Nhiều người đã nghe rất nhiều cụm từ ” Hành vi cạnh tranh không lành mạnh” nhưng hiểu rõ về khái niệm, đặc điểm của nó thì ít người biết. Hôm nay công ty Luật tại Nghệ An FBLAW gửi đến bạn đọc bài viết Khái niệm và đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh để giúp bạn đọc có một cái nhìn cụ thể hơn về hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Theo khoản 6 điều 3 Luật cạnh tranh 2018 thì hành vi cạnh tranh không lành mạnh được hiểu là: hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.
Bạn đang xem: Khái niệm, đặc điểm cạnh tranh không lành mạnh
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh
1.Hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh
Đặc điểm này thể hiện quy định về đối tượng áp dụng của Luật cạnh tranh. Theo đó, chủ thể thực hiện hành vi cạnh tranh chỉ bao gồm các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, các hiệp hội ngành nghề. Những đối tượng còn lại như các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức của người tiêu dùng, các đơn vị truyền thông, các tổ chức phi kinh tế… không là đối tượng áp dụng các quy định của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh. Đôi khi, thực tế phát sinh những tình huống một số tổ chức phi kinh tế, các đơn vị truyền thông… thực hiện những hành vi xâm phạm đến quyền cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp, ví dụ tung tin không trung thực về doanh nghiệp, về hàng hóa. dịch vụ…. Với việc giới hạn chủ thể thực hiện hành vi, pháp luật cạnh tranh không áp dụng để xử lý những tình huống trên. Mặt khác, đặc điểm này cũng khẳng định hành vi cạnh tranh không lành mạnh xảy ra trong kinh doanh ở mọi ngành, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, mọi công đoạn của quá trình kinh doanh. Pháp luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh được áp dụng cho mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực kinh tế. Nói cách khác, pháp luật không giới hạn áp dụng cho bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực hoặc hoạt động kinh doanh nào của kinh tế quốc dân
2. Hành vi cạnh tranh trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh
Đặc điểm này là căn cứ lý luận để xác định bản chất không lành mạnh của hành vi. Tuy nhiên, “trái với chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh” là thuật ngữ trừu tượng cả về pháp lý lẫn lý thuyết. Không có những căn cứ pháp lý hoặc cấu thành pháp lý cụ thể để xác định đặc điểm này. Thế nên, Cơ quan có thẩm quyền không thể sử dụng khái niệm hành vi không lành mạnh để quy kết một hành vi cụ thể của doanh nghiệp là không lành mạnh. Để khắc phục tình trạng trên, pháp luật cạnh tranh đã tập trung giải quyết hai nội dung sau:
Xem thêm : Quan hệ pháp luật dân sự là gì?
Một, vì các phương pháp cạnh tranh rất đa dạng, bao gồm thủ đoạn gây nhầm lẫn, gian dối, gièm pha, bóc lột, gây rối, nên Luật Cạnh tranh 2018 đã liệt kê các hành vi cạnh tranh bị coi là không lành mạnh và quy định cấu thành pháp lý của chúng. Pháp luật cạnh tranh của hầu hết các nước như Cộng hoà liên bang Đức, Nhật bản… đều có cách tiếp cận tương tự, tức là ngoài việc đưa ra khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh(Điều 1 Luật chống cạnh tranh không lành mạnh Cộng hòa Liên bang Đức quy định: “người nào trong quan hệ thương mại mà có những hành vi nhằm mục đích cạnh tranh, song những hành vi này chống lại truyền thống kinh doanh lành mạnh thì buộc phải chấm dứt hành vi đó và bồi thường thiệt hại”) còn liệt kê và mô tả từng hành vi bị coi là không lành mạnh trong cạnh tranh. Khái niệm hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Luật cạnh tranh Việt nam và của các nước chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết. Trong thực tế, việc áp dụng sẽ căn cứ vào các quy định về từng hành vi vi phạm cụ thể như chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh, dèm pha doanh nghiệp khác….
Hai, các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh được xác định dựa vào hai căn cứ sau đây:
– Căn cứ luật định là những tiêu chuẩn đã được định lượng hoá bằng pháp luật, một khi hành vi đi trái với các quy định pháp luật sẽ được xem là không lành mạnh. Trong trường hợp này, hành vi cạnh tranh không lành mạnh đồng nghĩa với hành vi cạnh tranh bất hợp pháp. Theo đó, hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể là hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm điều cấm của pháp luật (bao gồm các quy định cấm của Luật Cạnh tranh và các văn bản pháp luật khác như pháp luật thương mại, pháp luật về quản lý giá, pháp luật về sở hữu trí tuệ…) hoặc là hành vi vi phạm các tiêu chuẩn lành mạnh được pháp luật quy định như pháp luật khuyến mại quy định giới hạn của giá trị khuyến mại như sau: “mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại(Điều 6 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.).
– Các tập quán kinh doanh thông thường đã được thừa nhận rộng rãi được áp dụng đối với những hành vi chưa được pháp luật dự liệu là cạnh tranh không lành mạnh. Nói cách khác, căn cứ này là biện pháp dự phòng để áp dụng cho những trường hợp pháp luật chưa quy định về một hành vi cụ thể nhưng khi hành vi này được thực hiện đã xâm hại đến quyền cạnh tranh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh khác, quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và trái với tập quán kinh doanh. Căn cứ này đã mở rộng khả năng điều chỉnh và khắc phục được tình trạng chóng lạc hậu của pháp luật cạnh tranh. Cho đến nay, Luật cạnh tranh chưa quy định những tập quán kinh doanh nào được coi là các chuẩn mực đạo đức thông thường.
Tính trái chuẩn mực đạo đức thông thường trong kinh doanh của hành vi cạnh tranh không lành mạnh đòi hỏi pháp luật cạnh tranh phải luôn được chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Nhận thức về các dấu hiệu, biểu hiện không lành mạnh cụ thể luôn thay đổi và có sự khác biệt theo từng điều kiện và hoàn cảnh cụ thể như sau: – Quan niệm về tính không lành mạnh là kết quả của những ý niệm liên quan đến xã hội học, kinh tế học, đạo đức học của một xã hội nhất định nên có thể dẫn đến hiện tượng là hành vi cạnh tranh bị coi là cạnh tranh không lành mạnh ở nước này, nhưng được coi là lành mạnh ở nước khác.
– Trong đời sống thị trường, những hành vi cạnh tranh luôn được sáng tạo không ngừng về hình thức thể hiện và phương thức cạnh tranh, làm xuất hiện những thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh mới muôn mầu, muôn vẻ và phát triển không ngừng. Vì vậy, phạm vi của khái niệm cạnh tranh không lành mạnh cũng phải luôn được bổ sung bởi sự nhận thức của con người về bản chất không lành mạnh của những hành vi mới phát sinh.
– Hiện nay, pháp luật cạnh tranh của các nước, các học thuyết liên quan đến cạnh tranh chưa đưa ra được những tiêu chuẩn chung về tính lành mạnh của hành vi cạnh tranh mà chỉ mới dựa vào việc phân tích các hậu quả của hành vi cạnh tranh đối với đời sống kinh tế, xã hội để xác định sự lành mạnh và mức độ biểu hiện của các hành vi đó. Theo sự thay đổi và phát triển của thị trường, nhận thức về mức độ ảnh hưởng của từng hành vi trên thị trường cũng thay đổi. Có những thời điểm nhất định, hành vi nào đó có thể sẽ là nguy hiểm cho xã hội, nhưng ở thời điểm khác lại không có điều kiện để gây hại cho đối thủ hoặc cho người tiêu dùng. Sự thay đổi đó đã làm cho phạm vi của khái niệm cạnh tranh không lành mạnh luôn biến đổi.
3.Hành vi gây thiệt hại, có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp khác và người tiêu dùng
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh có đối tượng xâm hại cụ thể là lợi ích của Nhà nước, của các doanh nghiệp khác và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thiệt hại mà hành vi gây ra có thể là hiện thực (đã xảy ra) nhưng cũng có thể chỉ là tiềm năng (có căn cứ để xác định rằng hậu quả chắc chắn sẽ xảy ra nếu không ngăn chặn hành vi). Do đó, một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh có cấu thành vật chất (thiệt hại là dấu hiệu bắt buộc) như dèm pha doanh nghiệp khác; một số hành vi có cấu thành hình thức (thiệt hại không là dấu hiệu bắt buộc mà có thể chỉ là sự suy đoán nếu hành vi tiếp tục được thực hiện), ví dụ hành vi quảng cáo không trung thực….
Đặc điểm về hậu quả của hành vi giúp cho chúng ta phân biệt dưới góc độ lý thuyết hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi hạn chế cạnh tranh. Hành vi hạn chế cạnh tranh là những xử sự của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp làm thay đổi một cách tiêu cực tình trạng cạnh tranh hoặc làm giảm tác dụng của cạnh tranh đối với thị trường. Hành vi hạn chế cạnh tranh có thể gây thiệt hại cho một, một số đội tượng cụ thể, song nghiêm trọng hơn là làm cản trở, làm suy giảm hoặc sai lệch cạnh tranh. Trong khi đó, hành vi cạnh tranh không lành mạnh chỉ gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh khác hoặc cho người tiêu dùng, xâm hại đến trật tự quản lý cạnh tranh của nhà nước mà không cản trở, sai lệch hay làm giảm tình trạng cạnh tranh của thị trường. Vì vậy, cách thức và mức độ xử lý đối với hai loại hành vi này khác nhau. Dưới góc độ lịch sử phát triển, những đặc điểm về hậu quả của hành vi cạnh tranh không lành mạnh thay đổi theo thời gian phụ thuộc vào nhận thức của con người về tính nguy hại và mức độ xâm hại của hành vi đó đối với lợi ích mà pháp luật cần bảo vệ. Ở thời kỳ đầu tiên, pháp luật cạnh tranh chỉ nhằm chống lại các biểu hiện không lành mạnh xâm phạm lợi ích của đối thủ cạnh tranh theo quan niệm cạnh tranh phải là sự đối đầu giữa các đối thủ trên thị trường, vì vậy những hành vi xâm hại lợi ích người tiêu dùng không nằm trong khái niệm cạnh tranh không lành mạnh. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, những hành vi không lành mạnh được thực hiện với khách hàng (người tiêu dùng), tưởng chừng như không liên quan đến các đối thủ cạnh tranh nhưng thực tế cũng làm tổn hại và thậm chí phá vỡ trật tự và hệ thống cạnh tranh hiện hành(Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật). Do đó, quan niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã làm cho pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh mở rộng phạm vi sang cả những hành vi xâm hại lợi ích của khách hàng, của người tiêu dùng.
Hơn 20 năm phát triển thị trường của Việt Nam cho thấy cạnh tranh không lành mạnh đang diễn ra trong tất cả các ngành kinh tế. Ngoài khu vực độc quyền của các doanh nghiệp Nhà nước, ở các khu vực khác của thị trường Việt nam đã có sự tồn tại của cạnh tranh ở những mức độ nhất định. Trong bối cảnh thực hiện nền kinh tế thị trường, ở đâu có cạnh tranh, ở đó có cạnh tranh không lành mạnh. Các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh cũng diễn ra trên các thị trường hoá mỹ phẩm, nước giải khát và trong lĩnh vực quảng cáo, khuyến mại, mua bán…. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh rất đa dạng và luôn thay đổi về hình thức thực hiện. Ví dụ trong lĩnh vực quảng cáo, có thể nghi ngờ tính trung thực của thông tin được cung cấp (về khả năng tăng cường trí thông minh của các lọai thuốc dinh dưỡng, về tác động của các sản phẩm sữa cho trẻ em…), về sự so sánh của các doanh nghiệp kinh doanh hóa mỹ phẩm.
Trên đây là khái niệm và đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Để được tư vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư giỏi vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline 0385953737 hoặc 0973.098.987.
Trân trọng.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp