Chữ và nghĩa: Thiên la địa võng

“Phía trước bị chốt chặn, phía sau bị tiến công, ngày 16-3-1975, Quân đoàn 2 của viên tướng ngụy Phạm Văn Phú thực sự đã rơi vào thế trận “thiên la địa võng” của quân ta. Kết cục là đã xảy ra “thảm họa đường số 7” trong cuộc rút chạy này” (Báo Nhân Dân). Thành ngữ “thiên la địa võng” dùng để chỉ một tình thế “không lối thoát, không có đường ra, khi đội quân nào đó bị vòng vây khép chặt từ bốn phía, hết đường chạy”.

Đây là một thành ngữ Hán Việt 4 yếu tố, có cấu trúc điệp và đối. Với hai vế rất chỉnh, ta thấy có “thiên” (trời) đối với “địa” (đất), “la” (lưới) đối với “võng” (cũng có nghĩa là lưới). Nghĩa đen của thành ngữ này là “lưới trời lưới đất”.

Chính từ nghĩa đen “tường minh” này mà dân gian ta dùng thành ngữ “thiên la địa võng” để diễn tả những trận chiến đấu giữa các thế lực, hai bên chống chọi nhau. Lịch sử dân tộc ta là lịch sử chống ngoại xâm. Quân đội ta từ cổ chí kim đã thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm, quyết chiến quyết thắng và đã bao lần đưa kẻ địch vào tình thế “trên trời lẫn dưới đất đều vướng lưới bủa vây”. Khi mô tả trận chiến của quân ta với giặc Minh, trong “Truyện viết cho thiếu nhi”, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết: “Lên Thăng Long không có lối, ra bể không có đường, bốn bề là thiên la địa võng, Toa Đô mày chạy đi đâu?”.

Quân đội nhân dân Việt Nam đã kinh qua các cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Bằng tài thao lược, các tướng lĩnh Quân đội ta đã bao lần đưa quân địch vào thế trận “thiên la địa võng”. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), dưới sự chỉ huy của Đại tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp đã cho quân Pháp thấy đâu cũng “thiên la địa võng”:

Chúng bay chỉ một đường ra

Một là tử địa, hai là tù binh.

(Tố Hữu, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)

PGS TS PHẠM VĂN TÌNH