CHẾ ĐỘ TỔNG THỐNG

“Chế độ tổng thống” được hiểu như sau:

Hình thức chính thể tổ chức chính quyền, trong đó không chỉ nghị viện với tính cách là cơ quan đại biểu, cơ quan lập pháp cao nhất mà cả tổng thống với tính cách là người đứng đầu nhà nước đều do cử tri bầu ra, đối với tổng thống có thể do cử tri trực tiếp bầu ra như ở Pháp, liên bang Nga hoặc cử tri bầu ra đại cử tri và đại cử tri bầu tổng thống mà điển hình là Mỹ và một số nước Mỹ – Latinh.

Chế độ tổng thống có một số dạng thức khác nhau mà Mỹ là một dạng thức tiêu biểu, không chỉ vì nó ra đời đầu tiên trong xã hội tư sản mà còn có những điểm đặc trưng ở sự phân chia ba quyền có tính điển hình: quyền lập pháp cao nhất thuộc quốc hội gồm hai viện (hạ viện và thượng viện), quyền hành pháp cao nhất thuộc tổng thống còn quyền tư pháp cao nhất thuộc tòa án tối cao. Với tính cách là người đứng đầu cơ quan hành pháp mà không có chức danh thủ tướng, tổng thống đồng thời là người đứng đầu nội các và bản thân nội các chỉ có vai trò như một cơ quan giúp việc. Nội các gồm các bộ trưởng do tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị và sự đồng ý của thượng viện. Tổng thống có những quyền hành rộng lớn về chính sách đối nội và đối ngoại, là tổng tư lệnh lực lượng vũ trang, có quyền ra các văn bản dưới luật, có quyền phủ quyết các luật của quốc hội. Một dự án đã được hai viện thông qua với kết quả quá bán thì được chuyển đến tổng thống phê chuẩn và công bố. Trong trường hợp tổng thống phủ quyết thì được trả lại cho hai viện xem xét và nếu biểu quyết lại mà cả hai viện đều được quá 2/3 thông qua thì tổng thống bắt buộc phải công bố, trong trường hợp ngược lại thì xem như bị phủ định. Tổng thống Rudơven đã 631 lần sử dụng quyền phủ quyết mà chỉ có 9 trường hợp không vượt qua được biểu quyết lần hai của hai viện; tổng thống Aixenhao từ 1953 đến 1958 đã 137 lần sử dụng quyền phủ quyết mà không lần nào bị hai viện vượt qua. Phủ quyết trở thành một thứ công cụ khá mạnh mẽ trong tay tổng thống, gây sức ép lên cả hai viện. Tổng thống và các thành viên chính phủ không phải chịu trách nhiệm trước hai viện. Tổng thống chỉ có thể bị bãi nhiệm theo trình tự điều tra luận tội (impeachment).

Mô hình tổng thống của Pháp lại có một số yếu tố của chế độ đại nghị, ở đây, ngạch hành pháp, cùng với tổng thống còn có thủ tướng và thủ tướng đứng đầu chính phủ được gọi là hội đồng bộ trưởng. Tổng thống bổ nhiệm thủ tướng và theo đề nghị của thủ tướng bổ nhiệm các bộ trưởng, chủ tọa các phiên họp của hội đồng bộ trưởng, giải tán hạ viện sau khi tham khảo ý kiến của thủ tướng và chủ tịch hai viện.

Theo Hiến pháp Liên bang Nga thì Nga cũng là một nhà nước theo chính thể cộng hòa tổng thống với những nét riêng biệt, ngoài những nét chung, có khác với chính thể tổng thống của Mỹ và Pháp: cũng như ở Pháp, ở Nga, ngoài tổng thống, còn có thủ tướng với cách gọi chính thức là chủ tịch chính phủ. Nhưng theo Hiến pháp Liên bang Nga, tương tự như nội các thuộc Tổng thống Mỹ, chính phủ không chịu trách nhiệm trước Đuma quốc gia, và thượng viện Nga (trừ quyền giám sát ngân sách). Sự mất tín nhiệm Chính phủ từ phía Đuma quốc gia hoàn toàn không bắt buộc Chính phủ phải từ chức, về mặt này, có khác với Pháp, vì tổng thống có quyền trong những trường hợp tương tự tuyên bố chính phủ từ chức và giải tán cả Đuma Quốc gia. Như vậy, theo mô hình Nga, hiện hữu những ưu thế rõ ràng của quyền hành pháp tương tự như mô hình Mỹ cũng như sự kém sút của quyền lập pháp theo mô hình Pháp. Đồng thời, ở mô hình Nga thiếu vắng một số ưu thế mà theo mô hình Mỹ quyền lập pháp vốn rất cần đưa lại sự đối trọng với quyền hành pháp vốn có sức mạnh hùng hậu. Ở đây, cũng thiếu vắng một sự cân bằng cần thiết trong mối quan hệ tương tác giữa hành pháp và lập pháp và trở thành một trong những điểm yếu của mô hình Tổng thống Nga.