Đề cương tuyên truyền nét đẹp thanh lịch của phụ nữ Hà Nội

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ HÀ NỘI

ĐỀ CƯƠNG

TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC NÉT ĐẸP THANH LỊCH CỦA PHỤ NỮ HÀ NỘI (Ban hành kèm theo Hướng dẫn số 09 ngày 15/4/2014 của BTV Hội LHPN Hà Nội)

Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Trong suốt chiều dài hàng ngàn năm hình thành và phát triển của Thăng long – Hà Nội, người phụ nữ không chỉ đóng góp công sức làm nên những chiến công hiển hách, hào hùng mà còn mang lại cho mảnh đất ngàn năm văn hiến một vẻ đẹp riêng, độc đáo trong tư duy, lối sống và phong cách ứng xử. Đó chính là nét đẹp Thanh lịch, cần được giữ gìn và phát huy trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước để nhằm tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nếp sống, lối sống của người phụ nữ Thủ đô, góp phần xây dựng người Hà Nội Thanh lịch – Văn minh.

Dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội hay mới đến định cư, mỗi người dân Hà Thành đều có quyền kiêu hãnh và tự hào với lời khen tặng của nhân dân trong nước và bè bạn khắp năm châu :

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

1. Về khái niệm: Thanh lịch là một từ ghép lại bởi 2 từ THANH là LỊCH. Theo nghĩa đen THANH là trong trẻo, trong sáng, trong suốt đển tận cùng một cách tự nhiên, không chút vẩn đục. LỊCH là sự hiểu biết và tuân thủ các qui định, qui ước, phép tắc, phong tục tập quán của gia đình, cơ quan, tập thể, cộng đồng. Theo nghĩa bóng Thanh Lịch còn có nghĩa là trong quá trình trải nghiệm hoàn thiện nếp sống, lối sống của mình tự phải thanh lọc, lọc bỏ những gì chưa tốt, chưa đúng, chưa đẹp.

2. Biểu hiện của nét đẹp Thanh lịch

2.1. Thanh lịch trước hết ở lời nói:

Cái thanh, cái đẹp trong tiếng nói của phụ nữ Hà Nội là ở chỗ chuẩn xác, phát âm đúng, mẫu mực cho cả nước. Với vốn từ giàu có, lại biết sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, hợp cảnh, hợp tình, tạo nên một phong cách riêng không pha trộn: vừa lưu loát, nhẹ nhàng, nhã nhặn, vừa tế nhị, lịch sự, nhún nhường khiến cho người nghe rất dễ mến, dễ cảm và dễ cuốn hút.

Phụ nữ Hà Nội không ưa cách nói cộc lốc, trống không, chỏng lỏn, xách mé, trịch thượng, không cười hô hố, gọi nhau ơi ới. Vì vậy mà người phụ nữ Hà Nội đích thực không thể nói bậy, chửi thề, nói ngọng …

Cái thanh, cái đẹp trong tiếng nói của phụ nữ Hà Nội còn thể hiện ở cách dùng từ ngữ thay thế . Thăm người có bố mẹ già mới mất người ta hỏi “Cụ nhà ta về bao giờ?” Chứ không nói “Cụ chết lâu chưa”. Với người bệnh không hỏi “Bác ốm à?” Mà là “Bác mệt đấy ư?” Cũng như nói “Chị ở cữ tháng nào?” thay cho câu “Bao giờ chị đẻ?”

Lời nói của người phụ nữ Hà nội dịu dàng đáng yêu còn do cách nói chuyện “thưa gửi, vâng dạ” và đôi chút rào đón bằng lời xin lỗi hoặc lời cám ơn, khiến cho ai đó mỗi khi gặp gỡ, giao thiệp đều cảm thấy hài lòng, quý trọng và cảm kích.

2.2. Thanh lịch trong ăn uống

Đối với người Hà Nội nói chung và phụ nữ nói riêng, ăn uống không đơn giản là cung cấp nguồn năng lượng để duy trì sự sống mà nó đã trở thành một phong cách nghệ thuật riêng. Bàn tay khéo léo, tinh tế và tài hoa của phụ nữ Hà Thành đã tạo nên những món ăn có dấu ấn riêng vừa ngon, vừa đẹp vừa hấp dẫn và thích thú ở sự đa dạng về màu sắc, phong phú về chủng loại, hương vị đậm đà.

Khá nhiều địa danh nổi tiếng về các món ăn và đặc sản của vùng đất này đã được ca dao, tục ngữ nhắc đến: Bánh cuốn Thanh Trì, bánh dày Quán Gánh, cốm làng Vòng; “Giò Trèm, nem Vẽ, chuối Xù”, “Khoai lang Triều Khúc, bánh đúc Đơ Bùi”; Đó là “ổi Quảng Bá, cá Hồ Tây”, là “Cá rô Đầm Sét”… Không ai có thể quên được hương vị đậm đà, khó quên của bát bún ốc, bún chả, bún thang, bát phở Hà Nội, bánh tôm Hồ Tây và chả cá Lã Vọng …

Chỉ trong một bữa cơm của mỗi gia đình cũng có thể thấy sự đảm đang, ý tứ trong mỗi hành vi ứng xử của người mẹ, người vợ. Phụ nữ luôn luôn phải là người ngồi đầu nồi, vừa là để làm công việc xới cơm cho cả nhà và quan trọng hơn là để “trông nồi”, biết thức ăn còn nhiều hay ít. Khi xới cơm, phải xới bát cơm của người lớn tuổi trước rồi mới đến những thành viên khác. Cơm xới vừa miệng bát, không quá đầy, bát cơm đưa tới ông, bà, cha mẹ bằng hai tay kèm theo lời mời khẽ. Bắt đầu bữa cơm không bao giờ chọn ăn ngay vào món ngon nhất, mà thường chọn các món rau, dưa. Trong bữa cơm, người phụ nữ phải quán xuyến để khi các món ăn hết thì phải nhanh tay đứng lên lấy thêm.

Cách ăn các món của người con gái trong nhà cũng phải thực sự chú ý. Khi chấm thức ăn, nhất thiết phải đưa đũa chấm nhẹ, không nhúng món chấm quá sâu vào bát nước chấm, rồi đưa bát ghé sát để tránh làm dây nước mắm ra mâm. Đặc biệt, kỵ nhất là lối ăn, uống nhồm nhoàm, phát ra tiếng kêu xì xụp, tóp tép, bắn tung tóe ra xung quanh. Dáng ngồi ăn phải thật ngay ngắn, không cúi đầu, xòe chân. Khi mọi người đã ăn xong, người chị cả phải nhanh chóng dọn bát, bê chậu nước chứa trong thau đồng để ông bà, cha mẹ rửa tay. Và cũng chính tay người chị cả bê món tráng miệng và sau đó là tăm đến mời người trên.

Lớn hơn một chút, khi cô gái Hà thành đã yên bề gia thất, sự tài hoa, khéo léo càng có cơ hội được trổ tài. Mùa nào thức ấy, trên mâm cơm của gia đình những món ăn được chế biến với đủ hương vị, đủ màu sắc tinh tế, đẹp mắt mà ngon miệng, ẩn chứa bao tình yêu thương của người vợ, người mẹ. Thường thì bữa cơm của phụ nữ Hà Nội có nhiều món, mỗi món không nhiều, bày trong những chiếc bát, đĩa nhỏ. Mỗi món ăn là một khẩu vị để người ăn thưởng thức chứ không phải để ăn cho thật no, thật chán. Các món ăn không nặng về thịt cá mà được chế biến gia giảm với nhiều loại gia vị, rau quả được cắt tỉa công phu, cầu kỳ. Người phụ nữ Hà thành rất tinh tế nên thường chú ý tới việc chọn các món ăn sao cho phù hợp với thời tiết và thời điểm. Ví dụ, mùa hè chọn những món thanh nhiệt như canh hoa thiên lý, canh mướp còn các món kho thì dành cho mùa đông.

Cách chọn thực phẩm cũng là cả một nghệ thuật của những phụ nữ gốc Hà Nội sành ăn. Chẳng hạn như rau cần chỉ ăn vào tháng chạp, tháng một. Khi ấy ngọn rau mới trắng, mới mềm và ngọt. Sang tháng hai, ba có mưa rào, trứng cóc nở đầy ruộng, rau ăn cứng và nhạt. Cá rô thì lại ngon nhất vào tháng ba. Rau húng thì phải chọn húng Láng, đậu thì phải mua sao cho được loại đậu Mơ vừa mịn vừa ngậy. Rau muống ngon phải là thứ rau muống nước, cọng xanh, nhỏ.

Thật ra nhiều món ăn ở Hà Nội được mang từ nhiều miền quê đến nhưng do cách chế biến, cách bày biện, màu sắc bắt mắt và cách ứng xử trong ăn uống của người phụ nữ Kinh Kì đã tinh tế hoá cách ẩm thực của dân quê tạo thành một thứ nghệ thuật riêng đặc sắc.

2.3. Thanh lịch trong ăn mặc và trang điểm

Không chỉ “sành ăn”, người phụ nữ Thăng Long – Hà Nội còn biết khéo mặc, luôn có ý thức làm đẹp vì mình và vì mọi người xung quanh. Người phụ nữ Hà Nội xưa nay vẫn nổi tiếng mặc đẹp, cái đẹp thể hiện ở sự gọn gàng, chỉnh tề và trang nhã.

Trang phục của phụ nữ Hà Nội xưa thường là áo dài vạt, nếu có xẻ tà cũng được xẻ một cách khéo léo sao cho thướt tha nhưng cũng không để hở làn da bên trong. Mầu vải được chị em lựa chọn thường nhã nhặn, chất vải kín đáo mà không kém phần mềm mại. Còn nếu có mặc váy thì người con gái cũng ý nhị may chiếc váy dài đến gần gót chân. Dù không khoe da, khoe thịt, không sặc sỡ, màu mè nhưng ở người con gái Hà Nội ngày ấy luôn chứa đựng nét duyên thầm khó nói. Đó là nét đẹp dịu dàng, tao nhã và thanh lịch.

Người phụ nữ Hà Nội vào khoảng giữa của thế kỷ 20 thường không trang điểm cầu kỳ, không lòe loẹt phấn son nhưng vẫn nổi bật vẻ sang trọng, quý phái. Họ thường dùng son nhưng rất nhẹ, làn môi chỉ hơi hồng hồng một chút tạo vẻ cuốn hút. Nếu có chải lông mày, các cô, các chị chỉ tô thêm nét cho đậm đôi chút. Những cô gái lãng mạn còn kín đáo nhỏ một giọt nước hoa nơi bàn tay, trong khăn mùi xoa hoặc dưới mang tai, chỉ thoảng nhẹ như hương hoa nhài thơm xa, đủ khiêu khích một cách mơ hồ chứ không quá nồng, quá hắc. Hình ảnh những cô gái thướt tha trong tà áo dài, đạp xe đạp quanh Hồ gươm với mái tóc dài buông hờ hững, khiến bao chàng trai khắc khoải xao xuyến trước vẻ đẹp thanh lịch ấy .

“Con gái Hà Nội đẹp dịu dàng

Tóc đưa hương sữa mỗi mùa sang

Ngẩn ngơ, ngơ ngẩn lòng du khách

Ước sao cho anh có được nàng”

2.4. Thanh lịch trong ứng xử, giao tiếp

Nét đẹp thanh lịch của người phụ nữ Hà Nội còn là cái duyên thầm ẩn sâu trong cử chỉ, phong cách ứng xử từ trong gia đình đến ngoài xã hội

Trước tiên là trong ứng xử gia đình: Người phụ nữ Hà Nội xưa nổi tiếng là đảm đang, đằm thắm, ý nhị. Đó là “vũ khí” để họ giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Trong gia đình, người vợ, người mẹ vẫn luôn là ngọn lửa ấm áp. Người phụ nữ xưa được giáo dục phải một mực yêu kính, thờ phụng chồng của mình. Vì thế mà cho dù trong gia đình có xảy ra chuyện lớn chuyện nhỏ thì người vợ vẫn giữ cho cuộc sống gia đình êm đềm, không một tiếng cãi vã. Có lẽ chính vì thế mà người chồng, sau những phút nông nổi, sau những nhầm lẫn đáng trách, càng thêm nể phục người vợ nhất mực thủy chung của mình.

Với con cái, những bà mẹ người Hà Nội ngày ấy đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục nhân cách cho trẻ. Tự bản thân họ luôn cố gắng làm thật tốt mọi việc để các con lấy đó làm gương mà học tập. Họ uốn nắn con trong từng cử chỉ, lời nói, nhất là con gái. Chính nhờ thế, cho đến bây giờ, con gái Hà Nội nhiều người vẫn giữ lại được ít nhiều vẻ đằm thắm, duyên dáng được kế tục từ mẹ, từ bà mình..

Đối với cộng đồng, xã hội: Người phụ nữ Hà Nội xưa hấp dẫn lạ lùng trong mọi con mắt, mọi trái tim từ người thợ đến nhà thơ. Từ cái nếp đảm đang, đằm thắm, ý nhị trong gia đình, người phụ nữ Hà Nội khi ra xã hội vẫn kín đáo, ý nhị, lịch thiệp, mềm mỏng và giàu lòng tự trọng

Người phụ nữ Hà Thành đi đứng nhẹ nhàng, ăn nói rất nhỏ nhẹ, ý tứ. Ngày xưa phụ nữ Hà Nội thường đi đôi guốc mộc, mà guốc mộc thường phát ra âm thanh lớn. So với các loại giầy dép phong phú như hiện nay, chắc chắn tiếng động dễ nhận ra hơn rất nhiều do âm thanh của gỗ. Nhưng sao chúng ta vẫn cảm nhận thấy bước chân của người Hà Nội xưa nhẹ nhàng vậy. Sự nhẹ nhàng tinh tế ấy có được là do bước chân khoan thai, ý tứ của người con gái. Thật khó có thể tìm thấy người con gái Hà Nội nào ra đường với vẻ hấp tấp vội vàng. Dù vội, họ cũng luôn tỏ ra điềm tĩnh, nhã nhặn và lịch thiệp.

Trong giao tiếp, người phụ nữ Hà Nội xưa thể hiện phong cách lịch thiệp , tinh tế : Hào hoa mà không kênh kiệu, khoe vẻ giàu sang.

Phong nhã mà không lề mề, chậm chạp, lù dù.

Linh hoạt mà không xấc xược, láu lỉnh, kệch cỡm.

Vui tươi duyên dáng mà không suồng sã, lẳng lơ.

Vừa thông minh, lịch thiệp mà không ba hoa, hời hợt. .

Ngày xưa, ra chỗ đông người, ít khi thấy người phụ nữ nào xô bồ, thô lỗ. Người ở nơi khác đến khi tiếp xúc với con gái Hà Nội, người ta đều ấn tượng về giọng nói thỏ thẻ, dễ nghe và cuốn hút không lẫn đi đâu được. Một câu đối đáp của họ cũng có từ thưa gửi, dạ vâng. Có thể cảm nhận rõ sự chững chạc, khiêm nhường, vừa ân cần, tế nhị của phụ nữ Hà Thành xưa trong giao tiếp. Khi nghe người trên nói, các cô gái thường cúi đầu, lắng nghe rất kính trọng. Khi gặp người quen thì tươi cười chào hỏi, dù người đó ít tuổi hơn, vai vế trong họ hàng và xã hội có kém hơn. Lại càng chủ động hỏi han ân cần để kẻ dưới khỏi tủi thân hoặc chê trách. Trái lại, đối với người có chức, quyền cao hoặc giàu sang thì người thanh lịch có ý lảng tránh để khỏi mắc tiếng “Thấy người sang bắt quàng làm họ”. Còn đối với các vị đáng bậc cha chú, người Hà Nội thanh lịch phải ngả mũ chào, tỏ lòng tôn kính với mong muốn được phụ giúp việc gì đó có ích để các bậc trên được hài lòng về con cháu. Trong mối quan hệ bạn bè nam nữ, làm quen với nhau bằng những cử chỉ và lời nói lịch sự tế nhị, biểu lộ một chiều sâu tâm hồn trong sáng, một trí tuệ thông minh… Các thanh nữ Thủ đô ý nhị, duyên dáng, kín đáo. Yêu ai, ghét ai cũng để trong lòng. Nhưng khinh bỉ ra mặt những kẻ ăn nói thô lỗ, bỉ ổi, sỗ sàng, ăn nói huênh hoang “trưởng giả học làm sang”.

Phụ nữ Hà Nội thanh lịch được tiếp xúc rộng rãi biết phân biệt người có tài, có đức. Đối với kẻ ba hoa, con ông cháu cha, áo quần bảnh bao, ăn tiêu xa hoa khoe của, chị em chỉ cười bằng ánh mắt. Lấy nón che nghiêng hoặc khăn che miệng khi tủm tỉm cười. Họ rất sợ đi với bạn quen nói cười hô hố, cười toe toét rũ rượi, ảnh hưởng lây tới tư cách mình.

3. Một số vấn đề đặt ra trong việc gìn giữ và phát huy nét đẹp Thanh lịch của phụ nữ Thủ đô:

Có người cho rằng: Bây giờ thật khó tìm trên đường phố Hà Nội những bóng hồng tóc dài, cặp lửng sau lưng, dáng hình mảnh mai, thon thả trong chiếc áo dài trắng tinh khôi. Càng khó tìm thấy trong những cô gái Hà Nội tóc tém nhiều màu, quần áo đúng mốt… cái nết “công, dung, ngôn, hạnh” vốn là niềm tự hào của người phụ nữ Hà Nội xưa.

Lối cư xử nhã nhặn của người Hà Nội đang mất dần, thay vào đó là lối nói xô bồ, tục tĩu, “lệch chuẩn”, nhất là giới trẻ.

Ngoài đường phố, người ta xả bậy ra đường, vứt rác bừa bãi, coi hè phố như của mình, lấn chiếm vỉa hè buôn bán.

Chỉ một va chạm nhỏ cũng dễ nổi khùng chửi bới, thậm chí đánh nhau không thương tiếc.

Ở cơ quan hành chính, người ta hách dịch, hất hàm, nói trống không với khách lớn tuổi,

Văn hóa phục vụ khách hàng đã bị biến đổi, không còn giữ được những nét đẹp vốn có của người Hà Nội xưa. Ngoài bún “mắng, cháo “chửi” là vấn nạn “chặt chém” khách, “đong lừa, cân điêu, bán thiếu”, bán hàng kém chất lượng. Đến khu di sản như Văn Miếu cũng còn phải chứng kiến cảnh đầu rùa bị mòn nhẵn…

Liệu trong thời đại CNH-HĐH và hội nhập quốc tế có còn giữ được nét đẹp Thanh lịch xưa của người Hà Nội?

Điều chúng ta cần phải khẳng định rằng phẩm chất thanh lịch là sự hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc, vừa có nét riêng vừa mang tính dân tộc đã được định hình, đã được thừa nhận rộng rãi, vì vậy không thể mất đi. Đó là tài sản tinh thần vô cùng quí giá mà các thế hệ người Hà Nội có trách nhiệm phải bảo tồn và phát triển.

Để phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới, biểu hiện cụ thể của nét thanh lịch người Hà Nội cũng phải có sự thay đổi nhất định. Nét đẹp THANH LỊCH dù là biểu hiện bề ngoài hay bên trong từng con người cần phải có sự phù hợp với nhịp sống hiện đại. Thực tiễn cuộc sống hiện nay đang chứng minh trong nếp sống, phong cách làm việc… người Hà Nội vẫn thể hiện được nét đặc trưng riêng có. Con gái bây giờ là hiện thân của một Hà Nội hiện đại, một Hà Nội năng động, náo nhiệt và đầy sức sống mới. Họ làm việc trong những công sở, văn phòng, những trung tâm thương mại hay ngay tại các cửa hàng, cửa hiệu… và vẫn mang những phong cách truyền thống, khi được giáo dục bởi những giá trị văn hóa sâu sắc.

Rất nhiều phụ nữ Hà Nội hiện đại dù thành đạt và bận rộn với công việc, vẫn luôn dành quỹ thời gian nhiều nhất có thể để tự tay nấu những món ăn mà bố mẹ, chồng con ưa thích, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dạy con cái theo nền nếp gia đình. Bên cạnh đó, chị em cũng rất tích cực trong các công tác xã hội. Nhiều người trở thành các nhà lãnh đạo, các doanh nhân giỏi giang, đầy sáng tạo, mẫu mực trong lối sống. Nhiều tập thể, cá nhân đã được Đảng, Nhà nước biểu dương, khẳng định vai trò đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Truyền thống thanh lịch của người Hà Nội vẫn tồn tại và tiếp tục có sự vận động phát triển ở một mức độ cao hơn. Chúng ta sẽ thấy nét thanh lịch của người phụ nữ Thủ Đô tiếp tục được sàng lọc, hội tụ, tỏa sáng trong quá trình phấn đấu, rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức cốt lõi của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH: TỰ TIN – TỰ TRỌNG – TRUNG HẬU – ĐẢM ĐANG

4. Gợi ý một số nội dung cụ thể giữ gìn và phát huy nét đẹp Thanh lịch của người phụ nữ Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước

4.1. Trong ăn mặc, nói năng, giao tiếp :

Ăn uống từ tốn; Nói năng đúng mực, tế nhị, nhẹ nhàng, biết chào hỏi, nói lời cảm ơn, xin lỗi, không nói tục, chửi bậy, tránh nói ngọng, cộc lốc, trống không.

Lịch sự, tinh tế trong giao tiếp, tôn trọng mọi người, biết lắng nghe, tiếp thu những điều tốt từ người khác; Cởi mở và thân thiện với khách, người nước ngoài.

Trang phục gọn gàng, sạch, đẹp, phù hợp với lứa tuổi và hoàn cảnh. Không mặc quần áo ngủ khi ra đường.

Tác phong nhanh nhẹn, tự tin nhưng vẫn thể hiện được nét đẹp dịu dàng của người phụ nữ Thủ đô.

4.2. Trong gia đình:

– Chung thuỷ, yêu thương, tôn trọng, bình đẳng trong quan hệ vợ chồng; Biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và hỗ trợ nhau chăm lo công việc gia đình; cư xử nhẹ nhàng, tế nhị; không cằn nhằn, nói năng gay gắt.

– Giáo dục, hướng dẫn con cháu học tập, lao động, vui chơi lành mạnh, phòng tránh các tệ nạn xã hội. Tôn trọng, lắng nghe ý kiến của trẻ em, không ngược đãi, song không nuông chiều trẻ.

– Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; Hoà thuận với anh chị em, họ hàng; Cởi mở, chân thành, xây dựng mối quan hệ tốt với hàng xóm, láng giềng.

– Tiết kiệm trong sản xuất, tiêu dùng; Trang trí nội thất gia đình gọn gàng, sạch đẹp.

4.3. Trong cộng đồng, xã hội:

– Làm việc, hội họp nghiêm túc, đúng giờ; sắp xếp nơi làm việc ngăn nắp và thuận tiện; Đoàn kết, chân thành với đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ.

– Không ứng xử thô bạo, gay gắt, to tiếng tại nơi công cộng.

– Tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội; không mê tín dị đoan.

– Tôn trọng pháp luật, thực hiện tốt các quy ước, quy chế dân chủ ở nơi cư trú; Không tham gia các tệ nạn xã hội; Không tham gia khiếu kiện trái quy định của pháp luật.

– Đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, xe gắn máy; Chấp hành nghiêm đèn tín hiệu, biển báo khi tham gia giao thông; Quản lý giáo dục con em: không đi xe máy khi chưa đủ tuổi, không phóng nhanh vượt ẩu, đua xe và cổ vũ đua xe trái phép…

– Bài trừ văn hoá phẩm độc hại và các loại hình dịch vụ không lành mạnh; Giữ gìn, bảo vệ các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh của Thủ đô, đất nước.

– Biết cảm thông, chia sẻ giúp đỡ người già, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

4.4. Đối với môi trường tự nhiên:

– Đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không vứt rác, phế thải tuỳ tiện ra đường phố, mương sông …

– Không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, dịch vụ; Tham gia phát hiện và ngăn chặn quảng cáo, rao vặt trái phép.

– Tích cực trồng và chăm sóc cây xanh, bồn hoa, cây cảnh …Tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; giữ gìn các tuyến phố vệ sinh – văn minh đô thị, đoạn đường phụ nữ tự quản.

– Thực hiện quy trình sản xuất vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

KẾT LUẬN

Để phấn đấu hoàn thiện phẩm chất Thanh lịch theo các tiêu chí nói trên không phải là điều dễ dàng, ngày một, ngày hai đối với mỗi người phụ nữ mà đó phải là ý thức tự rèn luyện, phấn đấu thường xuyên, liên tục. Phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, ngay trong gia đình và sau đó là những việc lớn hơn ra phạm vi xã hội.

Bản thân một mình phụ nữ cũng không thể làm được nếu không tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh; có sự hỗ trợ của những người thân trong gia đình, nhất là nam giới; sự đồng thuận ủng hộ của xã hội, cộng đồng; các ban ngành, đoàn thể. Vì vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban nữ công Công đoàn các cấp phải là tổ chức đi tiên phong trong việc cung cấp, trang bị cho chị em những kiến thức, kỹ năng cần thiết; tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ có thể rèn luyện, phấn đấu hoàn thiện mình. Giáo dục có tính thuyết phục nhất vẫn là việc “Nêu gương”. Vì vậy, Hội phụ nữ, Ban nữ công các cấp cần phát hiện, nêu gương kịp thời những tấm gương phụ nữ có những phẩm chất, đức tính tốt đẹp để chị em học tập, noi theo.

Nhiều nhà văn, nhà thơ đã từng ví phụ nữ là “bông hoa” – “mùa xuân” của cuộc đời, nếu mỗi phụ nữ chúng ta có ý thức phấn đấu rèn luyện, hoàn thiện mình thì cũng góp phần mang đến cho đời những bông hoa ngát hương, tỏa sắc.

BAN TUYÊN GIÁO HỘI LHPN HÀ NỘI

THÁNG 4/2014