Các hình thức thực hiện pháp luật? (Cập nhật 2024)

Các quy phạm pháp luật (kết quả của hoạt động xây dựng pháp luật) muốn đi vào cuộc sống, áp dụng vào thực tế thì cần đến hoạt động “thực hiện pháp luật”. Để hiểu rõ hơn về hoạt động này, mời quý đọc giả theo dõi bài viết dưới đây của ACC nha~

I. Khái niệm thực hiện pháp luật

Thực hiện pháp luật là hành vi thực tế, hợp pháp, có mục đích của các chủ thể được hình thành trong quá trình thực hiện hóa các quy định của pháp luật.Việc thực hiện pháp luật có ý nghĩa to lớn trong đời sống. Bằng việc thực hiện pháp luật, các quy định của pháp luật từ trong các nguồn luật khác nhau đã đi vào đời sống, trở thành hành vi thực tế của các chủ thể. Nhờ đó, pháp luật phát huy vai trò của nó trên thực tế, làm cho đời sống xã hội ổn định, trật tự và có điều kiện phát triển mạnh mẽ

II. Các hình thức thực hiện pháp luật

Thứ nhất, về hình thức tuân theo pháp luật (tuân thủ pháp luật)

Tuân theo pháp luật (tuân thủ pháp luật) là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật kiềm chế không tiến hành các hoạt động mà pháp luật cấm.Sự kiềm chế của các chủ thể pháp luật được hiểu là khi pháp luật quy định cấm làm một điều gì đó thì họ không tiến hành hành động này mặc dù họ có cơ hội để thực hiện hành vi bị cấm. Ở hình thức này, hành vi của chủ thể được thể hiện dưới dạng không hành động.

VD: Không buôn bán chất cấm

Thứ hai, về hình thức thi hành pháp luật (chấp hành pháp luật)

Thi hành pháp luật (chấp hành pháp luật) là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật tiến hành các hoạt động mà pháp luật buộc phải làm. Chủ thể pháp luật phải tiến hành các hoạt động bắt buộc là khi họ ở trong điều kiện mà pháp luật quy định thì phải làm những việc mà nhà nước yêu cầu, họ không thể viện lý do để từ chối. Ở hình thức này, hành vi của chủ thể thi hành pháp luật được thể hiện dưới dạng hành động

VD: Người nộp thuế có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ, đúng hạn, đúng địa điểm

Thứ ba, về hình thức sử dụng pháp luật (vận dụng pháp luật)

Sử dụng pháp luật (vận dụng pháp luật) là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật tiến hành những hoạt động mà pháp luật cho phép. Việc sử dụng pháp luật là việc chủ thể pháp luật thực hiện các quyền theo quy định pháp luật. Nhà nước tạo khả năng cho chủ thể pháp luật có thể được hưởng những quyền nào đó và họ đã căn cứ vào mong muốn, điều kiện của mình để thực hiện các quyền này.

VD: Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân

Thứ tư, về hình thức áp dụng pháp luật

Áp dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền hoặc tổ chức xã hội được nhà nước trao quyền. Đây là hình thức thực hiện pháp luật rất quan trọng. Khi đó chủ thể có thẩm quyền do pháp luật quy định được giải quyết các vụ việc cụ thể xảy ra trong đời sống nhằm xác định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý,…cho các chủ thể trong những trường hợp cụ thể.

Hoạt động này là sự tiếp tục thể hiện ý chí nhà nước, thông qua hoạt động áp dụng pháp luật, ý chí nhà nước được thể hiện một cách cụ thể trong các trường hợp cụ thể. Theo quy định của pháp luật, hoạt động áp dụng pháp luật có thể được tiến hành theo sáng kiến của chủ thể có thẩm quyền hoặc người được (bị) áp dụng pháp luật, tuy nhiên quyết định áp dụng pháp luật luôn thể hiện ý chí đơn phương của chủ thể tiến hành áp dụng pháp luật trên cơ sở nhận thức và niềm tin của họ về bản chất của vụ việc và các quy định của pháp luật. Quyết định áp dụng pháp luật có ý nghĩa bắt buộc đối với chủ thể bị áp dụng pháp luật và chủ thể khác có liên quan. Khi cần thiết, quyết định này được đảm bảo bằng biện pháp cưỡng chế nhà nước.

Hoạt động áp dụng pháp luật hết sức đa dạng, phong phú, do các chủ thể có thẩm quyền tiến hành hàng ngày trong đời sống. Tựu trung lại, có thể phân chia thành các nhóm sau đây:

– Khi quyền và nghĩa vụ pháp lí của chủ thể không mặc nhiên phát sinh, thay đoi, chấm dứt

– Khỉ xảy ra tranh chấp về quyền và nghĩa vụ pháp lí giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật mà họ không tự giải quyết được

– Khi cần phải áp dụng các chể tài pháp luật đối với chủ thể vi phạm pháp luật

– Khi cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước trong các trường hợp khác

– Khi cần kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong một số quan hệ pháp luật nhất định

– Khi cần phải xác định sự tồn tại hay không tồn tại của một số sự kiện thực tế nào đỏ theo quy định của pháp luật

VD: Tòa án ra quyết định ly hôn. Tòa án đã áp dụng các trình tự, thủ tục để giải quyết ly hôn dựa theo quy định của pháp luật.

ACC hy vọng đã hỗ trợ để có thể giúp bạn hiểu thêm về một số vấn đề về các hình thức thực hiện pháp luật. Nếu có gì thắc mắc quý đọc giả vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Website: accgroup.vn