Trong cuộc sống, công tác – đặc biệt là trong các tổ chức Đảng, đoàn thể, Nhà nước, chúng ta thường nghe những nhận xét, đánh giá khi sinh hoạt: cán bộ A, cán bộ B năng động, sáng tạo (NĐ,ST); cán bộ C, cán bộ D thiếu NĐ,ST. Hay những lời nhắc nhở “cần NĐ,ST hơn”. Vì sao phải cần như vậy? Vì NĐ,ST là thước đo phẩm chất, năng lực, sự nhiệt huyết của người cán bộ trong chức trách, nhiệm vụ được phân công.
NĐ,ST là phẩm chất cần thiết của mỗi người – nhất là cán bộ, đảng viên trong thời đại mới. NĐ,ST giúp cán bộ giữ trọng trách vượt qua những ràng buộc của hoàn cảnh, rút ngắn thời gian để đạt được mục đích đã đề ra một cách nhanh nhất.
Bạn đang xem: Năng động, sáng tạo
Có thể nói, nhờ có NĐ,ST mà con người ta đã làm nên những kỳ tích (ở lĩnh vực nào cũng có: trong lao động, học tập, trong nghiên cứu khoa học, trong đời sống, tinh thần, trong văn hóa – nghệ thuật và cả trong lãnh đạo, chỉ đạo…) đem lại vinh quang cho bản thân, gia đình và cho đất nước. Trong xu thế phát triển của thời đại, yếu tố NĐ,ST là một trong những yếu tố đòi hỏi, cần thiết đối với mỗi con người – trong đó không thể thiếu đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Năng động là tích cực, chủ động “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá” là sự say mê tìm tòi để tạo ra những giá trị mới (cả vật chất, cả tinh thần).
Sáng tạo là quá trình hoạt động của con người tạo ra giá trị vật chất, tinh thần mới về chất (theo Tự điển Triết học). Sáng tạo không phải là cái gì đó vĩ đại, lớn lao mà tất cả những gì vượt qua khuôn khổ cũ và chứa đựng dù chỉ là một nét của cái mới, thì nguồn gốc của nó đều có quá trình sáng tạo của con người.
NĐ,ST là tìm ra cách giải quyết vấn đề một cách mới mẻ, không phụ thuộc, gò bó, nằm ngoài cái đã có, ngoài lối mòn của người đi trước. Năng động là cơ sở để sáng tạo và sáng tạo là động lực để năng động.
Người năng động luôn tìm tòi, suy nghĩ và họ luôn “truy” đến cùng bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra: “Tư tưởng bảo thủ là sợi dây cột chân, cột tay người ta… Muốn có tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”.
Là cán bộ, đảng viên cần nhận thức: muốn “gầy dựng” nên phẩm chất NĐ,ST là phải luôn trau dồi, học tập nâng cao kiến thức, bám sát thực tiễn, rèn luyện cho mình một tư duy mới đủ khả năng đáp ứng với thực tiễn. Tư duy là điều kiện không thể thiếu, là điểm xuất phát của mọi việc. Muốn có hành động đúng phải có tư duy đúng. Tư duy của cán bộ, đảng viên là tư duy cách mạng, khoa học để phát huy tinh thần NĐ,ST, tự chủ để hoàn thành mọi nhiệm vụ được tổ chức phân công.
Xem thêm : Cạnh tranh là gì? Mục đích và tính chất của cạnh tranh
Nâng cao tính khoa học, NĐ,ST của cán bộ, đảng viên đòi hỏi phải có trình độ lý luận chính trị, phải gắn lý luận với thực tiễn cách mạng để nắm được bản chất khoa học, cách mạng của sự vật, hiện tượng làm cơ sở cho nhận thức thực tiễn đúng đắn và có biện pháp giải quyết thấu đáo, NĐ,ST và đạt hiệu quả cao.
Muốn đạt được phẩm chất của người cán bộ, đảng viên NĐ,ST là phải biết rèn luyện phong cách làm việc, có kế hoạch khoa học, chặt chẽ, có quan điểm thực tiễn, biết học “cách nói của quần chúng, học cách làm của quần chúng”, có như thế mới dẫn đến nhận thức và hành động đúng, đem lại niềm tin vững chắc cho quần chúng nhân dân.
N.N.K (bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp)
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp