Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân ở Việt Nam

frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video thế nào là nhà nước của dân

Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, với hành trang là chủ nghĩa yêu nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh luôn tìm tòi, khảo nghiệm để lựa chọn mô hình nhà nước tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử nhân loại. Người đã sớm đặt ra vấn đề tất yếu, phải lật đổ chế độ thực dân phong kiến, xây dựng nhà nước kiểu mới vô sản theo tinh thần của bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin mà Người được đọc trên báo Nhân đạo. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam với vấn đề giải phóng dân tộc, Người đã khảo cứu các loại hình, thể chế nhà nước đương thời trên thế giới. Với tư duy chính trị nhạy bén, sắc sảo, mẫn tiệp, vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX, tại Đại hội Tua, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III – Quốc tế Cộng sản; sự kiện này đánh dấu Nguyễn Ái Quốc đã chuyển từ lập trường yêu nước sang lập trường cộng sản, lựa chọn con đường cách mạng vô sản. Đây cũng là sự khởi đầu một bước ngoặt căn bản trong lịch sử và sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Thực hiện bước ngoặt đó, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn tất chặng đường đầu của hành trình cứu nước, đã tìm ra chân lý của thời đại và bắt đầu cuộc đấu tranh đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc của Nhân dân ta vào quỹ đạo cách mạng vô sản theo học thuyết Mác – Lênin, đó là “Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”(1).

Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam trong Cách mạng tháng Tám được xây dựng với bước đi, cách làm độc đáo, không giáo điều, rập khuôn. Để định hình mô hình nhà nước kiểu mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Đảng ta vận dụng sáng tạo “tinh thần Xô viết”, thành lập Ủy ban Việt Minh, Ủy ban giải phóng và Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh, liên tỉnh. Giữa năm 1945, khu giải phóng Việt Bắc đã hình thành chính quyền hoàn chỉnh. Đồng bào các dân tộc Việt Bắc đã được hít thở không khí tự do, được tổ chức sản xuất, đánh giặc, tham gia quản lý mọi mặt đời sống xã hội và bảo vệ chính quyền. Cách mạng Tháng Tám thành công là mốc son chói lọi, vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước bước sang kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thoát khỏi sự áp bức bóc lột gần 100 năm của thực dân Pháp, xóa bỏ hoàn toàn chế độ phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước kiểu mới chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Đây là kiểu nhà nước khác về bản chất so với nhà nước phong kiến đã từng tồn tại trong lịch sử dân tộc Việt Nam và các kiểu nhà nước tư sản hiện thời – là một Nhà nước thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; mang bản chất giai cấp công nhân, có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Nhà nước kiểu mới đó được thể hiện ở những đặc điểm sau:

Thứ nhất, là nhà nước của Nhân dân, mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về Nhân dân.

Nhân dân là người nắm giữ quyền lực, còn các cơ quan nhà nước do Nhân dân tổ chức ra, công chức là người được ủy quyền, thực hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là công bộc của Nhân dân. Thể chế dân chủ cộng hòa đã làm thay đổi tận gốc quan hệ quyền lực chính trị, Nhân dân được đặt ở vị trí cao nhất, Nhà nước không còn là công cụ thống trị, nô dịch Nhân dân như trong thời phong kiến. Ngay tại Điều 1 Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Như vậy, trong Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhân dân là chủ thể cơ bản.

Thứ hai, là Nhà nước do Nhân dân trực tiếp tổ chức, xây dựng thông qua Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó…Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết. Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”(2). Thông qua việc bầu các đại biểu dân cử, Nhân dân thực hiện quyền lực của mình bằng hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Quyền lực tối cao của Nhân dân không chỉ thể hiện ở việc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, mà còn ở quyền bãi miễn, kiểm soát hoạt động của các đại biểu: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”(3). Cơ chế này sẽ giúp cho đại biểu dân cử trong sạch, giữ được phẩm chất và phát huy trong quá trình công tác. Ngược lại, các đại biểu dân cử phải giữ mối liên hệ thường xuyên với Nhân dân; nếu thoát ly quan hệ này sẽ rơi vào quan liêu, trì trệ, đứng trên Nhân dân, trái với bản chất dân chủ thực sự của nhà nước cách mạng kiểu mới.

Ngày 06/01/1946 đã bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái; có 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số. Như vậy, đây là những đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, sau hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến và hơn 80 năm dưới ách thống trị của chế độ thực dân, người dân Việt Nam được tự do lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài để gánh vác công việc của nước nhà.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 đã đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có Quốc hội, Chính phủ thống nhất, Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại. Đây là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ – Nhà nước kiểu mới của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của Nhân dân ta. Đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của Nhân dân Việt Nam và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ ba, là Nhà nước vì Nhân dân trong nhận thức và hành động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(4).

Chức năng đối nội cơ bản của Nhà nước là hướng dẫn Nhân dân tổ chức tốt đời sống, lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần nhằm thỏa mãn nhu cầu của Nhân dân. Việc đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu lợi ích của Nhân dân là tiêu chí hàng đầu để đánh giá hiệu quả, năng lực hoạt động của Nhà nước. Bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(5). Theo đó, Người yêu cầu chính quyền nhà nước các cấp cần phải thực hiện ngay bốn điều mấu chốt sau: “1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành”(6).

Thứ tư, là Nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân và tính dân tộc sâu sắc.

Bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước kiểu mới được xây dựng, tổ chức và hoàn thiện trên cơ sở nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin về nhà nước chuyên chính vô sản, áp dụng vào điều kiện, đặc điểm nước ta để có hình thức và cơ chế vận hành thích hợp; xác lập và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước; thiết chế và tổ chức hoạt động của Nhà nước được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng thời, Nhà nước kiểu mới còn có sự thống nhất giữa tính giai cấp và tính dân tộc. Cơ sở xã hội của Nhà nước không bó hẹp trong phạm vi một giai cấp, tầng lớp, mà là toàn thể dân tộc trên cơ sở liên minh công nhân – nông dân – trí thức. Cơ sở đó không thay đổi trong quá trình vận động đi lên của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “… quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một”(7), “Tất cả những việc Đảng và Chính phủ đề ra đều nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân. Làm gì mà không nhằm mục đích ấy là không đúng”(8). Khi giai cấp công nhân nắm chính quyền thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, trở thành người đại diện chân chính của dân tộc thì Nhà nước cũng trở thành Nhà nước của toàn thể dân tộc Việt Nam, bởi khi đó cơ sở xã hội của Nhà nước là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và các tầng lớp xã hội.

Thứ năm, bộ máy nhà nước kiểu mới có mô hình và tổ chức hoạt động kiểu mới.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra một chính thể Nhà nước kiểu mới ở nước ta, đó là chính thể dân chủ cộng hòa. Sự ra đời của chính thể dân chủ cộng hòa thể hiện tư duy sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lựa chọn tổ chức mô hình nhà nước, vừa tiếp thu phổ biến các giá trị của nhân loại, vừa phù hợp với các đặc điểm cụ thể của đất nước. Người nhấn mạnh: “Cách mạng Tháng Tám thành công, ta lập ra Chính phủ mới, quân đội, công an, tòa án, pháp luật mới của nhân dân để chống kẻ địch trong và ngoài, và để giữ gìn quyền lợi của nhân dân”(9).

Tổ chức và hoạt động của Nhà nước kiểu mới được thể hiện sâu sắc trong Hiến pháp năm 1946 và các sắc lệnh liên quan. Cấu trúc quyền lực của bộ máy nhà nước, bao gồm quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp và tương ứng là các cơ quan nhà nước trên từng lĩnh vực hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của Hiến pháp quy định. Theo đó, ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xác định là: phải có một bản Hiến pháp dân chủ. Ngày 20/9/1945, Chủ tịch lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Sắc lệnh thành lập Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 7 thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I (từ ngày 28/10 đến ngày 09/11/1946), Quốc hội đã thảo luận và thông qua Bản dự thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Hiến pháp năm 1946 đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp; và nhấn mạnh Chính phủ cố gắng làm theo đúng 03 chính sách: dân sinh, dân quyền và dân tộc.

Thứ sáu, Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam thực hiện nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc trong thời kỳ đầu của sự nghiệp cách mạng đất nước.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn bởi “thù trong giặc ngoài”. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát huy cao độ sự sáng tạo, khéo léo, vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh. Hàng loạt chính sách được Nhà nước kiểu mới tiến hành, như: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm… Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ gửi nhiều thư, công hàm tới người đứng đầu các nước Mỹ, Anh, Liên Xô (trước đây), Trung Quốc… và cả Liên hợp quốc để thông báo về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – đồng thời, kêu gọi sự ủng hộ của các nước, của quốc tế đối với cách mạng Việt Nam. Nhờ đó, chính quyền cách mạng không những được củng cố, tăng cường, được Nhân dân tin tưởng, ủng hộ và đi theo, mà còn tạo được dư luận quốc tế tích cực để chuẩn bị lực lượng toàn dân bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Là thành quả của Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam trở thành nhân tố nền tảng bảo đảm vững chắc cho nền độc lập, tự do mà Nhân dân ta hằng khao khát. Trên thực tế, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thể hiện rõ bản chất giai cấp công nhân, là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nhà nước không chỉ củng cố chính quyền nhân dân, xây dựng nền móng của chế độ mới, mà còn tạo cơ sở pháp lý vững chắc để đập tan những luận điệu xuyên tạc phá hoại của các thế lực thù địch; cùng dân tộc làm nên thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc.

Sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thành tựu xây dựng Nhà nước kiểu mới vẫn còn nguyên giá trị đối với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục được củng cố và phát triển, tăng cường sức mạnh và ngày càng hoàn thiện theo hướng quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trên cơ sở “nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”(10). Quyền và nghĩa vụ của tất cả mọi người, mọi công dân đều được pháp luật và các chủ thể trong xã hội, đặc biệt là Nhà nước thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện và thúc đẩy trong khuôn khổ luật pháp. Công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay đòi hỏi giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền. Do đó, yêu cầu đặt ra hàng đầu là phải giữ vững nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước. Đồng thời, để tiến hành cùng với xu thế phát triển của xã hội hiện đại, vai trò cầm quyền của Đảng trong quan hệ với xây dựng Nhà nước pháp quyền cần thường xuyên đổi mới để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

Ghi chú:

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb. CTQG-ST,H. 1995, tr.623-624.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. CTQG-ST, H.2011, tr.153.

(3) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 12, tr.375.

(4), (5), (6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 64-65, tr. 175, tr.175.

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 41.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 310.

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 8, tr. 262.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb.CTQG-ST, H.2021, tr.175.

ThS Đặng Công Thành – Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Nguyễn Quang Bình – Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

tcnn.vn