Vì sao phụ nữ thèm đồ ngọt khi đến kỳ kinh nguyệt?

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Metabolism đã tìm ra sự khác biệt về độ nhạy insulin ở các giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt. Theo các chuyên gia, sự nhạy cảm với insulin tăng lên trong kỳ kinh làm tăng cảm giác thèm ăn.

Martin Heni, giáo sư nội tiết tại Bệnh viện Đại học Ulm, tác giả cấp cao của nghiên cứu, giải thích bộ não đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất. Nó có thể ảnh hưởng đến hành vi ăn uống, đặc biệt trong chu kỳ kinh nguyệt.

“Điều này không có gì xấu. Đó là vấn đề sinh lý bình thường ở phụ nữ. Rất nhiều người đã kể với tôi về tình trạng này”, ông nói.

Để thực hiện nghiên cứu, các chuyên gia tại Đại học Tuebingen ở Đức đã chia tình nguyện viên làm hai nhóm để phân tích hoạt động của não bộ. Nhóm đầu tiên được xịt insulin dạng phun sương vào mũi để tái tạo quá trình hormone đi lên não. Nhóm còn lại dùng giả dược. Các tình nguyện viên đều tham gia nghiên cứu khi đang trải qua hai giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt: nang trứng và hoàng thể.

Một số phụ nữ thèm đồ ngọt trong chu kỳ kinh nguyệt. Ảnh: Times Of India

Giai đoạn nang trứng xảy ra khi trứng chuẩn bị rụng, thường bắt đầu vào ngày đầu tiên của kỳ kinh. Giai đoạn hoàn thể bắt đầu sau khi trứng đã rụng và di chuyển đến tử cung.

Các nhà nghiên cứu phát hiện não nhạy cảm hơn với insulin trong giai đoạn nang trứng và ít phản ứng hơn với hormone trong giai đoạn hoàng thể.

Một số công trình trước đây cũng chỉ ra rằng khi đến não, insulin có thể khiến phụ nữ bớt đói và ăn vặt nhiều hơn. Trong khi đó, tình trạng kháng insulin làm tăng cảm giác thèm ăn.

Khám phá mới giúp giải thích cảm giác thèm ăn những món không lành mạnh ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt. Nó cũng chỉ ra vì sao nhiều người bị thay đổi tâm trạng trước kỳ kinh, bởi hoạt động của insulin trong não có thể ảnh hưởng đến cảm xúc.

Thục Linh (Theo NY Post)