Học Tâm lý học tội phạm có thể làm việc trong cơ quan điều tra không?

Học Tâm lý học tội phạm có thể làm việc trong cơ quan điều tra không?
TS Phạm Tấn Hạ – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ về ngành Tâm lý học. Ảnh: Huyên Nguyễn

Chia sẻ về thắc mắc học ngành Tâm lý học tội phạm thì sau này có thể làm việc trong cơ quan điều tra hay không, TS Phạm Tấn Hạ – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, hiện nay các trường không có ngành Tâm lý học tội phạm. Đây chỉ là một bộ môn trong chương trình đào tạo của ngành Tâm lý học.

Ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), ngành Tâm lý học có 2 hướng đào tạo là Tâm lý học về nhân sự và Tâm lý học về tham vấn, tư vấn, trị liệu. Trong chương trình có bộ môn Tâm lý học tội phạm.

Ông Hạ thông tin thêm những năm gần đây, nhu cầu nghề nghiệp của ngành Tâm lý học rất lớn, đặc biệt là sau thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Các vấn đề tâm lý trong thời gian qua đã xảy ra ở nhiều đối tượng thuộc các độ tuổi khác nhau. Hiện tại, có nhiều sinh viên ngành Tâm lý học định hướng nghề nghiệp ở việc trị liệu tâm lý.

“Tôi nghĩ, khi các bạn dự định xét tuyển vào ngành Tâm lý học thì phải hiểu mình có thích ngành nghề này hay không? Ngành nghề này có thực sự phù hợp không? Hay đây chỉ là một sở thích muốn khám phá và hiểu người khác của cá nhân. Nghề nghiệp này đòi hỏi sự trải nghiệm và quan sát, đặc biệt là các bạn phải có khả năng chịu được áp lực”, ông Hạ cho hay.

Sau khi đã xác định được mình có thật sự muốn học ngành Tâm lý học không, các bạn học sinh nên tìm hiểu về các nơi đào tạo ngành Tâm lý học.

Một số trường đào tạo ngành học này như: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư Phạm – Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Sư Phạm TPHCM, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Quốc Tế Hồng Bàng…