Mới xăm trổ thì không được hiến máu

Bác sĩ Bùi Văn Thêm, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM, cho biết để đảm bảo máu hiến được an toàn, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 26/2013 hướng dẫn hoạt động truyền máu. Thông tư có quy định những trường hợp phải trì hoãn hiến máu trong 12 tháng, trong sáu tháng, trong bốn tuần, trong bảy ngày. Đặc biệt mục a và b khoản 2 Điều 5 thông tư nói trên có quy định: “Phải trì hoãn hiến máu trong sáu tháng kể từ thời điểm xăm trổ trên da, bấm lỗ tai…”.

Theo BS Thêm, những người xăm trổ, bấm lỗ tai dễ có nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường máu vì các điểm thực hiện xăm trổ, bấm lỗ tai thường không đảm bảo tuyệt đối vô trùng. Trong các bệnh lây qua đường máu, đáng chú ý là HIV. “Khi xét nghiệm máu, trang thiết bị của Việt Nam chưa thể phát hiện trong máu người hiến đã bị nhiễm virus HIV tính từ lúc người hiến máu bị nhiễm bệnh đến ba tháng sau (giai đoạn cửa sổ). Do vậy máu của người xăm trổ, bấm lỗ tai có thể đã nhiễm HIV nhưng xét nghiệm không thấy. Nếu sử dụng máu này truyền cho người khác thì vô hình trung lây bệnh HIV cho người nhận máu. Vì thế phải trì hoãn nhận máu của người xăm trổ, bấm lỗ tai trong vòng sáu tháng” – BS Thêm giải thích.

tai sao xo khuyen khong duoc hien mau 1

Nhân viên BV Truyền máu và Huyết học TP.HCM đang xét nghiệm sàng lọc máu hiến. Ảnh: TRẦN NGỌC

BS Thêm cho biết để đảm bảo nguồn máu hiến an toàn, người hiến phải trả lời những thông tin cần thiết trong phiếu đăng ký hiến máu và chịu trách nhiệm những nội dung đã trả lời trước khi quyết định hiến máu. Điều 68 Thông tư 26/2013 của Bộ Y tế quy định trách nhiệm của người đăng ký hiến máu là phải trả lời trung thực về tình trạng sức khỏe và chịu trách nhiệm về nội dung trả lời của mình. Tuy nhiên, nếu người hiến máu cố tình trả lời sai sự thật thì đơn vị tiếp nhận máu không thể biết. “Trong trường hợp trả lời sai sự thật để được hiến máu, nếu máu này thực sự mang nguồn bệnh HIV và đã lây cho người nhận máu thì cơ quan chức năng sẽ truy ra được người cố tình hiến máu chứa mầm bệnh” – BS Thêm nói rõ.

BS Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu và Huyết học TP.HCM, cho biết thêm căn cứ vào nội dung trả lời của người hiến máu, BV sẽ từ chối nhận máu nếu ghi nhận máu có nguy cơ nhiễm các bệnh lây truyền. “Ngoài trả lời các câu hỏi trước khi hiến máu, người hiến còn được bác sĩ trực tiếp thăm khám. Sau đó máu hiến được sàng lọc bằng những trang thiết bị hiện đại để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người nhận. Đến nay chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nhiễm bệnh từ máu hiến” – BS Dũng chia sẻ.

Cũng theo BS Dũng, các túi máu trước khi truyền cho bệnh nhân đã được thực hiện đúng quy trình, kiểm tra nhiều lần nên độ an toàn cao. Chưa hết, hồ sơ túi máu sau khi sử dụng vẫn được lưu giữ trong vòng hai năm để làm cơ sở giải quyết khi có sự cố không hay xảy ra.

TRẦN NGỌC