1. Đặc điểm chung của tế bào nhân sơ
Một số đặc điểm của tế bào nhân sơ để phân biệt với tế bào nhân thực như sau:
– Tế bào chưa có nhân hoàn chỉnh/chưa có nhân chính thức, vật chất di truyền được gọi chung là “vùng nhân”. – Không có hệ thống nội màng và các bào quan không có màng bao bọc. – Kích thước tế bào rất nhỏ chỉ bằng khoảng 1/10 so với kích thước của tế bào nhân thực. – Với kích thước tế bào nhỏ như tế bào nhân sơ có các lợi ích với tế bào như sau: + Tỉ lệ S/V lớn → tốc độ trao đổi chất giữa tế bào với môi trường diễn ra nhanh hơn. + Tế bào sinh trưởng với tốc độ nhanh kết hợp với khả năng phân chia mạnh → số lượng tế bào tăng một cách nhanh chóng.
Bạn đang xem: Tổng quan về tế bào nhân sơ Sinh 10: Đặc điểm và cấu tạo
2. Cấu tạo tế bào nhân sơ
Tế bào nhân sơ có cấu tạo rất đơn giản, gồm 3 thành phần chính là: màng sinh chất, tế bào chất và vùng nhân. Ngoài các thành phần chính trên, một số loại tế bào nhân sơ còn có thêm thành tế bào, vỏ nhầy, lông và roi.
2.1. Thành tế bào, màng sinh chất, lông và roi
Hầu hết tất cả tế bào nhân sơ đều có thành tế bào. Thành tế bào được cấu tạo từ các peptidoglycan, có chức năng quy định hình dạng của tế bào.
Căn cứ vào cấu trúc và thành phần hóa học của thành tế bào, vi khuẩn đã được chia thành 2 loại: vi khuẩn gram dương và vi khuẩn gram âm.
Khi cho nhuộm bằng phương pháp nhuộm Gram: vi khuẩn Gram dương có vỏ màu tím, vi khuẩn Gram âm có vỏ màu đỏ. Với sự khác biệt về thành tế bào của 2 loại vi khuẩn này, các nhà khoa học đã ứng dụng để sử dụng các loại thuốc kháng sinh đặc hiệu có tác dụng để tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh.
Ở một số loại tế bào nhân sơ, lớp bên ngoài thành tế bào còn có một lớp vỏ nhầy. Ở những vi khuẩn gây bệnh ở người mà chứa lớp vỏ nhầy thì thường ít bị các tế bào bạch cầu trong hệ thống miễn dịch tiêu diệt.
Màng sinh chất của vi khuẩn cũng được cấu tạo như của các loại tế bào khác, được cấu tạo bởi 2 thành phần: 2 lớp photpholipit và prôtêin.
Ở một số loài vi khuẩn còn có thêm cấu trúc được gọi là roi (tiên mao) và lông (nhung mao).
2.2. Tế bào chất
Tế bào chất là vùng nằm giữa vùng nhân và màng sinh chất. Tế bào chất ở tế bào nhân sơ bao gồm 2 thành phần chính: bào tương và ribôxôm cùng một số cấu trúc phụ khác. Tế bào không có hệ thống nội màng, các bào quan không có màng bao quanh (trừ ribôxôm) và khung xương tế bào.
Ribôxôm là bào quan được hình thành từ prôtêin và rARN, là nơi tổng hợp nên các loại protein trong tế bào. Trong tế bào chất có chứa các hạt dự trữ.
2.3. Vùng nhân tế bào nhân sơ
Vùng nhân của tế bào sinh vật nhân sơ không được bọc bởi các lớp màng như tế bào nhân thực và chỉ chứa duy nhất một phân tử ADN dạng vòng. Chính vì vậy, tế bào này mới được gọi là tế bào nhân sơ (chưa có nhân hoàn chỉnh được lớp màng bao bọc như ở tế bào nhân thực).
Ngoài ADN có ở vùng nhân, một số tế bào vi khuẩn còn có thêm nhiều phân tử ADN dạng vòng nhỏ khác nằm ở tế bào chất được gọi là plasmit.
Đăng ký ngay khóa học DUO để được lên lộ trình ôn thi tốt nghiệp sớm nhất!
3. Bài tập tế bào nhân sơ sinh 10 – trắc nghiệm và tự luận
3.1. Hướng dẫn giải bài tập cơ bản – nâng cao SGK sinh 10
Câu 1: Thành tế bào vi khuẩn có chức năng gì?
Lời giải chi tiết:
Thành tế bào của vi khuẩn có độ dày khoảng 10 – 20nm, được cấu tạo bởi peptidoglycan (pôlisaccarit liên kết với peptit).
Thành tế bào vi khuẩn có chức năng quy định nên hình dạng của tế bào và bảo vệ tế bào bởi các tác nhân gây hại.
Câu 2: Nêu chức năng của roi và lông ở tế bào vi khuẩn.
Lời giải chi tiết:
Chức năng chính của lông và roi ở tế bào vi khuẩn là:.
– Roi là tiên mao, khỏe, có chức năng giúp vi khuẩn có thể di chuyển.
– Với một số vi khuẩn gây bệnh ở người thì lông (nhung mao) sẽ giúp chúng bám chắc hơn được vào bề mặt tế bào người để gây bệnh.
Câu 3: Nêu vai trò của vùng nhân đối với tế bào vi khuẩn.
Lời giải chi tiết:
Vùng nhân của tế bào sinh vật nhân sơ chứa vật chất di truyền là một ADN dạng vòng và không được bao bọc bởi các lớp màng, có chức năng truyền đạt thông tin di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Ngoài ADN ở vùng nhân, thì ở một số tế bào vi khuẩn khác còn có thêm nhiều phân tử ADN dạng vòng nhỏ nằm ở tế bào chất được gọi là plasmit. Tuy nhiên plasmit không phải là vật chất di truyền có thể thay thế được ADN ở vùng nhân, nhưng cũng cần thiết cho tế bào nhân sơ.
Câu 4: Tế bào vi khuẩn có kích thước nhỏ và cấu tạo đơn giản đem lại cho chúng ta ưu thế gì?
Lời giải chi tiết:
Với kích thước tế bào nhỏ như tế bào nhân sơ có các lợi ích với tế bào như sau: – Tỉ lệ S/V lớn → tốc độ trao đổi chất giữa tế bào với môi trường diễn ra nhanh hơn. – Tế bào sinh trưởng với tốc độ nhanh kết hợp với khả năng phân chia mạnh → số lượng tế bào tăng một cách nhanh chóng.
– Cấu tạo vùng nhân đơn giản giúp vi khuẩn/virus dễ dàng đột biến hình thành một chủng loại mới.
Câu 5: Thí nghiệm: Nếu loại bỏ thành tế bào của các vi khuẩn có hình dạng khác nhau, sau đó hãy cho các tế bào này vào trong các dung dịch có nồng độ chất tan bằng nồng độ chất tan bên trong tế bào thì tất cả các tế bào sẽ biến thành dạng hình cầu. Từ thí nghiệm trên, ta có thể nhận xét gì về chức năng của thành tế bào?
Lời giải chi tiết:
Với kết quả thí nghiệm như trên đã chứng tỏ thành tế bào có chức năng làm cho tế bào có hình dạng nhất định.
Khi có thành tế bào thì vi khuẩn sẽ có hình dạng đặc trưng, khi mất đi thành tế bào thì chúng đều biến thành hình cầu
3.2. Câu hỏi trắc nghiệm bài 7 sinh học 10: tế bào nhân sơ
Câu 1: Cho các đặc điểm sau:
(1) Không có màng nhân
(2) Không có nhiều loại bào quan
(3) Không có hệ thống nội màng
(4) Không có thành tế bào cấu tạo từ peptidoglycan
Có bao nhiêu đặc điểm là chung cho các tế bào nhân sơ?
A. 1 B. 3 C. 2 D. 4
Câu 2: Thành tế bào vi khuẩn được cấu tạo từ thành phần:
A. peptidoglican B. xenlulozo
C. kitin D. pôlisaccarit
Câu 3: Vùng nhân của một tế bào vi khuẩn có đặc điểm thế nào?
A. Chứa 1 phân tử ADN đơn dạng vòng
B. Chứa 1 phân tử ADN mạch thẳng, xoắn kép
C. Chứa 1 phân tử ADN kép dạng vòng
D. Chứa 1 phân tử ADN liên kết với protein dạng histon
Câu 4: Tế bào của vi khuẩn có chứa bào quan nào?
A. lizoxom B. riboxom
Xem thêm : Giá bán và màu sắc của Honda Vision 2022?
C. trung thể D. lưới nội chất
Câu 5: Tế bào của vi khuẩn được gọi là tế bào nhân sơ là vì
A. Vi khuẩn xuất hiện rất sớm
B. Vi khuẩn chứa trong vùng nhân một phân tử ADN dạng vòng
C. Vi khuẩn có cấu trúc một tế bào
D. Vi khuẩn chưa có màng nhân
Câu 6: Người ta đã chia vi khuẩn ra thành hai loại là vi khuẩn Gram dương và vi khuẩn Gram âm dựa vào yếu tố nào?
A. Cấu trúc, thành phần hóa học của thành tế bào vi khuẩn
B. Cấu trúc của nhân tế bào
C. Số lượng plasmit có trong tế bào chất của vi khuẩn
D. Khả năng chịu nhiệt của một vi khuẩn
Câu 7: Yếu tố nào dưới đây không là thành phần chính của cả tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực?
A. màng sinh chất B. nhân tế bào/ vùng nhân
C. tế bào chất D. riboxom
Câu 8: Cho các đặc điểm sau:
(1) Hệ thống nội màng
(2) Khung xương tế bào
(3) Các bào quan có lớp màng bao bọc
(4) Riboxom và các hạt dự trữ
Có bao nhiêu đặc điểm là của tế bào nhân sơ?
A. 1 B. 2 C. 3 D. 4
Câu 9: Chức năng của thành phần thành tế bào vi khuẩn đó là:
A. Giúp vi khuẩn di chuyển
B. Tham gia vào quá trình phân bào của vi khuẩn
C. Duy trì hình dạng đặc trưng của tế bào
D. Trao đổi chất giữa các tế bào và môi trường
Câu 10: Tế bào vi khuẩn có chứa các hạt riboxom có vai trò:
A. Bảo vệ tế bào
B. Chứa các chất dự trữ cho tế bào
C. Tham gia vào quá trình phân bào của vi khuẩn
D. Tổng hợp protein cho tế bào
Câu 11: Cho các ý sau:
(1) Kích thước nhỏ
(2) Chỉ có riboxom
(3) Bảo quản không có màng bọc
(4) Thành tế bào bằng peptidoglycan
(5) Vùng nhân chứa phân tử ADN dạng vòng
(6) Tế bào chất có chứa plasmit
Trong các ý ở trên có những ý nào là đặc điểm của tế bào vi khuẩn?
A. (1), (2), (3), (4), (5) B. (1), (2), (3), (4), (6)
C. (1), (3), (4), (5), (6) D. (2), (3), (4), (5) , (6)
Câu 12: Sinh vật nhân sơ được chia thành các nhóm:
A. Vi khuẩn và virus
B. Động vật nguyên sinh và vi khuẩn
C. Vi khuẩn và vi khuẩn cổ
D. Vi khuẩn và nấm đơn bào
Câu 13: Sinh vật nào dưới có cấu tạo là tế bào nhân sơ?
A. Vi khuẩn lam
B. Nấm
C. Tảo
D. Động vật nguyên sinh
Câu 14: Những đặc điểm nào dưới đây có ở tất cả các loại vi khuẩn:
1. Có kích thước bé.
2. Sống kí sinh và gây bệnh.
3. Cơ thể chỉ có một tế bào.
4. Chưa có nhân chính thức.
5. Sinh sản rất nhanh.
Câu trả lời đúng là:
A. 1, 2, 3, 4
B. 1, 3, 4, 5
C. 1, 2, 3, 5
D. 1, 2, 4, 5
Câu 15: Cho các đặc điểm sau:
(1) Chưa có nhân hoàn chỉnh
(2) Không có nhiều loại bào quan
(3) Tế bào chất không chứa hệ thống nội màng
(4) Thành tế bào được cấu tạo bởi glycogen
(5) Kích thước khá lớn, dao động từ 1μm – 5μm.
Có bao nhiêu đặc điểm nói trên là cấu trúc của tế bào nhân sơ?
A. 1 B. 3 C. 2 D. 4
Câu 16: Cho các ý sau?
(1) Kích thước nhỏ
(2) các bào quan có chứa màng bao bọc
(3) Không có hệ thống nội màng
(4) Thành tế bào bằng peptidoglycan
(5) Nhân có màng bao bọc
(6) Tế bào chất có chứa plasmit
Trong các ý trên, những ý nào thuộc đặc điểm của tế bào vi khuẩn?
A. (2), (3), (4), (5), (6)
B. (1), (3), (4), (6)
C. (1), (2), (3), (4), (6)
D. (1), (2), (3), (4), (5)
Câu 17: Đặc điểm nào không có ở tế bào nhân sơ?
A. Thành tế bào được cấu tạo chủ yếu là chitin (kitin)
B. Kích thước tế bào nhỏ nên sinh trưởng, sinh sản nhanh
C. Không có hệ thống nội màng, chưa có màng nhân chính thức
D. Bào quan không có lớp màng bao bọc
Câu 18: Có bao nhiêu đặc điểm sau đây là đặc điểm chung cho các vi khuẩn?
(1) Chưa có nhân hoàn chỉnh
(2) Đa số là sinh vật đơn bào, một số là sinh vật đa bào.
(3) Kích thước cơ thể nhỏ, tỉ lệ S/V lớn, chuyển hóa vật chất tốc độ nhanh.
(4) Tế bào chất có chứa bào quan duy nhất chính là riboxom
A. 4 B. 3 C. 2 D. 1
Câu 19: Tế bào vi khuẩn có kích nhỏ và cấu tạo rất đơn giản có vai trò
A. Xâm nhập cực kỳ dễ dàng vào tế bào vật chủ
B. Có tỷ lệ S/V lớn, trao đổi chất giữa tế bào với môi trường nhanh chóng, tế bào có khả năng sinh sản nhanh hơn tế bào có kích thước lớn
C. Khó phát hiện nên tránh được sự tiêu diệt của kẻ thù
D. Tiêu tốn ít thức ăn
Câu 20: Kích thước cơ thể nhỏ đem lại ưu thế gì cho các loài tế bào nhân sơ?
A. Giúp tế bào có thể trao đổi chất với môi trường một cách nhanh chóng
B. Giúp cho sự khuếch tán các chất từ nơi này đến nơi khác bên trong tế bào diễn ra nhanh hơn
C. Giúp vi sinh vật di chuyển nhanh hơn và dễ dàng kiếm thức ăn trong môi trường kí sinh
D. Cả A và B đều đúng
Đáp án gợi ý:
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 B A A B D A D A C D 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 A C A B B B A B B D
Qua bài viết này, VUIHOC mong rằng có thể giúp các em hiểu được phần nào kiến thức cơ sở của tế bào nhân sơ nói riêng và bài 7 Sinh học 10 – Sinh học tế bào nói chung. Để học nhiều hơn các kiến thức Sinh học 10 cũng như Sinh học THPT thì các em hãy truy cập vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô VUIHOC ngay bây giờ nhé!
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp