Đổi địa chỉ công ty khi thay đổi địa giới hành chính

Nguồn: Internet

1. Địa giới hành chính là gì?

Địa giới hành chính được hiểu là đường ranh giới phân chia các đơn vị hành chính được đánh dấu bằng các mốc địa giới, là cơ sở pháp lí phân định phạm vi trách nhiệm của bộ máy hành chính nhà nước các cấp trong việc quản lí dân cư, đất đai, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội ở địa phương.

Điều 29 Luật đất đai 2013 quy định:

1. Chính phủ chỉ đạo việc xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp trong phạm vi cả nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về trình tự, thủ tục xác định địa giới hành chính, quản lý mốc địa giới và hồ sơ địa giới hành chính các cấp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về kỹ thuật và định mức kinh tế – kỹ thuật trong việc cắm mốc địa giới hành chính, lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp.

2. Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện việc xác định địa giới hành chính trên thực địa và lập hồ sơ về địa giới hành chính trong phạm vi địa phương.

Tại một thời điểm, cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành các quyết định chia, tách, sáp nhập các đơn vị hành chính.

Ví dụ: Thành phố Thủ Đức được thành lập từ việc nhập 3 quận: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Lúc này, địa giới hành chính tại 3 quận bị sáp nhập đã có sự thay đổi.

2. Thủ tục thay đổi địa chỉ công ty do địa giới hành chính

Nếu có sự thay đổi về địa giới hành chính thì thông tin về trụ sở sở chính của doanh nghiệp cũng sẽ có sự thay đổi. Mặc dù doanh nghiệp không phải di chuyển trụ sở nhưng tên trụ sở về mặt hành chính và trên thực tế đã có sự thay đổi.

Theo Điều 28 Luật Doanh nghiệp 2020, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp là một trong những thông tin thể hiện Giấy chứng nhân đăng ký doanh nghiệp.

Khoản 1 Điều 30 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định:

1. Doanh nghiệp phải đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quy định tại Điều 28 của Luật này.

Thành phần Hồ sơ:

Theo Điều 63 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ Cập nhật, bổ sung thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bao gồm:

1. Thông báo về việc bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp (mẫu Phụ lục II-5 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT)

2. Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là người đại diện theo pháp luật. Văn bản này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

3. Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người được ủy quyền thực hiện thủ tục (nếu có):

– Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.

– Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.

Nơi nộp hồ sơ:

Doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng một trong hai phương thức:

– Nộp tại Bộ phận một cửa của Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT (Phòng ĐKKD) tỉnh/ thành phố nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính;

– Nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia (Đối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bắt buộc nộp qua mạng).

Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp thông tin đăng ký doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bị thiếu hoặc chưa chính xác so với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy do quá trình chuyển đổi dữ liệu, Phòng Đăng ký kinh doanh hướng dẫn doanh nghiệp hoặc trực tiếp bổ sung, cập nhật thông tin theo quy định.

Lệ phí giải quyết

Miễn lệ phí (khoản 3 Điều 63 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).

Như vậy, khi địa giới hành chính thay đổi thì địa chỉ công ty cũng phải được thay đổi. Trong trường hợp này, công ty làm thủ tục cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp và sẽ được miễn lệ phí khi thực hiện.

Căn cứ pháp lý:

Luật Doanh nghiệp 2020;

Luật đất đai 2013;

Nghị định 01/2021/NĐ-CP.