Thành phần biệt lập là gì? Các loại thành phần biệt lập và ví dụ minh họa

Trong tiếng Việt giao tiếp hằng ngày cũng như trong văn chương, ta rất dễ bắt gặp các thành phần biệt lập trong câu. Vậy cụ thể thì thành phần biệt lập là gì? Như thế nào gọi là thành phần biệt lập tình thái? Hãy để bài viết dưới đây giải đáp những câu hỏi của các bạn. Cùng chúng mình tìm hiểu rõ nhé!

Khái niệm thành phần biệt lập

Theo khái niệm trong sách giáo khoa, thành phần biệt lập là thành phần có trong một câu. Tuy nhiên, nó lại khá đặc biệt vì không đóng vai trò biểu đạt ngữ nghĩa của câu văn đó. Trong đời sống hằng ngày, ta rất dễ bắt gặp những từ hoặc cụm từ như: Ôi trời, trời ơi, hỡi, chà, hình như, có vẻ, dường như, v.v.. Đây chính là những thành phần biệt lập, mặc dù không biểu đạt ngữ nghĩa nhưng lại giúp cho câu văn trở nên trọn vẹn hơn.

Các loại thành phần biệt lập

Thành phần biệt lập được chia thành 4 loại, gồm: Thành phần biệt lập tình thái, thành phần biệt lập gọi đáp, thành phần biệt lập cảm thán và thành phần biệt lập phụ chú. Cùng chúng mình tìm hiểu kỹ hơn về đặc điểm của mỗi loại nhé!

Thành phần biệt lập tình thái

– Khái niệm: Thành phần biệt lập tình thái xuất hiện rất phổ biến trong các cuộc giao tiếp, đối thoại giữa mọi người với nhau. Đây là thành phần giúp người nói hay người viết bộc lộ thái độ, cảm xúc của mình, hoặc cách nhìn nhận, đánh giá trước một hiện tượng, sự việc, sự vật, vấn đề nào đó trong cuộc sống. – Đặc điểm: Thành phần biệt lập tình thái có thể là một từ hoặc cụm từ, thể hiện thái độ, cách nhìn nhận và đánh giá của người nói (người viết) trước một vấn đề bất kỳ. – Cách nhận biết: Dựa vào những từ ngữ thể hiện mức độ tin cậy như: hình như, có vẻ là, dường như, có lẽ, có vẻ như, chắc, chắc là, chắc hẳn, chắc chắn. – Ví dụ:

  • Hình như cậu ấy bị ốm.
  • Chắc chắn năm nay bạn sẽ đạt danh hiệu Học sinh giỏi.
  • Hình như hôm nay trời có mưa.

Thành phần biệt lập gọi đáp

– Khái niệm: Đúng như tên gọi, đây là thành phần biệt lập có chức năng gọi và đáp, giúp duy trì cuộc trò chuyện, đối thoại giữa hai hoặc nhiều người với nhau. – Đặc điểm: Thành phần biệt lập gọi đáp có thể là một từ hoặc cụm từ, có nhiệm vụ xác lập hay duy trì một mối quan hệ giao tiếp giữa hai hoặc nhiều người với nhau. – Cách nhận biết: Dựa vào các từ ngữ như: ơi, hỡi, thưa…, và mối quan hệ giao tiếp trong một câu văn. – Ví dụ:

  • Minh ơi, cậu đang làm gì vậy?
  • Thưa mẹ, con đi học ạ.
  • Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?” (Ca dao)

Thành phần biệt lập cảm thán

– Khái niệm: Thành phần biệt lập cảm thán là thành phần biệt lập có tác dụng bộc lộ, thể hiện thái độ, tình cảm, trạng thái cảm xúc của người viết hoặc người nói trước một vấn đề, câu chuyện nào đó,… Từ đó giúp cho người nghe hoặc người đọc có thể nắm bắt được tâm tư, suy nghĩ của người nói hay người viết. – Đặc điểm: Thành phần biệt lập cảm thán thường đứng tách biệt thành một từ ở đầu câu. – Cách nhận biết: Thành phần biệt lập cảm thán diễn tả sắc thái cảm xúc của con người (như yêu, ghét, vui, buồn,…) và đứng sau nó có thể là dấu phẩy hoặc dấu hai chấm. – Ví dụ:

  • Chao ôi, cô Lan làm hoa giấy khéo tay quá!
  • Ái chà, dạo này siêng học ghê!
  • Trời ơi! Điện thoại tôi mới đặt ở đây đâu rồi?

Thành phần biệt lập phụ chú

– Khái niệm: Thành phần biệt lập phụ chú là thành phần được thêm vào trong câu nhằm mục đích liệt kê, bổ sung thêm thông tin, giải thích nội dung câu văn,… để người nghe hoặc người đọc có thể hiểu rõ nghĩa của câu. – Đặc điểm: Trong tiếng Việt, thành phần biệt lập phụ chú có thể được thể hiện bằng một từ, cụm từ hay một câu. – Cách nhận biết: Thành phần biệt lập phụ chú thường đứng sau các dấu câu thông dụng như: Dấu phẩy, dấu gạch ngang, dấu hai chấm hoặc dấu ngoặc tròn. – Ví dụ:

  • Mẹ em – một người phụ nữ chịu thương chịu khó – luôn hết lòng chăm sóc cho gia đình.
  • Bạn Nga (hàng xóm của em) là học sinh giỏi nhất lớp.
  • Vườn nhà em trồng rất nhiều loại cây ăn quả: cam, quýt, ổi, bưởi, xoài.

Bài tập vận dụng về thành phần biệt lập

Sau đây là một số bài tập vận dụng về thành phần biệt lập trong câu. Các bạn có thể tham khảo để chuẩn bị và ôn tập cho những kỳ thi sắp tới.

  • Bài tập 1: Từ nào sau đây thuộc thành phần biệt lập tình thái?

A. Này

B. Thưa

C. Ôi trời

D. Có lẽ

Đáp án: D

  • Bài tập 2: Phát biểu nào sau đây là sai?

A. Thành phần biệt lập đóng vai trò biểu đạt ngữ nghĩa trong câu.

B. Thành phần biệt lập gọi đáp giúp duy trì cuộc đối thoại trong câu.

C. Thành phần biệt lập được chia thành 4 loại.

D. Thành phần biệt lập phụ chú được thêm vào câu nhằm mục đích liệt kê, bổ sung thêm thông tin,…

Đáp án: A

  • Bài tập 3: Liệt kê các thành phần biệt lập có trong những câu dưới đây:

a. Dường như, vật duy nhất vẫn bình tĩnh, phớt lờ mọi biến động chung là chiếc kim đồng hồ.

b. Thưa ông, chúng cháu ở Gia Lâm lên đấy ạ. Đi bốn năm hôm mới lên đến đây, vất vả quá!

c. Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi càng buồn lắm.

Đáp án:

a. dường như: thành phần biệt lập tình thái

b. thưa ông: thành phần biệt lập gọi đáp

vất vả quá: thành phần biệt lập cảm thán

c. tôi nghĩ vậy: thành phần biệt lập phụ chú

  • Bài tập 4: Tìm thành phần biệt lập có trong ví dụ sau đây. Hãy cho biết có thể thay thế nó bằng các từ nào khác:

“Anh quay lại nhìn con vừa khẽ lắc đầu vừa cười. Có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên anh phải cười vậy thôi.”

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

Đáp án: Thành phần biệt lập tình thái: “có lẽ”.

Ta có thể thay thế từ này bằng các từ: hình như, dường như, có vẻ,…

  • Bài tập 5: Tìm thành phần biệt lập trong các câu sau:

a. Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

b. Chắc hẳn trận đấu tối nay giữa tuyển Việt Nam với tuyển Thái Lan sẽ thu hút đông đảo người xem và cổ vũ.

c. Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi.

d. Cô bé nhà bên (có ai ngờ)

Cũng vào du kích

Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)

e. Thưa bác, con mới từ Hà Nội về thăm gia đình ta ạ!

f. Trời ơi, chỉ còn có năm phút!

Đáp án:

a. Thành phần biệt lập tình thái: hình như.

b. Thành phần biệt lập tình thái: chắc hẳn.

c. Thành phần biệt lập phụ chú: kể cả anh.

d. Thành phần biệt lập phụ chú: có ai ngờ.

e. Thành phần biệt lập gọi đáp: thưa bác.

f. Thành phần biệt lập cảm thán: trời ơi.

  • Bài tập 6: Tìm thành phần biệt lập tình thái, cảm thán trong các câu dưới đây :

a. Nhưng còn cái này nữa mà ông sợ, có lẽ còn ghê rợn hơn cả những tiếng kia nhiều.

(Kim Lân, Làng)

b. Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài.

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

c. Ông lão bỗng ngừng lại ngờ ngợ như lời mình không được đúng lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đổ đốn đến thế được.

(Kim Lân, Làng)

Đáp án:

a. Thành phần biệt lập tình thái: có lẽ.

b. Thành phần biệt lập cảm thán: chao ôi.

c. Thành phần biệt lập tình thái: chả nhẽ.

Xem thêm:

  • Từ đồng âm là gì? Phân loại, cách nhận biết và bài tập về từ đồng âm
  • Tình thái từ là gì? Tác dụng, phân loại và ví dụ minh họa về tình thái từ
  • Phó từ là gì? Các loại phó từ, cách dùng và ví dụ bài tập có đáp án

Trên đây là cách phân loại thành phần biệt lập trong câu và một số bài tập vận dụng lý thuyết. Hy vọng các bạn đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích. Chúc các bạn sẽ đạt được kết quả cao trong những kỳ thi sắp tới. Và đừng quên đón đọc những bài viết mới nhất tại trang web bambooschool.edu.vn các bạn nhé!