mạnh và là một nguồn năng lượng quan trọng. Cơ thể tiêu hóa chất béo từ từ vì chúng mất nhiều thời gian hơn hầu hết các loại thực phẩm khác để đi qua đường tiêu hóa và khiến chúng ta no lâu. Do đó sẽ dẫn đến tình trạng đầy hơi. Cần tránh thực phẩm có nhiều chất béo có thể giúp giảm đầy hơi.

Ăn uống chậm giúp ngừa đầy hơi sau khi ăn

Uống hoặc ăn quá nhanh làm tăng lượng không khí nuốt phải, điều này có thể dẫn đến nhiều khí tích tụ trong đường tiêu hóa.

Đối với những người ăn hoặc uống nhanh, đây có thể là một nguyên nhân gây đầy hơi; làm chậm tốc độ ăn có thể giúp giảm bớt vấn đề.

Tránh đồ uống có ga giúp giảm đầy hơi sau khi ăn

Đồ uống có ga chứa carbon dioxide, một loại khí có thể tích tụ trong đường tiêu hóa và gây đầy hơi. Vì vậy cần hạn chế uống đồ có ga để giảm nguy cơ đầy hơi, thay thế bằng nước hoa quả hoặc nước lọc.

Giảm đầy hơi sau khi ăn bằng gừng

Gừng là một phương thuốc truyền thống cho các vấn đề tiêu hóa. Trong gừng có chứa carminative, rất hữu ích cho việc giảm lượng khí quá mức trong đường tiêu hóa.

Tránh nhai kẹo cao su

Nhai kẹo cao su khiến bạn nuốt nhiều không khí gây tích tụ trong đường tiêu hóa và dẫn đến đầy hơi.

Tập thể dục nhẹ sau khi ăn

Tập thể dục nhẹ nhàng sau khi ăn, chẳng hạn như đi dạo có thể giúp loại bỏ khí từ đường tiêu hóa và làm giảm đầy hơi.

Tránh nói chuyện trong khi ăn để tránh đầy hơi sau khi ăn

Nói trong khi ăn làm tăng việc nuốt không khí. Điều này có thể gây ra sự tích tụ không khí trong đường tiêu hóa, dẫn đến đầy hơi.

Điều trị chứng ợ nóng

Chứng ợ nóng xảy ra khi axit từ dạ dày đi ngược lên cổ họng, có thể gây ra cảm giác nóng rát khó chịu. Nó cũng là một nguyên nhân phổ biến của đầy hơi.

Điều trị chứng ợ nóng có thể là một cách hiệu quả để giảm đầy hơi bằng cách sử dụng các loại thuốc không kê đơn như thuốc kháng axit.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Đầy hơi sau khi ăn là một tình trạng phổ biến và không đáng lo ngại. Những người bị đầy hơi thường có thể điều trị các triệu chứng ở nhà. Tuy nhiên, đầy hơi đôi khi cũng có thể là một triệu chứng của tình trạng sức khỏe tiềm ẩn có thể cần được chăm sóc y tế.

Bất cứ ai bị đầy hơi kèm theo các triệu chứng dưới đây nên đi khám bác sĩ:

  • Đau bụng
  • Buồn nôn
  • Táo bón
  • Tiêu chảy
  • Mệt mỏi
  • Giảm cân đột ngột
  • Kích ứng da

**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý cũng như kê đơn thuốc hiệu quả tốt nhất.