Kinh nghiệm khi gặp từ mới, từ chuyên ngành khó hiểu trong đề thi IELTS

Từ vựng tiếng Anh là 1 yếu tố nền tảng quan trọng qua quá trình ôn luyện IELTS. Bài viết dưới đây cung cấp một số phân tích về định nghĩa và mức độ cần thiết trong việc học thuật ngữ chuyên ngành đối với 4 kỹ năng trong bài thi IELTS.

Thuật ngữ chuyên ngành là gì?

Thuật ngữ chuyên ngành (còn gọi là thuật ngữ kỹ thuật, tiếng Anh là Technical term), theo Perelman trong quyển “The Mayfield Handbook Of Technical & Scientific Writing”, là một phần thiết yếu của đa phần các lĩnh vực kỹ thuật và khoa học. Mỗi lĩnh vực nghiên cứu thường sử dụng một số trường từ vựng nhất định để thể hiện các khái niệm chuyên ngành bằng ngôn ngữ kỹ thuật.

Cũng theo Perelman, giá trị của một nhóm thuật ngữ nằm ở cách nó hàm chứa những khối lượng thông tin chi tiết và chuyên biệt thành một từ duy nhất. Nói cách khác, các thuật ngữ kỹ thuật thường được coi là một cách viết tắt, một cách để đạt được độ sâu và độ chính xác của ý nghĩa trong một khái niệm ngắn gọn.

Đọc thêm: Định nghĩa và vai trò của luận điểm trong văn viết học thuật

Các đặc tính của thuật ngữ chuyên ngành

Thuật ngữ chuyên ngành có nhiều đặc điểm khác biệt với ngôn ngữ sử dụng trong giao tiếp thường ngày.

Sự khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa thuật ngữ chuyên ngành và ngôn ngữ hàng ngày là tần suất xuất hiện của các biệt ngữ (“jargon”). Biệt ngữ bao gồm hệ thống các từ viết tắt, từ kỹ thuật chuyên dụng (các loại máy móc, đơn vị tính, thông số kỹ thuật, …) và các cấu trúc cụm từ phức tạp khác. Như vậy, việc sử dụng quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành có thể làm phức tạp các khái niệm đơn giản và khiến người đọc nhầm lẫn, không thể nắm bắt được thông điệp cốt lõi.

Việc đọc hiểu các thuật ngữ chuyên ngành đòi hỏi một trình độ kiến ​​thức nhất định. Vì thế, việc sử dụng các từ này cần phải có sự cân nhắc kỹ về đối tượng tiếp nhận. Ví dụ, một giám đốc điều hành trình bày tại cuộc họp của các chuyên viên phân tích kinh tế có thể sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành trong xuyên suốt bài thuyết trình. Tuy nhiên, các chuyên viên phân tích này phải tìm những từ vựng thông dụng, dễ tiếp nhận hơn khi chuẩn bị báo cáo cho khách hàng, những người thường không có hoặc có ít kiến thức nền tảng về kinh tế.

Văn cảnh sử dụng (context) của thuật ngữ chuyên ngành mang tính chuyên sâu và hạn hẹp hơn ngôn ngữ thường ngày. Cụ thể, thuật ngữ chuyên ngành truyền đạt thông tin cụ thể, hướng đến một khái niệm xác định, không thay đổi trong các ngữ cảnh khác nhau và cũng không chấp nhận các cách diễn đạt mập mờ, hạn chế tối đa trường hợp từ có hai hoặc nhiều nghĩa để đảm bảo tính chính xác trong nghiên cứu. Ngược lại, ngôn ngữ hàng ngày thường chung chung hơn, bao gồm rất nhiều từ vựng có nhiều hơn 2 nghĩa, đôi khi người tham gia giao tiếp phải căn cứ vào các dấu hiệu ngoài ngôn ngữ (như ngôn ngữ cơ thể) để hiểu hết sắc thái mà người nói muốn truyền tải.

cac-dac-tinh-cua-thuat-ngu-chuyen-nganh

Đọc thêm: Giới thiệu phương pháp học từ vựng theo ngữ cảnh và ứng dụng

Mức độ cần thiết khi học thuật ngữ chuyên ngành trong IELTS

Các nhà nghiên cứu Beck, McKeown và Kucan (2013) đã phân loại từ vựng thành ba cấp bậc:

Cấp bậc 1: từ hàng ngày (ví dụ: word (“từ”), number (“số”))

Cấp bậc 2: những từ hữu ích trên nhiều lĩnh vực chủ đề (ví dụ: analysis (“phân tích”), argument (“lập luận”))

Cấp bậc 3: các từ hoặc thuật ngữ kỹ thuật dành riêng cho chuyên ngành (ví dụ: electromagnetism (“điện từ”), photovoltaic (“quang điện”)).

Trong 3 cấp bậc này, thuật ngữ chuyên ngành thuộc vào mức độ cao nhất. Bài viết này sẽ phân tích mức độ cần thiết khi học thuật ngữ chuyên ngành trong IELTS dựa trên xuất xứ của đề IELTS Reading, IELTS Listening và đối tượng tiếp nhận của phần thi IELTS Writing, IELTS Speaking.

cap-bac-cua-tu-vung-trong-tieng-Anh

Về xuất xứ của đề bài, các văn bản trong IELTS Academic thường được lấy từ sách, tạp chí, ấn phẩm chuyên ngành và báo. Các đề bài này đã được chọn lọc kỹ, hướng đến đối tượng không phải là chuyên gia (non-specialist audience) để thích hợp cho những sinh viên ở bậc đại học. Trong khi đó, các văn bản trong IELTS General Training thường là phần trích dẫn từ sách, tạp chí, báo, thông cáo, quảng cáo, sổ tay và bảng nội quy của công ty, là những tài liệu thí sinh có thể gặp hàng ngày trong môi trường nói tiếng Anh. Với phần thi Nghe, thí sinh sẽ nghe bốn bản ghi âm của người nói tiếng Anh bản ngữ, bao gồm: cuộc trò chuyện giữa hai người đặt trong bối cảnh giao tiếp hàng ngày, đoạn độc thoại đặt trong bối cảnh thường ngày, cuộc trò chuyện giữa tối đa bốn người được đặt trong bối cảnh học thuật, đoạn độc thoại về một chủ đề học thuật (thường là một bài giảng ngắn).

Thực tế, các từ vựng cần để xác định và giải thích đáp án trong bài thi Đọc và Nghe thường rơi vào Cấp bậc 1 hoặc Cấp bậc 2. Các các từ hoặc thuật ngữ kỹ thuật dành riêng cho chuyên ngành ở Cấp độ 3 vẫn có xuất hiện, nhưng chúng thường sẽ đi kèm với phần định nghĩa phía sau, hoặc chỉ yêu cầu thí sinh suy đoán ý nghĩa khái quát.

Đọc thêm: Sử dụng transcript trong luyện tập IELTS Listening Part 3

Ví dụ:

Thuật ngữ ‘ganzfeld’ experiments thường gặp trong lĩnh vực tâm lý học đã xuất hiện trong bài đọc của quyển Cambridge IELTS 8. Tuy nhiên, định nghĩa của thuật ngữ này được cung cấp ngay phía sau, với cụm “a German term that means ‘whole field” (một thuật ngữ tiếng Đức có nghĩa là ‘toàn bộ lĩnh vực’). Ngoài ra, thí sinh có thể hiểu rõ hơn thuật ngữ này thông qua các đoạn văn giải thích, mô tả phía sau.

Thuật ngữ Proganochelys quenstedti và Palaeochersis talampayensis thường gặp trong lĩnh vực nghiên cứu hoá thạch đã xuất hiện trong bài đọc của quyển Cambridge IELTS 9. Tuy nhiên, thí sinh có thể đoán ra đây là 2 loài động vật cổ đại khi đọc câu văn “There are two key fossils called Proganochelys quenstedti and Palaeochersis talampayensis dating from early dinosaur times, which appear to be close to the ancestry of all modem turtles and tortoises”. (Dịch nghĩa: Có hai hóa thạch quan trọng được gọi là Proganochelys quenstedti và Palaeochersis talampayensis có niên đại từ thời kỳ khủng long sơ khai, dường như gần với tổ tiên của tất cả các loài rùa hiện đại và rùa cạn.)

Thuật ngữ photovoltaic (quang điện) trong lĩnh vực nghiên cứu vật lý đã xuất hiện trong bài nghe của quyển Cambridge IELTS 9. Tuy nhiên, từ này không nằm trong các đáp án, và trong phần audio không bị biến đổi bằng từ đồng nghĩa.

Về các câu hỏi của phần thi Viết, các chủ đề của phiên bản IELTS Academic là các vấn đề được dư luận quan tâm chung và phù hợp với những thí sinh ứng tuyển trình độ đại học hoặc sau đại học. Trong khi đó, các chủ đề của phiên bản IELTS General Training hướng đến các tình huống thường nhật. Ngoài ra, văn phong của các bài viết cũng được chấm trên góc nhìn của đối tượng không phải là chuyên gia (non-specialist audience). Tương tự, các câu hỏi của phần thi Nói thường xoay quanh chủ đề đời sống quen thuộc (Part 1 và part 2) và chủ đề xã hội (part 3).

muc-do-can-thiet-cua-thuat-ngu-chuyen-nganh-trong-ielts

Đọc thêm: Cách trả lời các dạng câu hỏi IELTS Speaking Part 1 – Phần 1 dạng Like and Dislike questions

Như vậy, việc ghi nhớ các từ vựng thuộc nhóm Cấp độ 3 đối với thí sinh luyện thi IELTS là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu thí sinh muốn dùng các từ này trong bài Viết hay Nói thì cần tìm hiểu định nghĩa chuẩn xác và giải thích một cách chi tiết.

Tổng kết

Với các đặc tính khác biệt với ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày như: tần suất xuất hiện của các biệt ngữ, sự đòi hỏi trình độ kiến ​​thức nhất định và văn cảnh sử dụng đặc thù, các thuật ngữ chuyên ngành thường không nằm trong nhóm từ trọng tâm và nên dùng trong bài thi IELTS. Người học nên tập trung hơn vào các từ vựng thuộc Cấp bậc 1 (từ vựng dùng trong ngôn ngữ hàng ngày) và Cấp bậc 2 (những từ được sử dụng trên nhiều lĩnh vực).

Võ Ngọc Hậu