Trả lời:

Khi thai phụ bắt đầu ngủ hoặc đang ngủ sâu, thai nhi đạp mạnh, xoay mình suốt đêm dẫn đến mất ngủ. Tuy nhiên, thai phụ không nên lo lắng vì đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ bé phát triển bình thường.

Từ tuần thứ 16, thai nhi bắt đầu cảm nhận và phản ứng đối với những âm thanh bên ngoài. Do đó, ban đêm nếu bé được nghe mẹ nói chuyện trước giờ ngủ sẽ có phản ứng đạp. Em bé cũng cảm nhận thức ăn của mẹ thông qua nước ối. Nếu bữa tối mẹ ăn món ngon bé cũng sẽ đạp.

Thai nhi chuyển động cả ngày, nhưng thai phụ dễ cảm nhận hơn về đêm do ban ngày tập trung làm việc. Thường thai nhi dùng đến 95% thời gian để ngủ nhưng vẫn cử động. Đêm xuống, bé thai máy và với không gian yên tĩnh nên mẹ cảm giác rõ hơn cử động của bé.

Tần suất đạp, chuyển động của mỗi em bé khác nhau tùy thuộc vào cơ thể, thói quen sinh hoạt của mẹ và tính cách của mỗi bào thai. Tuy nhiên, thai phụ cũng cần lưu ý nếu chuyển động của thai nhi tăng đột ngột và mạnh mẽ hoặc giảm chuyển động cảnh báo một số bất thường. Thai phụ cần đến đến bệnh viện khám.

Bé đạp nhiều vào ban đêm là bình thường, không có biện pháp điều chỉnh. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể áp dụng một số cách để ngủ ngon như sử dụng gối bà bầu thiết kế đặc biệt, hạn chế uống nhiều nước vào buổi tối, không sử dụng cà phê. Hạn chế đồ ăn cay, nóng, tránh ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, khó tiêu và tránh ăn no vào ban đêm. Trước giờ đi ngủ, thai phụ tập thể dục nhẹ nhàng trong 30 phút.

BS.CKI Nguyễn Huy CườngTrung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi sức khỏe, sinh lý nữ tại đây để bác sĩ giải đáp